Khi cả làng phải uống thuốc

Khi cả làng phải uống thuốc
TP - Sau khi đem tiền bán tài sản gửi vào ngân hàng để lấy lãi nuôi bộ khung công ty trong giai đoạn khó khăn, giám đốc một công ty TNHH xòe hai bàn tay: “Tôi không còn biết làm gì hơn trong lúc này!” Ông tâm sự, rất muốn vay vốn để phát triển sản xuất nhưng không thể, vì lãi suất quá cao nên đành phải bán bớt tài sản và nằm chờ. Câu chuyện của vị giám đốc chuyên sản xuất ba lô, túi xách tại quận 8 (TPHCM) kể trên không hiếm trong tình cảnh nguồn tín dụng ngân hàng bị siết chặt như hiện nay.

Việc quy định trần lãi suất huy động vốn (14%/năm) và tiếp sau là cuộc chạy đua ngầm nâng lãi suất huy động vốn cao hơn quy định, để rồi cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng của các ngân hàng thương mại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho nền kinh tế.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh- Giám đốc Chương trình đào tạo kinh tế Fulbright tại TPHCM cho rằng, thay vì đặt trần lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước lại đặt trần lãi suất huy động và điều đó vô tình đã tạo ra sân chơi không bình đẳng. Lẽ ra những ngân hàng có uy tín có thể huy động vốn theo lãi suất vừa phải hơn so với ngân hàng có thanh khoản khó khăn. Đằng này trần lãi suất huy động của các ngân hàng, cả tốt lẫn không tốt, đều cào bằng như nhau.

Cách làm này, theo tiến sĩ Tự Anh: Chẳng khác nào khi chỉ có một vài người bệnh, lại bắt cả làng uống thuốc, những thứ thuốc rất đắng cho người lành mạnh mà chưa chắc đã chữa được cho người ốm, đồng thời còn làm cho người khỏe mạnh bị mắc bệnh. Đó là điều không tốt cho nền kinh tế. Chưa kể, nếu đặt trần lãi suất huy động thấp hơn mặt bằng lãi suất của nền kinh tế cũng dẫn đến tình trạng lách quy định.

Việc bắt cả làng phải uống thuốc khiến cơ thể nền kinh tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây trọng bệnh. Khi lãi suất cho vay được đẩy lên cao quá sức chịu đựng, các doanh nghiệp - hạt nhân của nền kinh tế đang phải đứng trước câu hỏi lớn: “Hoạt động hay là chết?”. Dĩ nhiên chả ai chọn cái chết, song hoạt động lại rơi vào vòng lẩn quẩn, thậm chí tiêu cực. Nhiều doanh nghiệp không có vốn buộc phải thu hẹp sản xuất để bảo toàn vốn và tài sản hiện có, thậm chí bán tài sản để đem tiền gửi ngân hàng và sống cầm hơi bằng lãi suất cho vay như doanh nghiệp kể trên. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng trưởng giảm đi, xuất khẩu chững lại, thất nghiệp gia tăng... Nhiều doanh nghiệp khác vùng vẫy bằng cách huy động vốn từ nước ngoài hoặc bán tài sản để lấy vốn. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lo ngại điều đó dẫn đến sự tách rời của doanh nghiệp với hệ thống ngân hàng trong nước. Và hiển nhiên, ở một góc độ nào đó, gây khó khăn thêm đối với nền kinh tế.

Thay vì bắt cả làng phải uống thuốc, tiến sĩ Tự Anh cho rằng, cần có sự phân loại các nhóm ngân hàng để quản lý và cách này đã được các nước phát triển đi trước làm rất tốt, ta hoàn hoàn có thể học hỏi. Ông cũng chia sẻ, về mặt kỹ thuật không có gì là khó, họ chia ngân hàng thành 5 nhóm. Nhóm tốt thì Nhà nước không cần can thiệp mà để họ tự vận hành. Chỉ có nhóm đặc biệt có vấn đề và nhóm có vấn đề thì phải đưa họ vào trạng thái kiểm soát đặc biệt. Bất kỳ một quyết định cho vay lớn nào của ngân hàng trong hai nhóm đó phải được ngân hàng trung ương thông qua và thông qua tổ chức có tính giám sát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG