Đời thường của nghệ nhân
Làng Chuêt Ngol (xã Chư Á, TP.Pleiku) nổi tiếng bởi nhiều người biết cồng chiêng, xoang đẹp. Từ làng vào Quảng trường Đại Đoàn Kết chừng 6 cây số. Dẫu vậy, do phần lớn thời gian để lo cơm gạo, học hành của con cái nên tiếng cồng chiêng trong làng cũng thưa thớt. Cồng chiêng có hồn nên cũng cần đôi tay, hơi ấm của nghệ nhân. Cuộc sống vất vả, ai cũng mong tới dịp hội hè để được quây quần, nghe tiếng cồng chiêng, nắm tay theo nhịp xoang. Mỗi dịp hội hè, những bàn tay chai sạn, thô ráp mới được sờ tới cồng chiêng. Thật may, niềm vui cuộc sống ấy giờ đây đang diễn ra mỗi tuần ở Quảng trường Đại Đoàn Kết.
Người dân, du khách hào hứng khi thưởng thức cồng chiêng |
Chúng tôi đến nhà anh Lâm khi chàng trai dân tộc Jrai đang lau chùi bộ cồng chiêng. Hồi ấy, chừng 10 tuổi, anh Lâm đã mê tiếng cồng chiêng. Mỗi đêm cậu bé lại chạy đến các già làng để học hỏi, tìm tòi. Tích luỹ dần dần, ở tuổi 35, anh Lâm đã là một nghệ nhân trẻ nổi tiếng gần xa với đủ các bằng khen, giải thưởng trong và ngoài tỉnh.
“Làng mình hầu như ai cũng biết cồng chiêng. Tuy vậy, chiêng nốt (nhạc lý-PV) sẽ khó hơn, cần năng khiếu, học hỏi. Trong làng giờ có rất nhiều em đánh giỏi, như Rah Lan Ran mới 13 tuổi không qua trường lớp nhưng có năng khiếu. Giờ mình đang truyền lại những kinh nghiệm mà mình đã học được cho em”, anh Lâm chia sẻ.
Cồng chiêng dưới tán rừng thông nơi Quảng trường Đại Đoàn Kết |
Anh Lâm và khoảng 40 người trong làng Chuêt Ngol thường xuyên tham dự đêm cồng chiêng ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Mỗi đêm diễn cồng chiêng từ 19-21h mỗi người sẽ được trả 250 nghìn đồng. Nuôi 3 con nhỏ ăn học nên cuộc sống của anh Lâm vẫn còn khó khăn. Khoản thu nhập mỗi đêm diễn cồng chiêng không nhiều nhưng anh và gia đình rất vui bởi “hai tuần là có một bao gạo”.
Anh Lâm tâm sự, mỗi đêm diễn sẽ có một chiếc gùi để đựng tiền ủng hộ của du khách, người dân. Số tiền ủng hộ này được dùng để chữa chiêng và các loại nhạc cụ khác. Cồng chiêng bằng đồng nhưng thực tế dễ bị hỏng tiếng nên mỗi lần du khách muốn đánh, anh Lâm đều hướng dẫn tỉ mỉ. Nói vậy chứ mỗi lần đi diễn trong nhà hàng, uống bia rượu rồi mọi người hứng, anh Lâm cũng “cả nể” dù hơi xót. “Chỉnh chiêng rất khó, đòi hỏi người có cảm âm tốt, kinh nghiệm đánh cồng chiêng nhiều năm. Bởi không chỉ chỉnh một lỗi, mà một cái hỏng sẽ phải chỉnh cả một bộ. Thế nên mỗi lần chỉnh có khi cả ngày mới xong, giá khoảng 3 triệu mỗi lần”, anh bộc bạch.
