Khi 'Lọ lem' đi thi hoa hậu

Thí sinh Bùi Thị Thu Trang và H’Ăng Niê. Ảnh: Trường Phong.
Thí sinh Bùi Thị Thu Trang và H’Ăng Niê. Ảnh: Trường Phong.
TP - Ít ai biết rằng nhiều người đẹp dự thi Hoa hậu Việt Nam 2014 có cuộc đời vất vả thăng trầm như “cô gái lọ lem”, họ từng phải bán cháo, bán xôi, bưng bê ở quán cơm bình dân, bán bóng bay vào ngày mùng Một Tết, chăn bò thuê…

Nhưng tất cả những “Lọ lem” tôi gặp đều không chờ một hoàng tử để thay đổi cuộc đời, đều không bỏ cuộc, họ đi thi hoa hậu như một cách hoàn thiện mình và vượt lên…

Người đẹp xứ Mường bán xôi thi đỗ đại học

Cho đến bây giờ, khi đã ra đảo ngọc Phú Quốc dự thi Hoa hậu Việt Nam, Bùi Thị Thu Trang thỉnh thoảng vẫn bị ám ảnh bởi tiếng lợn kêu. Cô gái dân tộc Mường quê ở huyện Lạc Sơn, Hòa Bình không quên được hình ảnh của bố dậy từ 3 giờ sáng, bắt lợn, đun nước nóng mài dao, mẹ chuẩn bị lọc thịt để mang ra chợ bán.

Gia đình Trang có 4 chị em gái, hai chị đầu học ngành sư phạm, em út mới bốn tuổi, bố mẹ đều làm ruộng nên nghèo, phải thêm nghề thịt lợn để có tiền cho con ăn học. Những ngày ở nhà, Trang cũng dậy sớm phụ giúp bố mẹ.

Cái nghề thịt lợn bây giờ cũng nhiều người làm nên có khi mẹ chở một con lợn ra chợ bán cả ngày không hết. Thương bố mẹ, Trang vừa đi học vừa bán thêm cả xôi, cháo sáng. Trang dậy từ 3 giờ sáng, nấu cháo, thổi xôi, rồi dọn hàng. 

Cô gái có đôi mắt đượm buồn tâm sự: “Nhiều người qua đường cứ hỏi: Xinh thế mà cũng đi bán xôi à? Em nghĩ bán xôi để phụ giúp bố mẹ thì có gì xấu, em chẳng ngại gì, rất vui là khác. Có anh còn bảo: Bán xôi mà cứ cười hớn hở thế? Vậy bán xôi không được cười à? Gia đình em làm ruộng vất vả nhưng bố mẹ đều muốn đầu tư cho con cái học hành để thoát cảnh chân lấm tay bùn. Em cũng cố gắng vươn lên”.

Trang vừa thi đỗ vào Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và xuống Hà Nội học. Trang chọn ở KTX để tiết kiệm tiền, mỗi năm chỉ phải đóng 900 nghìn đồng. Một tháng bố mẹ gửi cho Trang 2 triệu đồng, cũng chắt bóp lắm mới đủ tiêu. Trong khi đang tìm việc để làm thêm thì hễ được nghỉ, cô gái dân tộc Mường lại thường trở về huyện vùng cao Lạc Dương thăm bố mẹ, lại dậy sớm nấu cháo, thổi xôi dọn hàng bán.

Khi tôi hỏi: “Nếu trở thành hoa hậu thì điều gì em muốn làm nhất”, Trang bỗng giàn giụa nước mắt: “Em sẽ dành tiền trả nợ cho bố mẹ. Mẹ em yếu lắm và bố thì đau lưng rất nặng mà vẫn phải đi cày ruộng, gánh lúa nắng cháy da, vẫn phải dậy sớm làm thịt lợn để trả món nợ vay người ta vì nuôi chị em em ăn học”.

“Lọ lem” Tây Nguyên chăn bò thuê kiếm học bổng Pháp 

Trong số 38 thí sinh, H’Ăng Niê có một vẻ đẹp khác lạ của đại ngàn Tây Nguyên, “da của nắng và tóc của gió”. Ngồi trò chuyện, tôi thật bất ngờ khi biết cô gái dân tộc Ê đê này lại có một tuổi thơ dữ dội như vậy.  

“Em ở buôn Niêng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk, gia đình có 6 anh em nhưng chỉ có em và anh trai được đi học. Năm em 10 tuổi, ba bị bệnh nặng, phải đưa xuống Sài Gòn chữa bệnh. Ở đó người ta nói phải có 10 triệu để chi phí chữa trị. Gia đình em nghèo quá, kiếm đâu ra 10 triệu đồng, nên phải đưa ba về quê, được một thời gian thì ba mất”, H’Ăng Niê rơi nước mắt khi nhắc đến ba mình.

Ngày ba mất, cà phê cũng mất mùa, thu hoạch cả hai hécta cà phê của nhà H’Ăng Niê chỉ bán được 400 nghìn đồng, không đủ tiền mua phân bón. Một mình mẹ phải nuôi 6 người con đang tuổi ăn tuổi lớn, H’Ăng Niê lúc đó còn bé nhưng đã xin đi làm thuê. H’Ăng Niê đi xả cỏ cà phê mỗi ngày công được trả 25 nghìn đồng, đủ tiền để mua chiếc quần dài đi học. Nhưng cô bé lọt thỏm giữa rừng cà phê, chân đất đầu trần trong cái nắng Tây Nguyên như đổ lửa, đi làm về tay chân bỏng rát, phồng rộp.

