Hội chứng 'thạc sỹ, tiến sỹ'

Hội chứng 'thạc sỹ, tiến sỹ'
TP - Anh thạc sỹ hóa học bị anh cử nhân xã hội học dồn vào chân tường. Bí quá, anh thạc sỹ nổi cáu: “Cậu là cử nhân mà dám tranh luận với tớ là thạc sỹ, thật không biết xấu hổ".

Cũng chuyện tương tự, chị thạc sỹ sinh học tranh luận chuyện văn chương với cô cử nhân văn học, nhiều người đi qua lấy làm ngạc nhiên, có người nói thẳng: “Cử nhân mà làm sao tranh luận nổi với thạc sỹ”.

Qua hai câu chuyện trên, tôi thấy đang có sự nhầm lẫn trong nhận thức của nhiều người, kể cả người  trong cuộc cũng như của xã hội, đó là cho rằng, người có bằng cấp cao hơn thì bao giờ cũng giỏi hơn người có bằng cấp thấp về mọi phương diện.

Dưới con mắt họ thì anh cử nhân xã hội học luôn luôn thua kém anh thạc sỹ hóa, kể cả trên phương diện khoa học xã hội nhân văn; cô cử nhân văn học bao giờ cũng thua chị thạc sỹ sinh học, kể cả về lĩnh vực văn chương.

Sự nhầm lẫn hay sự ngộ nhận này đã dẫn đến nhiều chuyện bi hài trong cuộc sống: Người ta luôn đề cao người có học vị cao, dù học vị đó không liên quan gì đến lĩnh vực mà anh ta đang làm.

Vì thế người ta luôn tìm mọi cách để có cái bằng, dù cho bằng cấp đó không phục vụ gì cho chuyên môn mà chỉ để khỏi bị coi thường. Cơ quan tôi không thiếu người chỉ là giáo viên dạy môn ngoại ngữ nhưng quyết học để có bằng thạc sỹ quản lý, cô y tá làm y tế cơ quan nhưng vẫn theo học lấy bằng cử nhân ngữ văn...

Trước cửa phòng làm việc, ghi: “Cử nhân Phạm Thị M, y tế cơ quan”; hay: “Tiến sỹ Ngô Văn H, giáo viên ngoại ngữ”; bất cần biết đó là tiến sỹ gì, thạc sỹ gì...

Đáng buồn hơn là sự nhầm lẫn đó lây lan vào trong công tác tổ chức, cán bộ. Họ cứ nhìn vào bằng cấp để bố trí mà không cần tính chức vụ đó có sử dụng đến bằng cấp kia hay không.

Vì thế có ông giám đốc môi trường nhưng bằng cấp là cử nhân ngữ văn, có bà giám đốc tư pháp nhưng bằng cấp là kỹ sư nông nghiệp. Đó là câu chuyện bằng cấp hay “bằng lòng”  thì chỉ có người làm công tác tổ chức cán bộ mới biết.

Một điều ai cũng biết: Cách sử dụng nhân lực như vậy làm cho nạn học giả, bằng thật ngày càng phát triển trong khi lòng tin của thế hệ trẻ vào sự công bằng thì lại bị giảm sút.

Thùy Hương
Phú Yên

BẠN ĐỌC TRAO ĐỔI

Diệu Tường; Email: tqson@dng.vnn.vn

Kính gửi tác giả Thùy Huơng. Sau khi đọc bài Hội chứng thạc sỹ, tiến sỹ của tác giả đăng trên trang mạng báo Tiền phong tôi xin có mấy ý kiến như sau:

1. Bài báo của bạn là một thức tỉnh đối với những ai mê muội sính bằng cấp. Nó cũng giúp cho những làm công tác tổ chức thiếu năng lực, thiếu tầm nhìn biết nhìn lại cách đề bạt và quy hoạch cán bộ của mình.

2. Những cách đề bạt cán bộ với văn bằng rởm hay đề bạt bố trí nguời không đúng chuyên môn chỉ xãy ra trong cơ quan nhà nuớc mà thôi. Còn chuyện học thêm hay có thêm văn bằng là một nhu cầu phát triển của tất cả những ai muốn vươn lên.

3. Tôi nghĩ tác giả đã hư cấu ngô nghê một câu chuyện giữa thạc sỹ Hóa đi tranh luận với cử nhân xã hội học. Lời thoại: "Cậu là cử nhân mà dám tranh luận với tớ là thạc sỹ, thật không biết xấu hổ” khó có thể có trong thực tế.

Và nào là thạc sỹ sinh học tranh luận với cử nhân văn học, nhiều người đi qua lấy làm ngạc nhiên, có người nói thẳng: “Cử nhân mà làm sao tranh luận nổi với thạc sỹ”. Đấy là một chỉ nhận định ngây thơ của những ngưòi thiểu năng trí tuệ làm sao có thể giúp cho bài viết của bạn thêm sức nặng được.

4. Xem một nhận định của bạn: "Qua hai câu chuyện trên, tôi thấy đang có sự nhầm lẫn trong nhận thức của nhiều người, kể cả người trong cuộc cũng như của xã hội, đó là cho rằng, người có bằng cấp cao hơn thì bao giờ cũng giỏi hơn người có bằng cấp thấp về mọi phương diện".

Kết luận này của bạn cho thấy tư duy nhận thức của bạn có vấn đề rồi. Một em học sinh cấp 2 thôi cũng đã biết rằng nếu mạnh về khoa học tự nhiên thì ít mạnh về khoa học xã hội. Không ai hiểu người có bằng cấp cao hơn thì bao giờ cũng giỏi hơn người có bằng cấp thấp về mọi phương diện" như bạn cả.

