Hợp thức hóa mại dâm, luật sư nói gì?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - Luật sư cho rằng việc hợp thức hóa mại dâm ở Việt Nam sẽ càng khó quản lý và làm phức tạp thêm lĩnh vực nhạy cảm này. Thế nhưng, cũng có quan điểm ủng hộ việc quản lý hoạt động mại dâm bằng những quy chuẩn, quy định rõ ràng.

Khi đề cập tới quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm, một câu hỏi thường đượt đặt ra là: Có coi mại dâm là một nghề hay không?”.

Thời gian qua, có một số ý kiến cho rằng nên hợp thức hóa mại dâm, thực nghiệm ở phạm vi nhỏ như các đặc khu kinh tế.

Tuy nhiên, trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc hợp thức hóa mại dâm chỉ làm phức tạp thêm lĩnh vực nhạy cảm này.

“Các số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu cho thấy hợp pháp hóa mại dâm, không giúp cho việc quản lý tốt hơn mà chỉ làm hoạt động này càng trở nên phức tạp. Đầu tiên sẽ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy buôn bán nô lệ tình dục” – luật sư Tú nói.

Theo luật sư Tú, để hợp thức hóa mại dâm, việc sửa đổi hay bãi bỏ các điều luật trong Bộ Luật Hình sự về các tội danh liên quan đến mại dâm không khó. Tuy nhiên, dư luận hiện nay đang có hai luồng quan điểm trái chiều: ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm và không ủng hộ.

“Hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà chỉ khiến hoạt động này trở nên tràn lan. Tiền thuế thu được rất ít, trong khi chi phí bỏ ra để duy trì hệ thống “phố đèn đỏ” và y tế cho gái bán dâm, cũng như truy quét các loại tội phạm như ma túy, trộm cướp, cờ bạc... lại rất lớn” – luật sư Tú phân tích.

Cũng theo luật sư Tú, việc hợp thức hóa mại dâm sẽ làm gia tăng nạn “mại dâm chui, gái đứng đường” không giấy phép do gái bán dâm không muốn phải nộp thuế và bị quản lý, kéo theo đó là bạo lực đường phố và làm giả giấy phép.

Việc này sẽ dẫn đến tồn tại song song “mại dâm hợp pháp” và “mại dâm bất hợp pháp” làm cho quản lý càng rắc rối hơn.

“Với quan điểm của một luật sư, tôi ủng hộ những người không đồng ý hợp pháp hóa mại dâm. Theo tôi, thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, nếu hợp pháp hóa mại dâm, sẽ không khiến việc quản lý được tốt hơn, mà chỉ làm phức tạp thêm lĩnh vực nhạy cảm này” – luật sư Tú nêu quan điểm.

"Tôi nghĩ rằng, có một số người đang có những hiểu lầm dẫn đến ngộ nhận cho rằng hợp pháp hóa mại dâm là đúng đắn và cần thiết để quản lý và bảo vệ phụ nữ, ngăn ngừa tệ nạn xã hội. Ở một khía cạnh khác, hợp pháp hóa mại dâm cũng cho thấy nó không vì sự phát triển của phụ nữ nói chung. Bởi vì chẳng thể loại trừ khả năng những em gái đang ở tuổi đến trường (nhận thức chưa đầy đủ), đặc biệt các em gái thuộc các gia đình có kinh tế khó khăn, sớm xa rời sách vở, học hành… để lựa chọn “nghề nghiệp” này".

Luật sư Tú lo ngại, hợp pháp hóa mại dâm, cũng làm gia tăng tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em. "Đặt trường hợp một bé gái bị bắt cóc, bị đánh đập và bắt tiếp khách. Sau đó, các đối tượng tội phạm khống chế bé gái này, bắt viết đơn gia nhập đường dây “hành nghề” của chúng. Đến khi gia đình đi tìm, phát hiện cháu bé đang trong “nhà thổ”, thì các đối tượng “quản lý” đưa ra giấy cam kết tự nguyện gia nhập đường dây “hành nghề” mà cháu bé (bị ép buộc) viết. Lúc này pháp luật cũng sẽ… bó tay. Thế nên, đừng nghĩ rằng hợp pháp hóa mại dâm lại có thể bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ.

Vấn đề “hợp pháp hóa mại dâm” nếu chỉ đặt mình ở vị trí của người mua dâm, thì có nghĩa rằng bản chất sự “ủng hộ” đó là ích kỷ - vì nhu cầu bản thân, chứ không vì lợi ích chung và sự phát triển của xã hội", luật sư Tú nói.

Cần quản lý chặt chẽ

Trong khi đó, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lại có quan điểm đồng tình với việc đưa mại dâm vào quản lý. Luật sư Tuấn Anh cho rằng: "Phải thừa nhận đây là một câu chuyện trong thực tế. Suốt nhiều năm qua, chúng ta không quản lý được và chưa có cách thức để quản lý lĩnh vực này.

Nếu muốn đưa mại dâm vào diện quản lý thì những nhà hoạch định chính sách cần phải có những quy định, quy chuẩn rõ ràng. Quy hoạch khu nào được hoạt động được cung cấp dịch vụ này, ai là những người được cung cấp dịch vụ, ai là những người được thực hiện dịch vụ. Tất cả phải rõ ràng.

Từ đó, chúng ta có thể quản lý được các đối tượng hành nghề mại dâm và kiểm soát được các vấn đề bệnh tật, sức khỏe của những người hành nghề và các đối tượng sử dụng dịch vụ. Nếu có ích, chúng ta mở rộng, còn nếu không có ích chúng ta tìm cách thu hẹp và quản lý hoạt động đó” – luật sư Tuấn Anh nói.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, thực tế hiện nay chúng ta chưa có thống kê nào về số người hoạt động mại dâm ở Việt Nam và có bao nhiêu người mua dâm. "Rõ ràng nếu muốn quản lý và kiểm soát thì nên đưa mại dâm vào một khu vực riêng, biệt lập ví dụ như phố đèn đỏ ở Thái Lan. Nhưng người hoạt động phải có chứng nhận, có đóng thuế. Còn các hoạt động bên ngoài đều là bất hợp pháp và có thể bị xử lý hình sự.

Như chúng ta đã biết hiện nay, người mua bán dâm không phạm tội hình sự nhưng người môi giới thì bị xử lý hình sự. Do vậy nếu coi mại dâm là một nghề, sẽ quản lý được các đối tượng, có thể thu thuế và giúp hoạt động này lành mạnh hơn".

Tuy nhiên, luật sư Tuấn Anh cho rằng, không thể hợp thức hóa mại dâm ngay trong thời gian ngắn. Rõ ràng để hợp thức hoá nghề mại dâm, các nhà hoạch định chính sách cần có những thống kê, tìm hiểu, nghiên cứu để thực sự đạt hiệu quả, tránh lợi ích cho các đối tượng bảo kê, lợi ích nhóm,…

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.