Tiêu cực đấu thầu thiết bị y tế-giáo dục: Không để chỉ định thầu tràn lan

0:00 / 0:00
0:00
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm - nguyên Giám đốc CDC Hà Nội (hàng đầu, bìa phải) tại tòa
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm - nguyên Giám đốc CDC Hà Nội (hàng đầu, bìa phải) tại tòa
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, cần sớm bịt khe hở trong đấu thầu thiết bị y tế và giáo dục.

Ông Dương Văn Cận nói: Luật đấu thầu đã thể hiện được một số ưu điểm so với quy định trước đây, tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bất cập nảy sinh, cần sửa đổi bổ sung. Tồn tại rất lớn hiện nay là tình trạng chỉ định thầu khá tràn lan. Trong luật quy định đấu thầu phải là loại hình chủ đạo, cơ bản nhưng thực tế tình trạng chỉ định thầu gây nhiều bức xúc, nhất là các gói thầu tại địa phương, chiếm tới khoảng 60-70% số lượng gói thầu. Luật đã đưa ra một số hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng này nhưng không khả thi vì nhiều địa phương vẫn tìm cách “lẩn đi”.

Hầu hết các gói thầu tư vấn tại các địa phương đều được chỉ định gây ra tình trạng chạy chọt, lợi ích nhóm. Tôi cho rằng không nên cho chỉ định thầu tràn lan như hiện nay. Tôi đề xuất phương pháp chào hàng cạnh tranh hoặc phải có giải pháp mới cho vấn đề này.Một tồn tại nữa đó là nếu chỉ định thầu dựa trên danh bạ hệ thống các nhà thầu của Bộ KH&ĐT là không khách quan. Điều quan trọng phải dựa trên năng lực nhà thầu.

Tiêu cực đấu thầu thiết bị y tế-giáo dục: Không để chỉ định thầu tràn lan ảnh 1

Ông Dương Văn Cận

Dẹp “quân xanh, quân đỏ”

Hàng loạt các sai phạm trong đấu thầu trang thiết bị y tế, giáo dục vừa qua cho thấy nhiều bất cập, trong đó nhức nhối nạn “quân xanh, quân đỏ”?

“Quân xanh, quân đỏ” là một thói quen, thông lệ của đấu thầu từ lĩnh vực xây dựng, đất đai đến cả lĩnh vực y tế. Nó như căn bệnh nan y không thể chữa khỏi được, lý do bởi giá trị, lợi nhuận cực lớn trong lĩnh vực này. “Quân xanh, quân đỏ” kéo dài, gây bức xúc bởi chế tài của chúng ta không đủ mạnh. Ngoài ra, trình tự thủ tục về giám sát của các cơ quan pháp luật chưa chặt chẽ.

“Quân xanh, quân đỏ” rất đa dạng nên khó có thể phát hiện, ví dụ như nhiều công ty tham gia đấu thầu nhưng có “tay trong” góp vốn mỗi công ty một ít. Việc này nằm ngoài luật, chấm thầu như vậy thì cuối cùng vẫn là một cá nhân trúng thầu. Ngoài ra còn hình thức như nhiều công ty gửi hồ sơ nhưng lại thiếu cái nọ, cái kia… rốt cục cũng chỉ một “công ty ruột” đầy đủ hồ sơ trúng thầu.

Còn có tình trạng nếu cùng nhau đấu thầu thì sẽ dàn xếp để chia phần để bỏ thầu, thế nên hình thành câu chuyện đi đấu thầu thuê!

Ông có thể phân tích sâu hơn về khe hở trong đấu thầu với trang thiết bị y tế và giáo dục?

Với những đại án trong đấu thầu trang thiết bị y tế thời gian qua, tôi nghĩ không hoàn toàn do Luật Đấu thầu. Tôi là người đã tham gia thẩm định rất nhiều cuộc đấu thầu thì khó nhất cho các nhà thẩm định giá đó là thẩm định trang thiết bị y tế!

Đối với những trang thiết bị y tế thông dụng thì hiếm khi xảy ra vấn đề mà chỉ xảy ra khi đó là những thiết bị độc lạ, không có trên thị trường. Khi thiết bị không có trên thị trường thì việc bên thẩm định giá và chủ đầu tư móc ngoặc hoặc “đi đêm’’ với nhau rất dễ dàng.

Ngoài ra hệ thống thông tin về giá của nhiều trang thiết bị y tế tại Việt Nam vẫn chưa hình thành. Lợi dụng việc đó, bên thẩm định giá có thể nâng giá thiết bị lên bao nhiêu cũng được mà không ai kiểm soát.

Luật Đấu thầu cũng có quy định rất chặt chẽ, nhưng với những thiết bị y tế đặc chủng, độc quyền trên thị trường thì lại rất khó có thể kiểm soát.

Vậy làm gì để ngăn chặn tình trạng này thưa ông?

Cần phải khẳng định rằng không phải do Luật Đấu thầu mà do kỹ thuật có vấn đề như tôi vừa nói ở trên. Nếu chúng ta có thông tin về giá cả sản phẩm, minh bạch được những thông tin này thì sẽ không xảy ra. Còn có sai hay không, có chuyện móc ngoặc hay không thì đều nằm ở người ký quyết định cuối cùng. Nhưng cần khẳng định rằng có những người công bằng, minh bạch, không tham lam vẫn có thể bị dính câu chuyện này. Lý do bởi họ không có thông tin đầy đủ về thiết bị.

Để ngăn chặn hiện tượng này, đối với quốc tế, họ xét ngay từ khâu đăng ký doanh nghiệp, vốn đầu tư, hình thức, cơ cấu doanh nghiệp chặt chẽ. Trong khi đó ở Việt Nam đăng ký doanh nghiệp rất dễ dàng không có kiểm soát và khuyến khích bởi chúng ta thường lấy số lượng doanh nghiệp đăng ký làm thước đo cho tăng trưởng, phát triển kinh tế. Hiện chúng ta đang cho đăng ký doanh nghiệp một cách quá thoải mái mà không kiểm tra kỹ năng lực khiến cho rất nhiều trường hợp trở thành “doanh nghiệp ma”.

MỚI - NÓNG