Inrasara: Đi dây giữa quá khứ và tương lai

TP - Inrasara nói với tôi rằng truyền thống sáng tác văn chương của người Chăm là khuyết danh. Người Chăm tin các sáng tác không phải là sản phẩm của con người mà “ông Trời” mượn tay con người để viết ra những tác phẩm.

Những năm 1950 về trước, người Chăm vẫn chưa đề tên dưới các sáng tác của mình, bởi vậy chỉ khi bỏ việc kinh doanh để đi sưu tầm nghiên cứu văn hóa, anh Inrasara mới biết một tác phẩm nổi tiếng của người Chăm đã do chính ông ngoại viết nên.

Inrasara: Đi dây giữa quá khứ và tương lai ảnh 1 Tranh: Nguyễn xuân Hoàng

Cày thuê mua sách

Anh Inrasara sinh năm 1957 tại Phan Rang, trong một gia đình 5 anh em, ai cũng hiếu học. Thời tiểu học anh được học bổng của chính phủ, đủ trang trải cho cả mình và anh trai ăn học. Gia đình nghèo, cách tỉnh lỵ 10 km, cậu bé dáng người nhỏ nhắn, rắn chắc thường đi bộ để đến trường. Những phong cảnh làng quê và số phận của người dân quê đã in vào trong anh từ ngày ấy. Cuộc sống thời chiến tranh, rồi sau giải phóng nhiều khó khăn, tới mức bạn bè dần bỏ học hết. Năm lớp mười hai, lớp 12 ban Văn trường Trung học Nguyễn Trãi chỉ còn lại một mình anh là học sinh người Chăm, nhưng anh cùng một người bạn khác đã đậu đại học.

Sau năm 1975, việc đậu đại học quả là một may mắn lớn và cổng trường đại học mở ra một tương lai tốt đẹp trước mắt. Nhưng tính cách ương ngạnh của chàng trai xứ nóng tưởng như phá hỏng tất cả. Tranh luận nảy lửa với thầy giáo ở Khoa Ngữ văn, anh cảm thấy giấc mơ văn chương quá trắc trở, Inrasara đã bỏ Khoa Ngữ Văn và thi tuyển vào khoa ngoại ngữ. Mặc dù học phổ thông tiếng Pháp nhưng anh đã trúng tuyển vào khoa tiếng Anh. “Tôi chỉ theo học vỏn vẹn một năm. Lúc đó cuộc sống của tôi gặp nhiều khó khăn và tôi cũng cảm thấy mình không học được gì nhiều”.

Sinh viên đại học năm thứ nhất nhưng Inrasara chìm đắm trong không gian thi ca, anh viết rất nhiều bài thơ trong lúc ấy. Chàng thi sĩ trẻ đã rời trường đại học, đi khắp đất nước, lúc ngồi tàu lửa khi đi bộ mải miết, vừa trải nghiệm những suy tư tôn giáo vừa nhớ và viết không ngừng. Trong khi bạn bè miệt mài trên giảng đường thì chàng thi sĩ trẻ cũng hiểu rằng mình không thể đi vào cuộc đời rộng lớn này mà thiếu tri thức.

“Nhà phê bình nhận xét những cái hay trong một tác phẩm thì dễ lắm, nhưng tìm được cái mới trong những tác phẩm ấy sẽ đem lại nhiều thú vị hơn”. 

Inrasara

“Từ Sài Gòn, tôi về quê một năm, chỉ để cày thuê. Hai anh em tôi cùng hai con bò. Tôi cày, em tôi cắt cỏ cho bò ăn. Chúng tôi cứ đi cày thuê khắp làng tôi rồi qua các làng khác, từ ngày này qua ngày khác. Bò của người ta mỗi tháng chỉ cày hai mươi ngày, còn chúng tôi cày suốt tháng không nghỉ vì đứa em tôi thường cắt cỏ cho bò ăn cả đêm”. Mỗi ngày công được 12.000 đồng, mua được 12 cuốn sách lúc ấy. Vào cái năm 1977 ấy, xã hội nhiều xáo trộn, người ta bán sách quý ở phố Ký Con giá rất rẻ. Một vài tháng anh lại ôm tiền lên Sài Gòn, lúc về mang theo hai thùng sách lớn!

“Sưu tập” văn hóa

Inrasara sinh trưởng ở một trong những làng Chăm cổ nhất, nơi các gia đình vẫn theo truyền thống Mẫu hệ. “Gia đình mẫu hệ, người đàn ông được giải phóng mọi việc nhà, chỉ lo học hành và chiến đấu với đời bằng tri thức của mình” - anh cho biết. Người đàn ông lo sự nghiệp, người phụ nữ lo gia đình. Con trai sinh ra lấy họ cha nhưng lúc chết lại được chôn trong nghĩa trang của dòng họ mẹ. Khi lập gia đình, tài sản do người phụ nữ quản lý. “Ra tòa, quan tòa chia đôi tài sản theo luật pháp, nhưng không anh chồng Chăm nào dám lấy tài sản dù chỉ một xu” - họ vẫn giữ phong tục của dân tộc mình khi bước ra khỏi sân tòa án.