Người giữ lửa
Sau giờ diễn cồng chiêng, anh Lâm trở về với hoạt động đời thường |
Quảng trường Đại Đoàn Kết được ví như trái tim của phố núi Pleiku với tượng đài Bác Hồ và các dân tộc Tây Nguyên, hồ sen, bộ cồng chiêng, hòn đá mã não… Đặc biệt, với quần thể trên 2.000 cây xanh các loại, quảng trường như lá phổi xanh của thành phố. Mỗi góc nhỏ ở đây đều tràn ngập màu xanh cây cỏ và tươi sắc hoa. Ngay từ tên gọi, quảng trường đã mang ý nghĩa đại đoàn kết dân tộc, gắn với văn hóa cũng như lịch sử vùng đất cao nguyên.
Giờ đây, mỗi đêm thứ Bảy hàng tuần, tiếng cồng chiêng vang vọng cùng điệu xoang gắn kết mọi người. Nhờ tiếng cồng chiêng, du khách, người dân ghé quảng trường cùng tay nắm tay theo nhịp xoang gắn kết. Nhiều năm trong ngành văn hoá, ông Nguyễn Quang Tuệ đã đi khắp các bản làng để tìm hiểu.
Một vài câu chữ thật khó miêu tả được tình yêu của con người này với văn hoá của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Với vai trò là Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai), ông Tuệ đã nêu ý tưởng tổ chức chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” mỗi tuần và cùng đồng nghiệp cố gắng duy trì từ hồi tháng 4/2022 đến nay.
Mỗi đêm diễn là một nét đặc trưng khác nhau của từng buôn, làng người dân tộc thiểu số trên vùng núi Gia Lai. Trước khi các nghệ nhân trình diễn vài phút, bằng vốn kiến thức của mình, ông Tuệ giới thiệu với mọi người về đặc trưng từng lời ca, tiếng hát, bài nào là ăn mừng vụ mùa, điệu múa nào sẽ diễn trong ngày cưới. Có đêm trăng sáng, gió mát sẽ thu hút cả vài trăm người quây tròn xem.
Theo ông Tuệ, Gia Lai là một trong những tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận ngày 25/11/2005. Gia Lai còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên (trên 5.000 bộ).
“Cồng chiêng cuối tuần diễn ra hơn 1 năm qua từ nguồn kinh phí xã hội hoá. Các đêm thứ 7 không chỉ cồng chiêng mà còn nhiều thứ khác, như dân ca, dân vũ, trình tấu nhạc cụ tre nứa, đàn đá, phục dựng nghi lễ dân gian, giao lưu, trải nghiệm… Đặc biệt, cồng chiêng Tây Nguyên vẫn là Mừng chiến thắng, Mừng lúa mới hay Bỏ mả... nhưng mỗi làng một dáng vẻ không hề giống nhau. Chưa kể trang phục, trang sức, đạo cụ do bà con tự chế tác để phục vụ du khách mỗi tuần”, ông Tuệ cho biết thêm.
Qua thời gian tổ chức các đêm cồng chiêng, theo ông Tuệ, mỗi lần tổ chức là một kỷ niệm. Hơn cả đó là sự thân thiện giữa người thưởng thức, trải nghiệm và người biểu diễn. Khoảng cách giữa khán giả và các nghệ nhân mỗi ngày một ngắn lại, thậm chí có thể nói là không còn ranh giới trong rất nhiều trường hợp. Đặc biệt, không chỉ có người lớn, ngày càng có nhiều gia đình cho con em đến sân khấu cỏ xanh, dưới rừng thông vào mỗi tối thứ Bảy để các cháu chơi vui. Các cháu đã không ngại ngần nắm tay các chị, các cô và bạn bè mình nhảy múa theo điệu cồng chiêng.
Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai cho biết, vừa phối hợp với UBND huyện Kbang tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung. Đây là ngôi làng đầu tiên trên địa bàn tỉnh có câu lạc bộ cồng chiêng nữ. Trước kia, cồng chiêng chỉ dành cho nam, ngày nay, cồng chiêng phát triển đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người dân.