Khai giảng sớm

Khai giảng sớm
TP - Một tay máy trẻ đưa lên Facebook bộ ảnh khá thu hút về những đứa trẻ thay đổi cuộc sống từ khi bác sĩ “cắt và đóng cho một chiếc khung”. 

Bộ ảnh bày tỏ cảm thông và chia sẻ sự bất tiện, thiệt thòi của những ai bị cận bẩm sinh, và nêu thông điệp gửi đến các bậc phụ huynh, suy ngẫm làm sao giúp những đứa trẻ cận thị không bẩm sinh: “Đừng để những ô cửa sổ tâm hồn có thêm cái khung nặng nề, không đáng có. Làm sao giúp trẻ có được ánh mắt trong sáng, không phải nhìn qua chiếc khung nào”.

Sáng, đứa trẻ đầu cấp trung học cơ sở khoác chiếc ba lô nặng trĩu lên người, chọn chiếc kính cận phù hợp màu quần sắc áo đồng phục, thêm chiếc khăn quàng đỏ theo lên từ hồi tiểu học. Mới ngày nào mắt sáng như sao chổi, trong veo màu đen ánh xanh, giờ dại hẳn, “đóng khung” bởi cặp kính. 

Đôi mắt sáng, đẹp, tinh anh là lợi điểm của một đứa trẻ, càng lợi thế khi lớn lên thành cô gái, sau vài năm tiểu học lợi điểm đã thành khiếm khuyết. Xác định dù không bẩm sinh nhưng cặp kính sẽ theo cả đời, trừ lúc đi ngủ còn thì bất ly thân. 

Ngày xưa đứa nào đeo kính thì lập tức có biệt hiệu và bị trêu “bốn mắt”, “nhìn đời qua đít chai”, giờ lớp hơn nửa số đứa cận thị, có lớp ba phần tư. Ngày học hai buổi, tối hí hoáy làm bài đến khuya, không cận mới lạ. Đấy là chưa kể những đứa học thêm học nếm suốt, rồi học đàn học địch, vẽ vời, thể thao... Bận rộn hơn người lớn.

Còn hơn nửa tháng mới khai giảng nhưng các trường đã vào học chính thức hàng tuần rồi. Hôm 15/8, các cô giáo trịnh trọng vận áo dài, nhận lớp và dạy kiến thức mới luôn. Cho nên có đứa “ngầu”, mấy năm liền không thèm đi dự lễ khai giảng nữa, không chịu diễn cùng bạn diễn (các thầy cô) nữa.

Ở cổng trường trung học cơ sở, trong khi đợi đón con, một phụ huynh kể về đứa bé cùng xóm, nó khoe “nghỉ hè đã kịp học trước nửa quyển ngữ văn và toán tập 1 rồi”. Có người con vừa vào học (trung học cơ sở) đã bắt đầu tính đến cuộc đua vào trung học phổ thông.

Có người hy vọng đến khi con mình thi đại học thì không tao tác nháo nhác như kỳ thi vừa qua, lúc ấy ngành giáo dục phải cải tiến kha khá rồi chứ? Chọn “hạnh phúc” hay chọn “sống sót” trong những mái trường- đôi khi chẳng tùy thuộc vào học sinh và phụ huynh của chúng.

MỚI - NÓNG