Một người giỏi về nghề kế toán và buôn bán, nhưng sau khi lập công ty sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm truyền thống của người Chăm, anh bàn giao hết công ty cho vợ quản lý rồi tập trung vào viết lách, nghiên cứu. Không tốt nghiệp một trường đại học nào nhưng anh thường xuyên được mời nói chuyện với sinh viên các trường đại học trong nước, ngoài nước, được các tổ chức uy tín quốc tế đầu tư để thực hiện các dự án nghiên cứu bảo tồn văn hóa, sáng tác Chăm.

Thước đo mà anh hướng tới là những tiêu chuẩn khắt khe của khoa học chứ không phải bằng cấp. Anh rất dị ứng với những gì thuộc về hình thức, khoa trương, thiếu cơ sở khoa học và thiếu tính thực tiễn. Các công trình nghiên cứu của Inrasara được xây dựng trên nền móng vững chắc của quá trình sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu thực địa, kết hợp với những lý thuyết nghiên cứu trong và ngoài nước. Khi nói về một tác phẩm nào đó, anh thường đưa ra tới 7 cơ sở, chẳng hạn như sau phần tổng luận là bản sao chụp tác phẩm gốc, bản ghi chép bằng chữ Chăm, bản dịch nghĩa và dịch thơ ra tiếng Việt, đối chiếu dị bản, phần chú giải… Trong một lần như vậy, anh đã phát hiện ra tác giả một tác phẩm lớn lại chính là ông ngoại của mình.

Ông ngoại của anh (theo cách gọi của người theo Mẫu hệ, tức là cụ thân sinh ra bố anh) một vị thầy cả uy tín, tiếng tăm. Inrasara không biết ông ngoại cũng là một nhà thơ, người đã gieo vào anh dòng máu văn chương. “Một lần cha con chúng tôi đi sao chụp một tác phẩm thơ lớn có tên Ariya Rideh Apwei (Trường ca xe lửa), người lưu giữ bảo: “Ông ngoại của cậu chính là tác giả tác phẩm này, mọi người đều biết điều đó mà”. Anh đã biết, đã nghiên cứu và giới thiệu tác phẩm vài chục năm rồi, nhưng mới khoảng 5 năm trước anh mới được biết tác giả. 

Để tránh sự khuyết danh trong các sáng tác Chăm, Inrasara thường ghi chú cẩn thận rằng tác phẩm này tương truyền là của ai. Công việc này giúp tác giả hiện diện rõ hơn trong sáng tác Chăm, mặc dù tác phẩm thường nhiều dị bản bởi ai cũng có thể thêm bớt sửa chữa các tác phẩm khi họ ghi chép chúng. Inrasara đã góp phần thay đổi cách lưu giữ và quản lý các tác phẩm dân gian Chăm. Anh sưu tầm nhiều dị bản, ghi chép và nghiên cứu quá trình sáng tạo cũng như sự vận động trong quá trình nhận thức của dân tộc Chăm với những ghi chú và nghiên cứu kỹ lưỡng.

Inrasara: Đi dây giữa quá khứ và tương lai ảnh 2

“Tôi đã tham gia biên soạn 4 cuốn từ điển tiếng Chăm - Việt, Việt - Chăm, hoàn thành được bộ văn học Chăm gồm 10 cuốn, viết 4 cuốn tiểu luận phê bình văn học, cá nhân thì sáng tác được 6 tập thơ, 2 cuốn tiểu thuyết, 1 cuốn tùy bút”. Inrasara vui vẻ cho biết. Sức viết, sức nghĩ và cả sức tranh luận của tác giả này ngày càng thuyết phục, kể cả những người khó tính nhất.

Inrasara đã 2 lần đoạt Giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam (1997- 2003), Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (Lễ Tẩy trần tháng Tư) năm 2005 tại Thái Lan. Giải thưởng của Trung tâm Lịch sử và Văn minh Đông Dương thuộc Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1995 với công trình nghiên cứu Văn Học Chăm (tập 1). Nhân vật Văn hóa trong năm 2005 (Đài Truyền hinh Việt Nam), Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (2009).

Ủng hộ cái mới bằng… phê phán

Tôi gặp anh Inrasara lần đầu tiên tại sân thơ Trẻ ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong Ngày thơ Việt Nam cách đây độ chục năm. Dù đọc nhiều bài viết của anh, nhưng lần đầu tiên gặp anh. Inrasara đến sân thơ trẻ với nhiều phần trưng bày thơ Hậu hiện đại với sự thích thú xen lẫn ngỡ ngàng. Anh chăm chú xem kỹ từng “gian” thơ của các tác giả khá trẻ. Sự tò mò của anh khiến tôi chú ý và tôi đã trò chuyện cùng anh, trước khi biết anh chính là Inrasara. 