H’Ăng Niê lại chăn bò thuê, không có tiền công mà nếu con bò mình chăn đẻ thì con đầu tiên thuộc về mình, con thứ hai thuộc về chủ. Có được chú bê con thì cũng giúp giảm bớt gánh nặng của gia đình.

Bữa cơm hằng ngày của H’Ăng Niê thường chỉ có măng rừng nhưng cô bé này lại học rất giỏi. Thi đỗ vào trường dân tộc nội trú, được học bổng của Pháp năm lớp 11, H’Ăng Niê biết rằng chỉ có cố gắng học mới thoát khỏi cảnh làm rẫy và chăn bò thuê.

Nỗ lực ấy đã đưa cô gái Ê đê này đi thật xa. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, H’Ăng Niê được mời xuống TP.HCM làm cho một công ty truyền thông, chuyên dạy kỹ năng sống cho giới trẻ… H’Ăng Niê trở thành tốp 6 người đẹp có thể hình đẹp nhất trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam và giờ đây lại có mặt ở Phú Quốc, không chỉ mang đến một vẻ đẹp Tây Nguyên khác lạ, mà cả câu chuyện mang đầy màu sắc cổ tích “Lọ lem”.

Những hoa khôi làm bồi bàn, cắt lúa…

Nhìn gương mặt luôn cười tươi của Đỗ Thị Huệ, ít ai ngờ cô sinh viên trường Đại học Điện lực đến từ thành phố Hạ Long, Quảng Ninh này lại có một cuộc sống vất vả như vậy. Gia đình có 3 chị em gái, bố làm thợ xây nhưng phải nghỉ mất sức, mẹ làm công nhân. Học ở Hà Nội, Huệ thuê nhà trọ ở chung với hai người bạn cho tiết kiệm.

Ngoài giờ học, Huệ phải đi làm bưng bê ở quán bình dân để kiếm thêm thu nhập và đỡ đần cho mẹ. Những ngày nóng bức hay mưa lạnh, Huệ vẫn đều đặn đi bưng bê, đứng rạc cả chân, tối muộn lại lóc cóc về một mình. Ngày mùng Một Tết trong khi mọi người du xuân thì Huệ ra cột đồng hồ TP Hạ Long để bán bóng bay. Trong một ngày Huệ bán được 100 quả bóng bay có dòng chữ “Vạn sự như ý”. Huệ nghĩ bán bóng bay ngày đầu năm mới sẽ mang đến may mắn cho mọi người và mình lại có tiền mừng tuổi cho các em. 

Cùng học ở trường Đại học Điện lực như Đỗ Thị Huệ nhưng Ngọc Mai lại phải tạm dừng học để đi làm vì gia đình vướng vào một món nợ lớn. Mỗi tháng bố phải trả 15 triệu đồng tiền nợ, khiến Mai không còn tiền đóng học phí nữa. Thương bố quá, Mai đi làm mẫu cho các hãng thời trang, góp vào giúp bố trả nợ. Bố mẹ chia tay nhau đã 11 năm nay, Mai sống với bố, nhiều hôm đi làm về mệt quá, tủi thân khóc thầm vì không có mẹ bên cạnh. Mai tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình đã rèn cho em nghị lực vươn lên. Em sẽ cố gắng đi làm có tiền để quay lại giảng đường đại học”.

Huỳnh Hồng Khai ở huyện Gia Rái, Bạc Liêu cùng quê với hoa hậu Đặng Thu Thảo. Gia đình Khai có 4 chị em gái, một em trai, cha mẹ làm ruộng nuôi tôm, cuộc sống cũng phải giật gấu vá vai. Dù da trắng, tóc dài nhưng Khai vẫn thường ra đồng cắt lúa dưới cái nắng chói chang. Biết rằng làm việc đồng áng có thể khiến tay chai sạn, da đen, nhưng cô gái này vẫn không ngại vì hoàn cảnh gia đình nên phải cố gắng.

Đậu khoa Tài chính Ngân hàng của Đại học Bạc Liêu, Hồng Khai lên thành phố ở nhờ nhà bà con để đỡ tiền chu cấp của bố mẹ. Mỗi tháng mẹ gửi cho 1,2 triệu đồng, hoa khôi Bạc Liêu phải đi làm PG lễ tân trong các hội nghị của tỉnh để có thêm thu nhập. Nhưng cứ được nghỉ, Khai thường về quê, lại làm những công việc đồng áng mà không sợ ảnh hưởng tới nhan sắc.

 Khai chia sẻ: “Em không thích vẻ đẹp trong ăn trắng mặc trơn, mà thích vẻ đẹp trong lao động. Ai đó nói con gái đẹp mà gia đình nghèo thì thiệt thòi, nhưng em lại thấy mình hạnh phúc vì bố mẹ luôn thương yêu em”.

Khi 'Lọ lem' đi thi hoa hậu ảnh 1

THÔNG TIN CUỘC THI HOA HẬU VIỆT NAM 2014:

Website:http://hoahau.tienphong.vn/

Facebook:https://www.facebook.com/hhvn2014

Youtube:https://www.youtube.com/user/hoahauvietnam2014

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.