Khi Khánh Ly chơi tạp bút

Khánh Ly thời trẻ (ảnh nhỏ). Khánh Ly với nghệ sĩ Kim Cương - người mà ca sĩ đặc biệt ngưỡng mộ (ảnh lớn) (ảnh trong sách)
Khánh Ly thời trẻ (ảnh nhỏ). Khánh Ly với nghệ sĩ Kim Cương - người mà ca sĩ đặc biệt ngưỡng mộ (ảnh lớn) (ảnh trong sách)
TP - Chỉ ít bài báo lẻ tập hợp vào một cuốn sách mà bộc lộ được chất nghệ sĩ, một sự thành thật và có lúc sâu sắc, cả hài hước- đó là Khánh Ly với cuốn Đằng sau những nụ cười. Cái tên không thể thiếu- Trịnh Công Sơn, cũng hiện lên khá đẹp qua phác thảo của danh ca này.

Nhiều người viết và kể về Trịnh Công Sơn, đều khen cả, bởi họ viết vì yêu mến ông nhưng ngồi trà dư tửu hậu, có người bảo ngoài đời ông “lý tài lắm”, “diễn giỏi hơn bất kỳ ai, diễn mà như không diễn”. Đọc tạp bút của Khánh Ly thì thấy Trịnh Công Sơn dễ thương, thực sự nghệ sĩ và khác đời.

Từ những buổi đầu tập hát cho Khánh Ly, tên thật là Lệ Mai - người tự nhận “dốt, nhìn bài hát như xẩm sờ voi” và thực tế đã hát sai nhiều nốt, nhạc sĩ vẫn không sửa, không nói năng làm ca sĩ trẻ cứ tưởng mình hát đúng. Bài hát in ra có người nói thì mới biết sai. Theo Khánh Ly, dẫu biết chị sai nhưng Sơn vẫn thấy lọt tai, hoặc thấy chị say mê với cái sai của mình nên không nỡ nói. Còn Khánh Ly sau này học nhạc lý, biết mình sai nhưng “nhạc của anh đã thành máu thịt của tôi rồi”. Cái sai đã được chấp nhận và tha thứ. Đúng là hai con người nghệ sĩ.

“Tôi không chấm gót cô Thái Thanh. Không có kỹ thuật như Lệ Thu, Khánh Hà. Không biết diễn tả dịu dàng say đắm như Ý Lan.

 Không có một thân hình, một đôi chân của Linda Trang Đài, không có làn hơi phong phú ngọt ngào của Hương Lan. Không có tuổi trẻ và nhan sắc của Như Quỳnh. Thế thì tôi có cái gì? Tôi chỉ có một nỗi niềm mà mỗi khi cất tiếng, tôi tìm được sự chia sẻ trong những ánh mắt”.

Khánh Ly

Khánh Ly từng phát biểu “Trịnh Công Sơn không yêu ai ngoài mẹ”. Nhưng mối quan hệ Trịnh Công Sơn - Khánh Ly xứng đáng là huyền thoại, nếu nó đúng như những gì chị kể và rồi kết lại: “Chúng tôi không hề biết ngoài đời có gì vui. Chúng tôi không cần biết vì niềm vui đã có. Rất đơn sơ mà thắm thiết không rời”. “Rất nhẹ nhàng, tôi cúi xuống nhìn mặt anh. Tôi không nghe thấy hơi thở của chính mình. Tự dưng tôi muốn hôn lên trán anh. Tôi không làm thế. Tôi muốn nắm lấy bàn tay rất gầy có những ngón thon dài, đặt trên ngực. Tôi không làm thế”.

“Cuộc sống ở xứ người thật muôn ngàn khó khăn. Đời có đổi nhưng chúng tôi thì không”. Và dù không đề cập kỹ, người đọc cảm nhận sự “khó sống” đầu tiên đến từ chính mối quan hệ giữa người Việt, giữa nghệ sĩ với nhau ở hải ngoại. “Tôi từng lãnh đủ những cú tát trái tát phải, những cú đấm ngàn cân, những nắm  bùn vứt vào mặt đằng sau những nụ cười. Nhưng có sao đâu. Thế mới là đời”. Và “những ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên”.