“Vì sao anh lại thích nghệ thuật hậu hiện đại và quan tâm đến các tác giả trẻ?” - tôi hỏi anh trong quán cà phê ở đường Vườn Lài, Sài Gòn. Tôi thường gặp không ít những người hoặc không quan tâm, hoặc dị ứng, hoặc không mấy tin tưởng vào nghệ thuật hiện đại. Inrasara nói: “Tôi quan niệm hơi khác về nghề phê bình. Nhà phê bình nhận xét những cái hay trong một tác phẩm thì dễ lắm, nhưng tìm được cái mới trong những tác phẩm ấy sẽ đem lại nhiều thú vị hơn. Tôi thường tìm thấy trong các tác phẩm hiện đại những diễn ngôn mà trước kia chưa từng có, điều đó hấp dẫn tôi”. 

Sự ủng hộ các sáng tác hiện đại của Inrasara không đơn giản một chiều, người ta nhìn thấy phần đa nhưng nhận xét của anh với các tác giả trẻ là rất khắt khe, thậm chí đôi khi khá “phũ phàng”. Đằng sau sự nghiêm khắc ấy, người ta thấy rõ một học vấn sâu sắc về nghệ thuật hiện đại, những trăn trở đối với nghệ thuật hiện đại, những tìm kiếm và dĩ nhiên cả hy vọng. Chính tâm thế ấy khiến nhiều tác giả trẻ, mặc dù bị Inrasara “cạo đầu” không thương tiếc, vẫn nể trọng và lắng nghe những nhận xét “cay hơn ớt” của Inrasara.

Dường như Inrasara quan tâm nhiều đến tính hữu dụng của tri thức. Chỉ tri thức mới, hiện đại, giải quyết được các vấn đề của xã hội hiện đại mới thực sự là thứ tri thức mà loài người đang khát khao tìm kiếm. Những giá trị dù tốt đẹp, nhưng ngày nay không ai cần tới nữa thì chúng đã trở thành thừa. Anh dí dỏm nói: “Với một người trí thức, nếu anh ta lạc hậu thì anh ta nên chết đi”. Dĩ nhiên, khái niệm “chết” ở đây nghĩa là người trí thức phải biết làm mới mình, tìm đến những kiến thức mới mẻ hơn.

11/2014

Hướng biển 

Văn hóa Chăm có thể nói là một nền văn hóa biển. “Thế kỷ thứ IV đã có vua Chăm đi sang Ấn Độ để tu hành. Thế kỷ 10 người chăm đã đóng được tàu dài 37 sải, ghé lấy củi lấy nước trên cù lao”. Inrasara cho biết có hai giả thuyết về nguồn gốc người Chăm ở Việt Nam đó là họ từ ngoài biển vào, hoặc từ núi xuống (từ Mông Cổ). Trong bia cổ ghi bằng chữ Phạn ở Nha Trang đã ghi nhận người Chăm có mặt ở đây ít nhất từ năm 192.

“Văn hóa Chăm ảnh hưởng rất nhiều văn hóa Ấn Độ nhưng người Chăm không liên quan nhiều đến chủng tộc hay ngôn ngữ. Ngôn ngữ Ấn Độ chỉ chiếm 10% trong ngôn ngữ Chăm - chủ yếu là những từ thuộc kiến trúc thượng tầng, còn lại ngôn ngữ Chăm thuộc hệ Mã Lai - Đa Đảo” - Inrasara cho biết. Sự giao lưu mạnh mẽ trong lịch sử văn hóa biển của người Chăm cũng thể hiện trong việc các tôn giáo khác nhau xâm nhập vào nơi đây: “Đầu tiên là Phật giáo Tiểu thừa, sau đó là Ấn Độ giáo, rồi Phật giáo Đại thừa, rồi Hồi giáo”. Gia đình anh theo Ấn Độ giáo, một tôn giáo đa thần với vị thần Shiva nổi tiếng, đây là vị thần tượng trưng cho sự biến đổi không ngừng. 

Nhà nghiên cứu văn hóa kể: “Người Việt lúc gặp khó khăn thường kêu lên: Trời đất ơi! Thì người Chăm lại kêu: Trời biển ơi!”. 

Anh Inrasara cho biết văn hóa Chăm lưu giữ rất nhiều những giá trị, những sử liệu về biển Đông, về Hoàng Sa, Trường Sa. “Thế kỷ 16, người phương Tây đã gọi biển Đông là Biển của người Chăm - anh nói - việc giao thương diễn ra mạnh mẽ trên biển, các đảo, cù lao. Nhiều thế kỷ qua, lãnh địa của người Chăm đã nhập vào đất nước Việt Nam và dĩ nhiên các giá trị văn hóa lịch sử của người Chăm là của đất nước Việt Nam nói chung”. 

MỚI - NÓNG