Iraq đối mặt hàng loạt thách thức sau khi quét sạch IS khỏi Mosul

Thủ tướng Haider al-Abadi bắt tay với các sĩ quan quân đội ở Mosul, Iraq, vào ngày 9/7. Ảnh: Tân Hoa Xã
Thủ tướng Haider al-Abadi bắt tay với các sĩ quan quân đội ở Mosul, Iraq, vào ngày 9/7. Ảnh: Tân Hoa Xã
TPO - Giải phóng thành cổ Mosul từ tay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là thắng lợi lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Iraq, nhưng đất nước Trung Đông bị chiến tranh tàn phá vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc tái thiết và hòa giải dân tộc.

Mosul, thủ phủ của tỉnh Nineveh và thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã hoàn toàn được giải phóng sau cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội chính phủ và liên minh do Mỹ dẫn đầu với IS.

Được xem là thủ đô của IS, tại đây, lãnh đạo tối cao IS Sheikh Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập “vương triều” mới ở Iraq và Syria, việc Mosul thất thủ đồng nghĩa với sự sụp đổ của nhóm Hồi giáo cực đoan này tại Iraq.

Đối với Baghdad, chiến thắng tại Mosul mở ra cánh cửa tái thiết và hòa giải dân tộc, như mong muốn của đa số người dân Iraq sau nhiều năm bạo lực, chiến tranh và tàn phá.

“Sự thất bại của nhóm Sunni cực đoan IS sẽ rất hữu ích cho sự hòa giải dân tộc, nó là tuyên bố rõ ràng nhất cho sự thất bại khi lựa chọn bạo lực cho tất cả các bên xung đột”, Ibrahim al-Ameri, nhà phân tích chính trị Iraq, nhận định.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ nhiều cường quốc trong khu vực và quốc tế, cũng như rạn nứt vẫn tồn tại về chủng tộc và đạo đức, đất nước này phải đối mặt với những thách thức rất lớn trên con đường dài để hòa giải dân tộc.

Thách thức từ chính “kẻ bại trận” IS

Abdullah al-Jubouri, sĩ quan quân đội ở Iraq, cũng ca ngợi chiến thắng ở Mosul “là thắng lợi lớn trong cuộc chiến chống khủng bố, phá vỡ hậu phương của khủng bố, phá hủy thứ gọi là “đế chế” của người Hồi giáo ở Iraq và Syria”. Dẫu vậy, Al-Jubouri cảnh báo, mất đi Mosul sẽ thúc đẩy IS tìm vùng đất khác để tiếp tục cuộc chiến chống lại chính phủ Iraq.

Theo ông, chiến binh IS có thể bị buộc phải chạy trốn đến vài khu biệt lập ở Iraq, kích động những phần tử cực đoan “ngủ đông” trên khắp các khu vực thành thị để khởi động các cuộc tấn công trong tương lai.

Iraq đối mặt hàng loạt thách thức sau khi quét sạch IS khỏi Mosul ảnh 2 Chiến binh IS lúc còn kiểm soát Mosul. Ảnh: BBC

Tân Hoa Xã dẫn lời Netanel Avneri, chuyên gia về Trung Đông và Hồi giáo tại Đại học Bar Ilan của Israel, cho biết, IS có khả năng trở thành một nhóm du kích lẩn trốn ở khu vực sa mạc miền tây Iraq, lái xe tăng và mở các cuộc đột kích trước khi trốn thoát đến những căn cứ của chúng.

Không chỉ vậy, các chuyên gia đều đồng ý, thất bại ở chiến trường Trung Đông sẽ khiến IS tiến hành các cuộc tấn công trả thù, đặc biệt nhắm vào phương Tây.

Theo Itler Turan, giáo sư khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Istanbul Bilgi ở Thổ Nhĩ Kỳ, IS, giống như nhiều nhóm khủng bố khác đang suy yếu, sẽ có những hành động tiêu cực “để nhắc nhở mọi người rằng chúng đang sống và vẫn tốt”.

Trong khi, Muhammad Hijazzi, chuyên gia phân tích chính trị Palestine, tiết lộ, IS có kế hoạch gọi là “Những con sói chờ đợi”, theo đó, thành viên của chúng đã di cư sang các nước phương Tây, chờ đợi để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố bất cứ lúc nào.

