Sau sự cố hàng nghìn người xô xát tại Khu kinh tế Vũng Áng ngày 14/5, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát chặt chẽ, quản lý số lao động người nước ngoài khi vào làm việc tại Khu kinh tế này.
Theo thông tin của Tiền Phong, cho đến đầu tháng 10/2014, tại Khu kinh tế Vũng Áng có gần 40 nghìn người lao động.
Cụ thể, lao động trong nước trên 32 nghìn người, lao động nước ngoài xấp xỉ 6 nghìn người.
“Có trên 4.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng. Trong đó mới cấp phép hơn 800 lao động”, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết. Những lao động người Trung Quốc chủ yếu làm việc tại dự án Formosa.
Đến nay, tổng nhu cầu lao động nước ngoài của 13 doanh nghiệp và 30 nhà thầu trong Khu kinh tế Vũng Áng là hơn 11 nghìn lao động. Trong đó, của doanh nghiệp là 357 lao động, nhà thầu là 10.649 lao động.
UBND tỉnh đã đồng ý cho tuyển dụng gần 11 nghìn lao động nước ngoài, trong đó, 13 doanh nghiệp là 357 lao động và 29 gói thầu với tổng số lượng hơn 10 nghìn lao động.
“Tỉnh Hà Tĩnh đã giao các nhà thầu nếu đưa lao động trái phép vào và xảy ra vấn đề gì, nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Tỉnh Hà Tĩnh không liên đới gì”.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Sơn
“Hà Tĩnh chấp thuận cho nhà thầu đưa lao động sang làm việc, trước khi làm việc phải được Hà Tĩnh cấp phép. Tuy nhiên họ đưa lao động sang cho làm việc luôn. Việc hoàn thiện hồ sơ để cấp phép họ làm quá chậm”, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh nói.
Tại một báo cáo, BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, thực tế quá trình làm việc với Cty Fomosa thấy rằng Cty này chỉ quan tâm các lợi ích trực tiếp của họ và bố trí đủ nhân lực, tích cực đôn đốc để yêu cầu các cơ quan quản lý phải đáp ứng yêu cầu của họ.
“Những việc phục vụ cho cơ quan quản lý thì xem nhẹ, lơ là, tìm cách né tránh, thậm chí phó mặc cho Nhà nước Việt Nam trên các lĩnh vực quản lý lao động, tạm trú tạm vắng, an ninh trật tự… Cty Formosa chưa thực sự hợp tác với các cơ quản lý trong việc cung cấp thông tin nhà thầu”, báo cáo nêu rõ.
Cũng theo báo cáo, dù các thủ tục cấp phép lao động đã thuận lợi tối đa nhưng các nhà thầu Trung Quốc không quan tâm nên số lao động cấp phép chưa đạt 20% số phải cấp phép.
Trả lời báo chí về số lao động không phép đang làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh nói: “Chúng tôi đã kiểm tra và siết chặt. Trường hợp nếu phát hiện lao động chui, không được cấp phép thì sẽ trục xuất theo như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh”.