Những nước hợp pháp hóa mại dâm

Khu phố đèn đỏ ở Frankfurt (Đức). Ảnh: Playbuzz.
Khu phố đèn đỏ ở Frankfurt (Đức). Ảnh: Playbuzz.
TP - Công nhận hay không công nhận mại dâm cũng xưa cũ như chính cái “nghề” có từ cổ xưa này, và khắp nơi trên thế giới, người ta tranh cãi kéo dài về nó.

Đến nay, đã có 15 nước chính thức công nhận mại dâm là nghề hợp pháp. Số nước ngầm cho phép (không chính thức thừa nhận nhưng ra luật về hoạt động mại dâm) lên tới 77 nước. Có 11 quốc gia hạn chế việc buôn phấn bán hương nhưng vẫn cho phép ở mức độ nhất định.

Theo tạp chí điện tử Ranker, tại Mỹ, mại dâm về cơ bản là bất hợp pháp trừ một số nơi “vùng sâu vùng xa” như Nevada. Nhưng người làm nghề bán thân, hay “lao động tình dục”, bắt buộc phải đăng ký với chính quyền, phải trải qua  các thủ tục kiểm tra sức khỏe.

Một số nước công nhận mại dâm là để quản lý và thu được thuế. Một số nước dù cho phép mại dâm nhưng dùng một số biện pháp cắt giảm như chỉ giới hạn hoạt động trong các “khu đèn đỏ”. Tại Anh, mại dâm về mặt kỹ thuật là hợp pháp, nhưng chính quyền cấm lập nhà thổ, tiếp thị, quảng cáo dưới mọi hình thức. Gái mại dâm không thể kiếm được khách ở nơi nào khác ngoài khu đèn đỏ.

Tại Đan Mạch, mại dâm được hợp pháp hóa vào năm 1999, một phần bởi giới chức nước này cho rằng làm vậy dễ quản lý “ngành công nghiệp không khói” này hơn là để nó hoạt động ngầm. Phần Lan cũng coi mại dâm là hợp pháp, tuy nhiên môi giới, mua bán dâm tại nơi công cộng bị cấm. Hoạt động mại dâm bùng nổ ở Phần Lan trong những năm 90 của thế kỷ trước. Canada, quốc gia hạn chế mại dâm bằng cách ra luật tréo ngoe: cho phép bán dâm, nhưng mua dâm là phạm pháp. Belize cũng áp dụng “chiêu thức” này. Nghe tưởng chừng vô lý, nhưng thực ra rất “nhân văn”: cảnh sát sẽ thả cô gái mại dâm đi, nhưng giữ ông khách “ham vui” ở lại. Nhưng xử lý cũng không dễ bởi nếu không chứng minh được có chuyện mua bán thì cuối cùng vẫn phải thả người.

Belize, quốc gia ở khu vực Trung Mỹ không muốn công khai cấm mại dâm, và cũng không nỗ lực để dẹp bỏ, vì vậy về mặt kỹ thuật, mại dâm là hợp pháp. Chính quyền cho phép bán dâm, cho phép cung, nhưng hạn chế “cầu”, tương tự Canada. Quan điểm của Belize là coi người lao động tình dục là nạn nhân, không phải tội phạm.

Tại Pháp, mại dâm là hợp pháp nhưng hành vi môi giới, lập nhà thổ, quảng cáo bị cấm. Năm 2003, chính phủ ra luật quy định những loại trang phục cũng như cung cách “tiếp thị” được phép dành cho gái mại dâm khi chào mời khách trên phố.

Nếu ai trong số 18.000 “lao động tình dục” của Pháp vi phạm điều mà chính phủ gọi là “xâm phạm sự thanh bình của xã hội”, họ sẽ hoặc phải nộp phạt lên tới 7.500USD hoặc “bóc lịch” 6 tháng.

Tại nước láng giềng Đức, số dân chỉ nhỉnh hơn Pháp không nhiều (82 so với 67 triệu), nhưng số “lao động tình dục” ước tính có tới 400.000 người. Người ta nói doanh thu từ nghề mại dâm ở Đức tương đương với doanh thu của các công ty lớn như hãng xe hơi siêu sang Porsche hay hãng đồ dùng thể thao Adidas. Công nghiệp mại dâm thu về 6 tỷ euro/mỗi năm.

Tại một quốc gia châu Âu khác là Hy Lạp, người dân có quyền mở nhà chứa nhưng không được buôn người. Tuy nhiên, trong số 525 nhà thổ ở “đất nước của các vị thần”, chỉ có 10 nơi thực sự được cấp phép.

Tại Hà Lan, nơi có khu đèn đỏ ở thủ đô Amsterdam nổi tiếng, người ta quy định phải từ 18 tuổi trở lên mới được bán dâm, còn mua dâm chỉ cần tới 16 tuổi

Các quốc gia công nhận mại dâm: Đan Mạch, Phần Lan, Costa Rica, Argentina, Canada, Bỉ, Belize, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Thụy Sĩ, Hà Lan, Mexico, Tây Ban Nha.

MỚI - NÓNG