Khi hoà giải là giải pháp, thì có gì phải giấu giếm?

TPO - Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án với một số quy định đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Cụ thể, dự thảo luật quy định, trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại điều 31 của luật này.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích, lý do là bảo đảm bí mật của việc hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định này.

"Đôi khi người ta thổ lộ tâm tình với hòa giải viên những điều thầm kín trong lòng, tại sao người ta ly hôn, tại vì ông này có cái này, bà này thế này, những việc như thế không thể mang ra để thành câu chuyện đàm tiếu.

Hay khi chia tài sản người ta cũng không muốn là gia đình người ta có bao nhiêu tiền, ra tòa thì tất cả phải được công khai, đất bao nhiêu, nhà bao nhiêu, tiền bao nhiêu, cổ phần cổ phiếu bao nhiêu, nhưng chế định này người ta không muốn cho nên khi người ta đã chia sẻ thông tin với hòa giải viên tất cả những thông tin về mặt đời tư thì bổn phận của hòa giải viên phải giữ bí mật cho người ta" – Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải.

Và theo dự thảo luật thì có thể hòa giải ngoài trụ sở tòa án, tức là mang nhiều tính "thỏa thuận".
Tuy nhiên, là người đã từng trực tiếp tham gia vào hòa giải, tôi xin trao đổi lại một số điều rút ra từ thực tế như sau:

Do hòa giải là phương án giải quyết mâu thuẫn ngoài các quy định sẵn có của pháp luật, cho nên các bên thường đưa ra các đề xuất mà khi tìm hiểu kỹ thì những đề xuất ấy có khi trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Nhưng do thời gian hòa giải ngắn, các bên đương sự không tìm hiểu được kỹ với các đề xuất này, nên dễ bị thuyết phục hòa giải bằng các lập luận sai pháp luật, trái đạo đức xã hội, mà có thể họ không biết.

Và như vậy thì hòa giải mà không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại, thì sau đó các hòa giải trái pháp luật, trái đạo đức xã hội sẽ không bị phát hiện. Từ đó mở ra khoảng trống cho vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội tồn tại được.

Trong khi về mặt lý luận thì cần hiểu rằng, hòa giải là phương án thỏa thuận các biện pháp xử lý mâu thuẫn sao cho phải đảm bảo phù hợp pháp luật, phù hợp đạo đức xã hội, chứ không phải hòa giải là để cho hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội được tồn tại.

Cho nên hòa giải đương nhiên là đường đường chính chính, do đó không có chuyện không thể ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại như giải thích về đề xuất của dự thảo.

Trong trường hợp, nếu như các bên đương sự có những vấn đề tế nhị riêng tư khó nói như chuyện sinh hoạt vợ chồng, tài sản riêng..., thì hoàn toàn có quyền diễn giải đại khái (chẳng hạn đời sống vợ chồng không hợp nhau,...) mà không cần mô tả chi tiết trong biên bản hòa giải. Và các đương sự cũng không bị luật bắt buộc phải mô tả chi tiết tỉ mỉ trong biên bản hòa giải.

Cho nên, với bản chất của hòa giải phải là phương án giải quyết phù hợp pháp luật, phù hợp đạo đức xã hội, thì việc hòa giải hoàn toàn không có gì khuất tất để phải né tránh ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại như dự thảo luật đề xuất.

Cũng cần hết sức lưu ý và nhấn mạnh rằng, pháp luật đại diện cho quan điểm của nhà nước, cho nên xưa nay nguyên tắc chung của các quy định pháp luật vẫn là đường đường chính chính như địa vị vốn có của nhà nước vậy, tức là cần công khai minh bạch.

Và cũng vì lý do pháp luật đại diện cho địa vị của nhà nước nên việc giải quyết hòa giải ngoài trụ sở tòa án như ở những nơi dân sinh như quán xá, khách sạn, nhà hàng..., sẽ khó có thể đảm bảo được sự tôn nghiêm cho uy tín của nhà nước.

MỚI - NÓNG