LTS: Thời gian gần đây, liên tiếp sai phạm xảy ra khi đấu thầu trang thiết bị y tế và giáo dục tại nhiều tỉnh thành, nhiều bệnh viện lớn. Hành lang pháp lý không đủ mạnh hay do cán bộ thoái hóa biến chất?
Bài 1: Mảnh đất màu mỡ
“Quân xanh, quân đỏ”
Thực trạng hoạt động của “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu đang hiện hữu trong nhiều dự án đầu tư trang thiết bị ngành giáo dục. Xin nêu một số ví dụ điển hình:
Nguyễn Văn Kiên - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên |
Ngày 22/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cùng 3 thuộc cấp và 2 giám đốc doanh nghiệp về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo cấp dưới thông đồng với các nhà thầu như: Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Điện Biên (Điện Biên), Công ty CP thẩm định giá BTCVALUE, Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C, Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện hành vi vi phạm “Luật Đấu thầu”. Qua đó, giúp Công ty Điện Biên trúng 2 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học, gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 9,3 tỷ đồng...
Cụ thể, Sở GD&ĐT đã bàn bạc, thống nhất để Công ty Điện Biên xây dựng giá, dự toán danh mục trang thiết bị dạy học gói thầu số 1 và gói thầu số 2 làm căn cứ yêu cầu thẩm định giá. Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã thông báo với Công ty Điện Biên biết, về việc được chỉ định tư vấn lập hồ sơ, đánh giá hồ sơ dự thầu để liên hệ với các nhà thầu khác nhằm đảm bảo trúng thầu. Theo cơ quan điều tra, việc tổ chức các gói thầu đã có sự thông đồng từ trước, dẫn đến việc nhà thầu tự chủ động thực hiện các nhiệm vụ của chủ đầu tư dẫn tới trúng thầu trái pháp luật.
Ngoài việc chủ động liên hệ lấy thông tin, Công ty Điện Biên còn chủ động lập danh sách tổng hợp thiết bị cần mua sắm…chủ động liên hệ, phối hợp với 2 công ty khác để lập hồ sơ tham gia 2 gói thầu với tư cách “quân xanh” nhằm đảm bảo việc trúng thầu.Với nhiều chiêu trò, thủ thuật, nhóm cán bộ, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại đối với 2 gói thầu khoảng 9,3 tỷ đồng.
|
Trước đó, ngày 16/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT Thanh Hóa và một số đơn vị liên quan; đồng thời khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cùng 6 đồng phạm khác.
Căn cứ vào kết quả điều tra, tài liệu thu thập, xác định, bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo cấp dưới thông đồng với nhà thầu để cho Công ty CP phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa trúng 2 gói thầu cung cấp đồ dùng dạy học lớp 1 năm 2020-2021, gây thiệt hại tài sản Nhà nước. Hai gói thầu liên quan đến sai phạm có tổng giá trị hơn 119 tỷ đồng.
Ngày 24/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học.Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét đối với Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cùng 14 bị can liên quan.
|
Nâng khống giá thiết bị y tế
Trước đó, ngày 21/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Tuấn bị xác định có liên quan đến những sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội thời điểm ông làm Giám đốc bệnh viện này.
Nguyễn Quang Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội |
Cơ quan điều tra xác định, sai phạm xảy ra trong quá trình Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015. Hậu quả, gây thiệt hại 40 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 20/4, C03, Bộ Công an ra kết luận điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt tù từ 10 đến 15 năm.
Nguyễn Quốc Anh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai |
Theo cơ quan điều tra, Bệnh viện Bạch Mai hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Giám đốc Nguyễn Quốc Anh muốn mở rộng khoa ngoại nên thành lập một số khoa như Phẫu thuật thần kinh; Chấn thương chỉnh hình và Cột sống. Biết chủ trương của bệnh viện, Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT; Giám đốc Công ty BMS đến gặp ông Nguyễn Quốc Anh, mời chào cung cấp loại robot Rosa phục vụ phẫu thuật. Ông Tuấn nói vì thủ tục của Bộ Y tế phức tạp, thay vì bán thì thương thảo với bệnh viện để liên doanh.
Để hợp thức hóa, các bị can thuộc Công ty thẩm định giá VFS đã phát hành chứng thư trái quy định. Giám đốc Phạm Đức Tuấn khai, hệ thống robot Rosa là 7,4 tỷ đồng, nhưng thỏa thuận, thống nhất với ông Quốc Anh được đẩy lên thành 39 tỷ đồng.
Từ tháng 2/2017 đến tháng 5/2020, bệnh viện sử dụng robot này để phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu gần 23 tỷ đồng. Bệnh viện thanh toán chi phí liên quan cho BMS liên quan 551 ca bệnh. Tổng số tiền ông Tuấn và công ty nhận sai quy định của 551 bệnh nhân trên 9 tỷ đồng.
Nguyễn Nhật Cảm - nguyên Giám đốc CDC Hà Nội |
Tiếp đó, ngày 6/11 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt để tạm giam đối với Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) và Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, ông Quân và Lợi đã thông đồng, cấu kết với nhau để thực hiện trái quy định của “Luật đấu thầu” trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Nhiều mối quan hệ “sân sau”
Liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu thầu về lĩnh vực y tế, giáo dục, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe các vi phạm. Điển hình như vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ; Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên...
Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin, truyền thông...mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục.
Trung tướng Tô Ân Xô phân tích, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Nghiêm trọng hơn, còn làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.Qua các vụ án này, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.