Nam Hải; Email: nam_hai20@yahoo.com Bằng cấp của Việt Nam đang là một vấn đề!

Bạn Diệu Tường thân! Tôi đã đọc bài viết của bạn Thuỳ Hương và của bạn tôi thấy như thế này: Quả thực bài của bạn Thuỳ Hương viết lấy một số ví dụ cũng ko xác thực cho lắm, nhưng theo tôi hiểu thì điều mà bạn ấy muốn gửi gắm đối với người đọc là vấn đề về bằng cấp trong xã hội Việt Nam ta hiện nay quả thực là một vấn đề!

Kể cả cùng chuyên ngành với nhau nhưng chưa chắc thạc sỹ đã hơn cử nhân. Tôi lấy ví dụ: Một người là con em một cán bộ có chức quyền, không thi đỗ đại học, chỉ học trung cấp sau đó được tuyển vào cơ quan nhà nước để làm việc.

Một thời gian sau học tiếp đại học (lớp đại học tại chức, thực ra chỉ học bằng tiền là chính, trình độ không nâng lên được bao nhiêu) sau đó một thời gian học tiếp thạc sỹ (lớp thạc sỹ cho nợ đầu vào và học theo kiểu không tập trung).

Sau khi kết thúc học được cấp bằng thạc sỹ. tuy nhiên về cơ quan thì mọi người đánh giá rằng năng lực và trình độ vẫn chỉ như trước kia (tức là trung cấp). Vậy thì làm sao có thể hơn người học đại học một cách chính quy?

Điều này ở những cơ quan hành chính không phải hiếm đâu bạn à. Nói thực tôi đang có suy nghĩ rằng nước Việt Nam của chúng ta vẫn đang quá coi trọng bằng cấp, theo tôi hiệu quả công việc mới là quan trọng . Bạn nghĩ sao?

Vo Giang Nam; Email: Minhpikachu@yahoo.com THẠC SỸ ĐANG DẦN ĐƯỢC PHỔ CẬP

Đó là một thực tế mà cá nhân tôi đã chứng kiến từ nhiều năm nay. Mọi người đổ xô đi học thạc sỹ. Nếu đó là biểu hiện của tinh thần ham học, say mê nghiên cứu thì không có gì phải bàn.

Đằng này, phần nhiều đi học thạc sỹ với những mục đích khác. Tấm bằng thạc sỹ giúp họ ổn định địa vị, tăng lương, thăng chức, dễ xin việc làm, và có rất nhiều người muốn có nó cho xong việc, khỏi phải lo lắng chuyên học hành....

Vì sao lại có những hiện tượng đó? Vì bất kỳ ông giám đốc, chủ tịch hay ông hiệu trưởng nào cũng muốn trong báo cáo nhân sự hàng năm của cơ quan mình có thật nhiều người là thạc sỹ...

Hiện tượng này tồn tại ở hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo... Tất nhiên đó cũng là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, chính các cơ sở đào tạo thạc sỹ đã không tuyển chọn, đào tạo một cách có hiệu quả.

Tôi có một cô em, lấy chồng xong thì đi thi cao học, môn ngoại ngữ là tiếng Trung Quốc thì không biêt nửa chữ, đi học ôn được mấy buổi thì chỉ tập vẽ được mấy chữ chào hỏi, chuyên môn cũng học qua loa, rồi cũng đỗ cao học.

Học được 2 tháng thì lại mang thai, bác sỹ bảo thai thấp nên hạn chế đi lại, vì thế cũng ko đi học được cho đến lúc sinh con. Rồi cô ấy cũng hoàn thành luận văn.

Ngày bảo vệ luận văn, vợ chồng tôi mang một bó hoa đến dự để chúc mừng. Nghe bảo thầy ngoài Hà Nội về để phản biện, chấm luận văn, vì trễ tàu nên cả lớp sẽ bắt đầu bảo vệ lúc18 giờ.

Vợ chồng tôi chờ đến 10 giờ tối rồi mà vẫn chưa đến lượt em mình, ngồi nghe mấy người trình bày luận văn mà thấy buồn cười vì xem ra chẳng ai chú tâm cả, thầy cũng có vẻ mệt mỏi.

Chờ mãi không đến lượt em minh, chúng tôi đành gửi hoa lại, về trước. Hôm sau gọi điện lại mới hay khi cô em tôi bảo vệ xong là hơn 12 giờ đêm."

Em được 9,5 điểm chị ạ, ai cũng được điểm cao cả" - Cô em tôi khoe như thế. Chỉ một ví dụ như vậy thôi cũng biết được trình độ, chất lượng của cái bằng thạc sỹ.

Lại thêm một câu chuyện nữa mà tôi muốn kể cho các bạn nghe: Cô bạn cùng trường với tôi đã học cao học Văn được 1 năm rồi, đã được phân công giáo viên hướng dẫn làm luận văn.

Từ hơn 2 tháng nay, ông thầy đó thường xuyên gọi điện, nhắn rất nhiều tin nhắn mùi mẫn cho cô bạn tôi, rủ đi uống cà phê vào buổi tối để nói chuyện đề tài...

Tôi sẽ kể tiếp với các bạn câu chuyện này trong thời gian tới. Tôi tin rằng, sẽ có nhiều người lên tiếng về hiện tượng này trên diễn đàn này, như tôi. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.