Hạt giống đỏ

ân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: VTC
ân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: VTC
TP - Tuần qua, Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành đồng loạt diễn ra. Cùng lúc, thông tin về hàng loạt các lãnh đạo trẻ trên dưới 30 tuổi trúng cử vào Ban chấp hành, Ban thường vụ các thành ủy, tỉnh ủy nhiệm kỳ mới liên tục được cập nhật, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.

Trong đó, hai tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đều sinh năm 1976, vừa  tròn 39 tuổi. Như vậy, lần đầu tiên xuất hiện những người sinh sau năm 1975 được giao nắm giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Giới trí thức nhiều người còn lưu truyền câu chuyện năm 1954, Việt Nam gửi 100 “hạt giống đỏ” từ 6 đến 16 tuổi sang Liên Xô đào tạo. Đó phần lớn là con của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, những nhà quân sự tài ba, nhà khoa học lừng danh... Họ được chọn lựa kỹ càng về phẩm chất đạo đức lẫn các chỉ số về trí tuệ, tài năng, với mục đích đào tạo thành những nhà quản lý, lãnh đạo  đất nước trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình. Thế nhưng chỉ vài người trong số ấy thành công trên con đường chính trị. Còn lại hầu hết dành cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, y học, kinh tế, văn hóa-nghệ thuật, quân sự…, và sau này đều là những tên tuổi nổi tiếng, các chuyên gia đầu ngành.

Trong số những nhân tố trẻ được tín nhiệm sau kỳ đại hội vừa qua tại nhiều địa phương, nổi lên một số trường hợp là con của cán bộ lãnh đạo. Dư luận đa chiều. Nhưng có thể thấy phần đông xã hội đặt niềm hy vọng vào sức trẻ, học vấn bài bản và nhiệt huyết của họ. Trẻ và có học – hai vốn quý vào loại bậc nhất của con người. Cộng với khát khao cống hiến, tạo nên sự đổi mới, tiến bộ - vậy thì tại sao phải băn khoăn, e ngại? Sự già nua, lạc hậu và bảo thủ nhường chỗ dần cho nhân tố mới hiện đại, năng động - đó là sự phản ánh tiến bộ xã hội, nên mừng.

Cách nhau hơn 60 năm, những thế hệ “hạt giống đỏ” hẳn có nhiều điểm không còn tương đồng. Xã hội hiện đại thời hội nhập thế giới, nền kinh tế thị trường, cùng các mối quan hệ xã hội phức tạp, nhóm lợi ích đan xen khiến nhãn quan con người không còn giản đơn như trước. Tất nhiên, dư luận cũng sòng phẳng và khắt khe hơn với những vị trí lãnh đạo, nhất là khi họ còn trẻ và có xuất thân hoàn toàn khác số đông. Đó chính là áp lực lớn đối với những nhà lãnh đạo trẻ mà bước đường sự nghiệp còn rất dài trước mắt. Khi nắm trong tay quyền lực sớm hơn rất nhiều người khác, càng đòi hỏi sự trong sáng, trong sạch, công tâm.

Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng 39 tuổi Nguyễn Xuân Anh, phát biểu khi nhậm chức: “Chức vụ là do Đảng phân công, vì vậy người lãnh đạo muốn làm gì thì phải nghĩ đây không phải quyền lực mà mình được hưởng thụ cho cá nhân hoặc cho gia đình mà tùy tiện muốn làm gì thì làm”.

Người dân mong những lãnh đạo trẻ tuổi không chỉ nghĩ và nói, mà luôn làm được như vậy.

MỚI - NÓNG