Hợp thức hoá nghề mại dâm: 'Mạnh dạn thực nghiệm ở phạm vi nhỏ'

Khu đèn đỏ ở Amsterdam (Hà Lan) vào ban ngày. Ảnh: WIKIPEDIA.
Khu đèn đỏ ở Amsterdam (Hà Lan) vào ban ngày. Ảnh: WIKIPEDIA.
TP - Ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Ứng dụng trao đổi với PV Tiền Phong quanh câu chuyện có nên hợp thức hoá nghề mại dâm và tác động của nó tới xã hội.

Gần đây, cơ quan chức năng và dư luận xới lại vấn đề có nên coi mại dâm là một nghề hay không nhất là ở đặc khu kinh tế. Xin ông cho biết quan điểm của mình?

Chúng ta đang xây dựng và phát triển mô hình đặc khu kinh tế gắn với việc xem xét cho phép kinh doanh sòng bài, do đó, hợp pháp hoá mại dâm cũng là vấn đề nên được xem xét.

Việc hợp pháp hóa mại dâm hiện vẫn là chủ đề vấp phải ý kiến trái chiều. Trước đây, ta từng đối diện với vấn đề tương tự là hôn nhân đồng giới. Luật pháp tuy chưa chính thức công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng không ngăn cản và ngăn chặn nữa.

Hợp thức hoá nghề mại dâm: 'Mạnh dạn thực nghiệm ở phạm vi nhỏ' ảnh 1Ông Nhạc Phan Linh

Một số người cho rằng, không nên hợp pháp hoá mại dâm cũng không nên hình sự hoá nó. Thực tế là, nếu trước đây mỗi vụ mua bán dâm bị công an phát hiện, các cô gái mại dâm bị đưa lên trung tâm phục hồi nhân phẩm, khách mua dâm bị phạt và gửi thông báo về cơ quan và kiểm điểm, còn bây giờ các cô chỉ bị phạt hành chính thôi. Chúng ta chỉ đang đánh nặng vào vấn đề môi giới mại dâm, cho nên quan điểm không xem xét xử lý hình sự mại dâm thì mấu chốt của nó nằm ở việc hình thành mạng lưới kết nối và cung cấp đáp ứng nhu cầu xã hội có hợp pháp hay không.

Đối với các đặc khu kinh tế, ta có nhiều cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển, thu hút đầu tư và du lịch, cho nên tôi ủng hộ việc cần thiết bàn bạc kỹ lưỡng vấn đề này.

Thay vì ngăn chặn và cấm đoán, khi mại dâm được công nhận theo ông, nó tác động thế nào tới xã hội?

Hợp pháp hoá hay không dưới góc độ xã hội học, tôi cho rằng, nên căn cứ trên mấy điểm. Trước hết là chức năng của gia đình và sự biến đổi của chức năng gia đình Việt Nam: Nói gia đình có chức năng duy trì nòi giống là cách nói xưa kia. Trước chỉ có gia đình có chức năng thỏa mãn nhu cầu tình dục, hiện nay chúng ta sẽ giao chức năng này cho xã hội và mở rộng ra. Việc này ở một số khía cạnh có ý nghĩa tích cực và nhân văn nhất định, chẳng hạn hai vợ chồng không hoà hợp, hoặc có vấn đề về sức khỏe.

Nếu hợp pháp hóa mại dâm sẽ có hàng loạt quy định và sổ theo dõi sức khỏe cũng như kiểm soát nguồn lây lan bệnh. Tuy nhiên nếu nghiêng theo quan điểm không hợp thức hóa cũng không hình sự hoá thì kiểm soát y tế sẽ khó khăn hơn.

Nhiều người ủng hộ công nhận mại dâm là một nghề vì nó liên quan tới lợi ích kinh tế. Ông có thể phân tích kỹ hơn?

Có lẽ điều này cần sự tính toán chi tiết của các nhà kinh tế. Nếu xét đặc khu kinh tế với lượng gái mại dâm và lượng khách du lịch như vậy sẽ đem lại nguồn thu thuế thế nào, liệu nguồn thu đó có bù lại cho chi phí bỏ ra quản lý xã hội, giải quyết vấn đề y tế và chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái không. Hơn nữa tôi cho rằng, quan trọng nhất ở Việt Nam là chuẩn bị tâm lý xã hội.

Mại dâm trước nay chúng ta coi là vi phạm thuần phong mỹ tục nghiêm trọng, do đó cần đặt ra hết các bài toán, đo đạc kỹ lưỡng sau đó phải có chiến dịch chuẩn bị tâm lý giống như với hôn nhân đồng giới. Mại dâm cũng là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia, ngay cả Thái Lan- ở đó thương mại tình dục khá nổi bật thì luật pháp của họ cũng không công nhận.

Theo ông, có thể nghiên cứu hay áp dụng mô hình thế nào ở các quốc gia ấy?

Trước khi quyết định tôi nghĩ cơ quan chức năng phải có nghiên cứu đầy đủ về mô hình của các quốc gia. Nên chọn quốc gia có đặc điểm tương đối tương đồng với văn hoá Việt Nam, chẳng hạn Nhật Bản. Đó là một trong những quốc gia hiếm hoi hợp pháp hoá mại dâm, công nghiệp tình dục đứng đầu thế giới.

Ngoài các yếu tố xã hội và kinh tế, theo ông nếu công nhận mại dâm là một nghề sẽ tác động thế nào tới đối tượng này?

Sẽ tác động ghê gớm đến họ. Trước họ phải trốn tránh, giờ thì không. Nhưng tôi nghĩ vẫn cần cơ quan chuyên môn như Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cơ quan chức năng của Bộ VHTT-DL hoặc đơn vị độc lập tiến hành điều tra xem trong giới có sẵn sàng không.

Tôi lại lo ngại rằng nếu chỉ xét trong ba đặc khu thì không quá khó, nhưng không tránh khỏi ảnh hưởng xã hội: Liệu có luồng di cư ồ ạt của các cô gái đang hành nghề ra ba đặc khu này. Bỏ qua vấn đề cưỡng bức hay cưỡng ép, hiện có tỷ lệ không nhỏ các cô gái tự nguyện hành nghề. Cần tính đến việc không thể ngăn cấm họ di cư hành nghề ở ba đặc khu, rồi nảy sinh vấn đề ăn theo ở các khu vực nóng như Đồ Sơn, Quất Lâm...

Đôi khi chúng ta phải mạnh dạn xem xét kỹ lưỡng có thể thực nghiệm trên quy mô nhỏ. Nếu không đủ điều kiện thì chấm dứt ngay, còn nếu quản lý được và dấu hiệu tích cực nhiều hơn tiêu cực thì cũng nên xem xét thông qua.

Cảm ơn ông

MỚI - NÓNG