Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau tại Indonesia ngày 7/7. (Ảnh: Reuters) |
Hội nghị trên đảo Bali sẽ chủ yếu nói về cuộc xung đột ở Ukraine và tác động của nó lên kinh tế toàn cầu. Trước khi đến hội nghị, quan chức hàng đầu từ châu Âu, Mỹ và Úc nhấn mạnh mọi việc “sẽ không thể diễn ra bình thường”, nhưng không cho biết cụ thể sẽ làm gì.
Cuộc xung đột ở Ukraine phủ bóng lên nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên G20 của Indonesia, khi đang có những ý định về việc tẩy chay và một số người đã rời khỏi cuộc họp của các bộ trưởng tài chính tại Washington hồi tháng 4.
Ngày 7/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng điều quan trọng với nước chủ nhà là “tạo ra bầu không khí thoải mái cho tất cả người tham gia”, và G20 là cơ hội để tiến bộ.
“Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 24/2, tất cả các nước lớn ngồi lại trong cùng một căn phòng”, bà Marsudi nói về thời điểm mở màn cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Cũng trong ngày 7/7, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng điều quan trọng là phải ngăn chặn gián đoạn trong chương trình nghị sự của G20, trong khi bảo đảm không điều gì có thể hợp pháp hoá chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Úc Penny Wong dùng nhiều từ ngữ gay gắt để chỉ trích Nga, và tuyên bố sẽ khẳng định rõ quan điểm này tại hội nghị.
Một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này cũng sẽ nêu quan ngại về cuộc xung đột tại hội nghị, nhưng chưa quyết định việc có bỏ ra ngoài khi đại diện Nga phát biểu hay không.
Cuộc xung đột ở Ukraine đang gây ra những gián đoạn lớn đối với kinh tế toàn cầu, khi ngũ cốc của Ukraine không thể xuất khẩu, các lệnh trừng phạt lên dầu mỏ và khí đốt của Nga khiến lạm phát tăng mạnh.
Chương trình nghị sự của hội nghị hôm nay có một phiên kín của các ngoại trưởng G20, trong đó có Mỹ, Brazil, Anh, Canada, Nhật Bản, Nam Phi, cùng với các phiên song phương diễn ra bên lề. Ngoại trưởng Ukraine dự kiến sẽ phát biểu trực tuyến.
Ngày 7/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bali, trong đó ông khen ngợi Bắc Kinh và đả kích phương Tây “hiếu chiến công khai”.