Liệu ngành y tế có thấy được những nỗi lo đó để nâng chất lượng khám chữa bệnh lên một cách thực sự hay không?
Tại hội nghị “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” do Bộ Y tế tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, “bệnh nhân là một loại khách hàng đặc biệt” nên “các khách hàng đặc biệt này phải được cấp cứu, chăm sóc, chữa trị vô điều kiện”.
Hiện thực hóa khẳng định của bộ trưởng, sau đó, các Bệnh viện Bạch Mai, Nhi T.Ư, Việt Đức và K đã ký cam kết sẽ đối xử với bệnh nhân như khách hàng đặc biệt.
Nếu lấy phương châm “khách hàng là thượng đế” trong kinh doanh để so sánh thì có thể thấy ngành y tế cũng đang hướng đến việc phục vụ bệnh nhân như những “thượng đế đặc biệt”.
Với người bệnh, khi đã phải vào tới bệnh viện, ở ranh giới giữa sống và chết thì chắc chắn chẳng mấy ai quan tâm đến mình là “khách hàng đặc biệt” hay “thượng đế đặc biệt nữa”.
Cái họ cần chính là thái độ khám chữa tận tình, xác định đúng bệnh, điều trị đúng cách chứ không phải những lời quát mắng, vẻ mặt lạnh lùng, bỏ mặc bệnh nhân chờ đợi... như chuyện từng xảy ra xưa nay.
Hơn 5 tháng kể từ tuyên bố của tư lệnh ngành khẳng định bệnh nhân là “khách hàng đặc biệt”, những ai đã từng vào viện hẳn sẽ cảm nhận được sự thay đổi chưa phải rõ nét.
Mới tháng trước, một nữ hộ sinh đã nói bệnh nhân “ngu thì chết chứ bệnh tật gì”. Đành rằng người bệnh này có sai khi tự ý đến hút thai tại một phòng khám không đảm bảo nhưng việc nữ hộ sinh nói như vậy rõ ràng không phải lời nói dành cho “khách hàng đặc biệt”.
Cứ cho rằng thu nhập thấp, thời gian làm việc căng thẳng là những điều khiến chất lượng khám chữa bệnh chưa cao, thái độ của y bác sĩ không tốt thì tới đây, khi mà có tới 1.800 dịch vụ y tế tăng giá, rõ ràng cần phải có một sự đổi mới toàn diện về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế.
Thậm chí, đó còn là đòi hỏi của người bệnh bởi theo lộ trình tăng viện phí, tới đầu năm 2016, lương trả cho các y bác sĩ cũng sẽ được tính vào viện phí.
Nhưng trên hết, hãy xem việc tăng viện phí, nếu hợp lý, chỉ là sự điều chỉnh theo tình hình chung, chứ không nên coi đó là điều kiện để ngành y phải thế này, phải thế kia bởi cũng như chính Bộ trưởng Bộ Y tế đã nói “Mặc dù y tế đang phát triển trong nền kinh tế thị trường nhưng ngành y luôn đặt sức khỏe và tính mạng của người bệnh lên cao nhất”.