Theo Hoffman, sự sụp đổ của thành trì ở Mosul không có nghĩa là kết thúc các vụ tấn công từ IS. Ông cho rằng, nhóm này có khả năng sẽ tấn công du kích, thậm chí có thể gửi những kẻ đánh bom liều chết để trả thù lực lượng an ninh Iraq.

Thách thức trong quá trình tái thiết đất nước

Sau khi đánh bại IS, Iraq sẽ bước vào thời kỳ tái thiết và hòa giải. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán, đây không phải là công việc đơn giản.

Theo Tân Hoa Xã, ước tính việc xây dựng lại Iraq bị chiến tranh tàn phá đòi hỏi tiêu tốn ít nhất 1 tỷ USD, gánh nặng tài chính mà quốc gia này dường như không thể gánh vác.

Iraq đối mặt hàng loạt thách thức sau khi quét sạch IS khỏi Mosul ảnh 3  Mosul hoang tàn ngày giải phóng. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia đánh giá, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc phương Tây như Mỹ, cần phải viện trợ khẩn cấp cho Iraq để giúp chữa trị vết thương chiến tranh. Nếu không lợi thế từ chiến thắng trong cuộc chiến chống lại IS sẽ biến mất, dẫn đến những cuộc xung đột mới và sản sinh ra các nhóm khủng bố như IS.

“IS là nạn nhân của chính sách đơn phương từ Mỹ. Bây giờ, Iraq thay mặt thế giới chống khủng bố, và đất nước chúng tôi cần sự hợp tác của thế giới để chấm dứt khủng bố, mang lại sự ổn định và giúp xây dựng lại các thành phố và thị trấn bị phá hủy bởi cuộc chiến chống IS”, ông Al-Ameri kêu gọi.

Chuyên gia này còn đề cập đến dự án trị giá 13 tỷ USD suốt 4 năm do Mỹ khởi xướng để hỗ trợ các nước Tây Âu xây dựng lại nền kinh tế trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ II.

Thách thức trong việc hòa giải dân tộc

So với tái thiết đất nước, các chuyên gia lo lắng hơn về việc hòa giải sau chiến tranh.

Al-Ameri nhận định, tình hình ở Mosul và nhiều khu vực khác của Iraq sẽ rất phức tạp vì các phe nhóm trong cùng tôn giáo và tôn giáo khác nhau muốn chia sẻ quyền lực.

Đầu tiên, những quy tắc do IS đặt ra ở các thành trì như Mosul đã gieo rắc hạt giống thù hận và chia rẽ. Sự thất bại của IS có thể dẫn đến tình hình hỗn loạn và xảy ra những vụ giết người trả đũa, đẩy một số thành phố trở lại xung đột dân sự.

Chưa kể, mỗi bên hoặc các phe phái ở Iraq sẽ sử dụng bất kỳ công cụ nào để thay đổi cảnh quan chính trị vì lợi ích riêng trong giai đoạn hậu IS.

Al-Ameri lưu ý thêm, việc giải phóng Mosul còn liên quan đến một số lực lượng trong khu vực và nước ngoài. Các nhóm vũ trang khác nhau chiến đấu chống IS đôi khi cũng xung đột với nhau vì họ thường là đối thủ với các nguồn gốc tôn giáo và đạo đức khác nhau.

“Cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa chính phủ trung ương, người Kurd, người Sunni và Shiite sẽ căng thẳng hơn”. Ông Al-Ameri nhận định.

Trong khi, giáo sư Turan chỉ rõ, các nguyên nhân hình thành nhóm khủng bố dòng Sunni như IS vẫn tồn tại ở Iraq sau khi IS thua trận, chính phủ Iraq vẫn tiếp tục là một chính phủ dòng Shiite và người Sunni trong nước sẽ gặp không ít trở ngại để chấp nhận một chế độ như vậy.

Bên trong đó, người Kurd vẫn nuôi ý định tách riêng khỏi Iraq, bước đi vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

“Căng thẳng giữa người Kurd và người Ả Rập sẽ gây ra những vấn đề sắc tộc có thể nghiêm trọng không kém mâu thuẫn giữa Sunni và Shiite”, Al-Ameri bày tỏ sự quan ngại.

Ngoài ra, theo Sabah al-Sheikh, giảng viên chính trị tại Đại học Baghdad, sự can thiệp của Mỹ hay Iran vào Iraq hiện nay có thể làm phức tạp tình hình chính trị.

Theo Theo Tân Hoa Xã
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.