Công việc đi hát thì được mô tả khá trần trụi: “Tìm kiếm niềm vui và mang lại niềm vui cho người khác. Nói trắng ra nữa thì là kiếm cơm, kiếm tiền nuôi con ăn học. Đó là chưa kể những công việc của một sến nương lành nghề. Trăm điều hãy cứ trông vào tay ta”.

Nghe thật nhọc nhằn, nào thu âm, chào mời bán băng đĩa, bao năm đi hát là bấy nhiêu năm không được ăn tết ở nhà, rồi vừa hát vừa hồi hộp đếm khán giả trong khán phòng... Khánh Ly quan niệm “Tối kỵ là giẫm chân người khác. Nghệ sĩ phải sáng tạo. Nghèo tiền đã đành, cái đầu cũng nghèo thì văn nghệ sĩ ở đây (tức hải ngoại - PV) sẽ chỉ lặp lại của nhau”.

Ngoài đời Khánh Ly nổi tiếng bạo miệng, từ lóng từ tục cũng “không từ”. Khi viết, đôi lúc chị tỏ ra khá lợi hại. Như năm ngoái lên báo mắng mấy người nhà nhạc sĩ ruột: “Xin đừng dùng tên Trịnh mà gấu ó tranh giành”. Người này còn có khả năng tự trào. Từ trẻ, Khánh Ly đã cho rằng mình “không có gì đẹp ngoài mái tóc”. Có lúc văng: “Mẹ kiếp, đã xấu sẵn rồi, làm gì cũng không thể đẹp hơn, cứ quẹt quẹt tí xanh xanh đỏ đỏ cho người ta đỡ sợ là được rồi”; “Trời cho tôi giọng của con vịt đực, của đàn ông”. 

Rồi đến bằng tiểu học cũng không có, chỉ giỏi học thuộc lòng để sau này thuận cho nghề ca sĩ còn thì chưa bao giờ tự làm lấy một bài toán, không biết lái xe “dốt thì cũng dốt vừa thôi chứ!”, “Gu ăn mặc già”, “Tiếng là đi show có tiền mà lúc về toàn xì dầu, cafe, thịt hộp, kem đánh răng, kem bôi tay. Thật khùng đến như tôi là cùng”...

Trong nhiều năm, Khánh Ly giữ mục “Bên đời hiu quạnh” cho một tờ báo nhỏ của người Việt ở Mỹ, viết chuyện mình, chuyện nghề, chuyện đời. Những bài này lưu hành trên mạng, được nhiều người tìm đọc và nay Phương Nam lần đầu tập hợp nó vào một cuốn sách. Có những bài rất xinh xắn, trong đó tác giả bộc lộ được sự chân thật và chín nghĩ, kể một cách dễ nghe chuyện bếp núc- theo nghĩa đen, của một người đàn bà yêu thích cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, nhiều bài làng nhàng. Đặc biệt, không hiểu có phải do quá tôn trọng tác giả mà người làm sách đã giữ nguyên lỗi văn phạm, chính tả, viết hoa không đúng chỗ.

Nghe nói đạo diễn Dũng “khùng” sính dấu ba chấm lắm, khi viết kịch bản và blog, không biết nói gì sẽ tương ba chấm lửng lơ! Thì Khánh Ly cũng vậy. Dấu ba chấm rải khắp các trang sách đôi khi gây cảm giác khó chịu không ngờ. Ảnh riêng tư của Khánh Ly đưa vào sách khá nhiều, tiếc thay không được lựa chọn kỹ về chất lượng ảnh và cả nội dung, chú thích thì dễ dãi. Được cái thỏa mãn những người đọc tò mò rằng đây là các ông nhạc sĩ nổi tiếng Trầm Tử Thiêng, Anh Bằng, Vũ Thành An vân vân; đây là con gái, con dâu, cháu chắt của ca sĩ... 

Mặc sạn lớn sạn nhỏ, cuốn sách đánh dấu thành công doanh thu bằng 1 vạn bản in đầu tiên và đang chuẩn bị tái bản. Và cái được nhất của nó, đó là dù tác giả tự nhận mình thuộc giới bình dân, càng không có tham vọng về chữ nghĩa nhưng cuốn sách ít nhiều cho người đọc hình dung đời sống của một nghệ sĩ là thế nào, có phong phú khác người không. Trong khi những nghệ sĩ khác không biết sống và nghĩ gì mà không chịu kể ra.

MỚI - NÓNG