Theo Ủy ban Kinh tế- Ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng tăng 1,8% so dự toán, là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, cố gắng hoàn thành vượt dự toán được giao của các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Mặc dù đạt được kết quả khả quan như vậy, nhưng nhìn vào cân đối thu chi vẫn nổi lên những lo ngại. Đó là thu từ dầu khí hụt lớn so với dự toán. Giá dầu thế giới sụt giảm sâu, ước cả năm chỉ đạt 56,7USD/thùng, con số này giảm tới 43USD/thùng so với giá tính dự toán, dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng. Cụ thể thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỷ đồng, thu nội địa giảm khoảng 12.000 tỷ đồng do giảm thu từ hoạt động khai thác khí, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất..., thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm khoảng 19.000 tỷ đồng do trị giá tính thuế xuất khẩu dầu thô, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu giảm. Đây là mức hụt thu lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương.
Thực tế ngân sách địa phương đã tăng thu khoảng 47.700 tỷ đồng nhưng ngân sách trung ương lại hụt thu tới 31.300 tỷ đồng, dẫn đến khó khăn trong cân đối ngân sách nhà nước. Cùng với đó, bội chi ngân sách, hay cụ thể hơn là chi nhiều hơn thu vẫn là bài toán đau đầu. Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, năm 2015 sẽ khó giữ mức bội chi bằng 5% GDP, tương ứng là chi vượt thu 226.000 tỷ đồng do một số khoản chi chưa có nguồn bù đắp như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam... Để xử lý bù hụt thu ngân sách trung ương, Chính phủ đề nghị sử dụng một phần tiền bán bớt cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp được khoảng 10.000 tỷ đồng. Số hụt thu còn lại 21.300 tỷ đồng sẽ lấy từ nguồn nào thì chưa được làm rõ.
Trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, cùng với vấn đề vay và trả nợ đã trở nên khó khăn hơn thì yêu cầu về an ninh nền tài chính càng được đặt ra cấp thiết.
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” - đó là điều mà Chính phủ cần tính tới lúc này. Nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và khu vực chưa thực sự ổn định, môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước chưa được cải thiện nhiều, giá dầu thô giảm mạnh, nhập siêu có xu hướng tăng, thị trường tài chính, thị trường bất động sản phục hồi chưa mạnh, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm… đã tác động không nhỏ đến kết quả thu ngân sách năm 2015. Tìm các giải pháp tăng thu từ địa phương, thắt chặt chi tiêu, kỷ luật tài chính trong chi ngân sách với phương châm “khéo co thì ấm” cần được triển khai đồng bộ từ trung ương tới địa phương như mục tiêu đặt ra của ngành Tài chính.