Hội thiết bị y tế TPHCM lý giải chuyện tiêu cực trong mua sắm thiết bị

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Một chủ đầu tư vừa tổ chức, vừa tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát, thẩm định… khiến tính minh bạch không còn. Đây là vấn đề làm tăng tiêu cực trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế” – ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch thường trực Hội thiết bị y tế TPHCM nhận xét.

Chiều 1/8, trong buổi giới thiệu triển lãm quốc tế ngành Y dược lần thứ 20 tại TPHCM, ông Hứa Phú Doãn thông tin, thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giữ mức độ tăng trưởng khoảng 17-18%/năm ngay cả trong thời gian dịch bệnh.

Theo ông Doãn, việc sản xuất thiết bị y tế trong nước tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng gần đây có nhiều tín hiệu khả quan, khi một số nhà máy lớn ở các khu công nghệ cao đã sản xuất được các stent (trước đây độc quyền của nước ngoài), thủy tinh thể nhân tạo và sắp tới sẽ có thêm kim luồn tĩnh mạch, ống nghiệm chân không…

Chia sẻ với báo chí liên quan đến câu chuyện đấu thầu thiết bị y tế, ông Doãn cho rằng đây là câu chuyện dài và nhiều người rất bức xúc từ trước đến nay. Sau dịch, ngành y tế gặp nhiều khó khăn, các ngành, đơn vị rất hạn chế trong việc mua sắm thiết bị y tế, từ đó dẫn đến thiếu vật tư y tế như thuốc men cho người bệnh. Đây là điều rất trăn trở cho những người đang công tác trong ngành này.

Hội thiết bị y tế TPHCM lý giải chuyện tiêu cực trong mua sắm thiết bị ảnh 1

Cần siết từ hồ sơ đấu thầu để hạn chế tiêu cực trong mua sắm thiết bị y tế

Theo ông Doãn, trong quá trình mua sắm, trang thiết bị y tế luôn bị đẩy lên với giá khá cao, từ đó dẫn đến thất thoát của nhà nước rất lớn. Và người chịu trận cuối cùng chính là bệnh nhân.

“Trong nhiều cuộc họp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tôi đã chỉ ra nhiều vấn đề còn hạn chế trong đấu thầu trang thiết bị y tế, đó là hạn chế về những hợp đồng tương tự, về hành chính, cấu hình của hồ sơ mời thầu. Mặc dù Bộ Y tế và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm tiêu cực, đội giá trong việc mua sắm trang thiết bị y tế với những những Nghị định, Thông tư… Tuy nhiên theo tôi, điều đó vẫn chưa đủ để làm giảm tiêu cực trong việc mua sắm thiết bị y tế. Chúng ta cần phải can thiệp vào quy trình đấu thầu. Vấn đề then chốt vẫn là hồ sơ mời thầu, cần phải có một đơn vị thẩm định hồ sơ” – ông Doãn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Hội thiết bị y tế TPHCM cho rằng chủ đầu tư đang được giao quá nhiều quyền lực, vừa tổ chức mua sắm, vừa tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát, thẩm định… Như vậy tính minh bạch, công bằng không còn. Đây chính là vấn đề dẫn đến tiêu cực rất nhiều trong thời gian qua.

Ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, một số quốc gia chuyển thị trường sản xuất thiết bị y tế vào Việt Nam. Tuy nhiên Phó Chủ tịch thường trực Hội thiết bị y tế TPHCM Hứa Phú Doãn nhìn nhận, các nước chuyển dịch về Việt Nam chỉ mới mang tính chất tự phát. Việt Nam cũng chưa có nền tảng hỗ trợ sản xuất, chưa có thể chế, quy mô đầu tư… đối với DN đầu tư của nước ngoài. Ông Doãn đề xuất lập riêng một khu công nghiệp về trang thiết bị y tế để thu hút DN nước ngoài, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển theo.

Từ ngày 11-13/8, tại TPHCM sẽ đồng thời diễn ra các triển lãm quốc tế ngành Y dược; triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống… nhằm tạo cơ hội để các DN trong và ngoài nước có cơ hội giao thương, tìm kiếm thị trường sau thời gian tạm ngưng do đại dịch COVID-19.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.