Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học, các trường ở Hà Nội ứng phó thế nào khi xuất hiện F0?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng qua (10/2), học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị ngoại thành Hà Nội đến trường học trực tiếp sau hơn 9 tháng nghỉ.

Hôm qua, tại 18 huyện, thị xã của Hà Nội, lần đầu tiên học sinh lớp 1 được tới trường. Cùng với lớp 1 là học sinh các khối 2, 3, 4, 5, 6 cũng được trở lại học trực tiếp sau thời gian dài học online do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết ông mong muốn phụ huynh, học sinh đồng hành cùng nhà trường, nghiêm túc thực hiện 5K, cùng giám sát và tuân thủ nguyên tắc "một cung đường, hai điểm đến" để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại.

Ghi nhận của PV tại Trường THCS Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội), sau thời gian nghỉ học dài, lần đầu tiên đến trường, sáng nay, các học sinh lớp 6 vui vẻ đến lớp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, cho, trường đã tổ chức phân luồng đón học sinh, đo thân nhiệt tại cổng trường. Để đảm bảo việc đón học sinh được an toàn, ngay từ tối hôm qua, nhà trường đã thông tin tới các phụ huynh về việc phải đo nhiệt độ cho con trước khi tới trường.

Trong ngày đầu tiên trở lại trường, một số học sinh vắng mặt bởi những lý do liên quan đến dịch COVID-19.

“Toàn trường riêng khối 6 trong buổi học sáng nay có 2 học sinh bị F0 và 5 học sinh thuộc diện F1 thì đang cách ly tại nhà. Về phía giáo viên, nhân viên không có người thuộc diện F0.

Bà Dung cho rằng, mở cửa trường học không tránh khỏi những rủi ro, nguy cơ lây nhiễm học sinh trở thành F0. Tuy nhiên, việc mở cửa trường là cần thiết. Điều quan trọng là các trường lên kịch bản ứng phó ra sao để không lây lan rộng.

Với trường THCS Minh Khai, ban giám hiệu nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp được yêu cầu thường xuyên cập nhật tình hình sức khoẻ của học sinh từ phụ huynh trước mỗi ngày học. Những em biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt sẽ được ở nhà theo dõi sức khoẻ và xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được tiếp tục đến trường.

"Trường đặt sức khoẻ và sự an toàn của học sinh lên hàng đầu. Với cách làm cẩn thận thì hy vọng sẽ không có trường hợp học sinh bị mà vẫn đến trường để lây lan cho các bạn", bà Dung nói.

Bà Dung cũng cho rằng, theo hướng dẫn của phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức cho biết, nếu không may phát hiện F0, trường sẽ khoanh vùng từng lớp thay vì đóng cửa toàn bộ, tránh ảnh hưởng hoạt động dạy học và tâm lý của học sinh toàn trường.

Cô giáo Huy Thị Lộc, giáo viên trường Tiểu học Dương Liễu (Hà Nội) cho rằng, trước khi học sinh đến trường sáng nay, ban giám hiệu nhà trường đã thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin, tình hình sức khoẻ của học sinh thông qua phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm các lớp.

Với trường hợp học sinh bị sốt, trường yêu cầu phụ huynh tự test nhanh cho con tại nhà từ 1 - 2 lần/tuần trước khi trở lại trường để đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Giáo viên này cũng cho biết, theo hướng dẫn mới, khi phát hiện ra F0, trường sẽ nhanh chóng khoanh vùng, yêu cầu F1 tự cách ly tại nhà theo quy định của Bộ GD&ĐT.

"Theo đó, các học sinh ngồi bàn trên, bàn dưới của trường hợp bị F0. Quan điểm của trường sẽ không đóng cửa toàn bộ khi có F0 mà thay vào đó là khoanh vùng diện hẹp, từng lớp"- cô Lộc chia sẻ.

Theo yêu cầu của Sở GD&ĐT, trường học phải đạt yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Giáo viên chưa tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19 theo quy định của ngành Y tế chỉ dạy học trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Không tổ chức bán trú, căng tin ăn uống trong trường, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, nhà trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh; có kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại lớp học, trường học.

Học sinh hồi hộp

Chị Nguyễn Thị Hương, một phụ huynh lớp 6 ở huyện Đan Phượng, chia sẻ con trai chị đã gần như mất ngủ cả đêm hôm qua.

Chị Hương cho biết, con chị lúc nào cũng mong ngóng ngày được đi học trở lại để gặp thầy cô, bạn bè vì việc chuyển cấp em có thêm bạn mới từ nhiều vùng khác nhau.

“Cả nhà tôi vừa hồi hộp, vừa lo lắng suốt từ đầu tuần đến giờ. Vợ chồng tôi đã hỏi ý kiến có có thích đi học trực tiếp không. Con nói rất muốn đi học cùng các bạn, dù sau Tết các bạn có di chuyển nhiều nơi như về quê nhưng con bảo vẫn thích đi học luôn nên chúng tôi đã quyết định cho cháu đến trường sáng nay.

Em Đỗ Đức Phúc, học sinh trường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) cho hay, 3 ngày nay nhận được giấy thông báo sẽ được đi học nên từ đêm qua em thao thức mãi. Sáng nay, em dậy sớm chuẩn bị đồ ăn rồi đi nhờ xe của phụ huynh cùng khối gần nhà.

“Nghe mẹ nhắc dậy sớm chuẩn bị đồ dùng đi học, em dậy ngay. Thế là em được gặp thầy cô, bạn bè rồi"- Phúc chia sẻ.

Chị Đỗ Thanh Dung ở Mỹ Đức, Hà Nội chia sẻ cảm giác vừa vui xen ít lo lắng khi cậu con trai và con gái đã được đến lớp từ hôm nay.

“Tôi dặn con nhớ đeo khẩu trang, xịt khuẩn tay, uống nước bằng chai của cá nhân, dặn cháu những việc nên làm khi đến lớp để phòng dịch. Tôi cũng tin rằng dù còn khó khăn, thầy cô và các cháu sẽ sớm thích nghi với tình hình mới".

Vị phụ huynh này cũng chia sẻ, Hà Nội nên sớm có được phương án cho các trường được tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Mặt khác, việc học trực tiếp chỉ một buổi còn lại buổi kia học online thì làm khó cho cả học sinh cũng như phụ huynh trong việc sắp xếp học tập và đưa đón con.

Xử lý thế nào khi lý khi phát hiện trường hợp học sinh mắc COVID-19

Trước khi học sinh cả nước trở lại trường, Bộ GD&ĐT ban hành sổ tay đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, Bộ nêu rõ 4 bước xử lý khi phát hiện trường hợp học sinh mắc COVID-19.

Theo đó, bước đầu tiên sẽ thông báo kết quả dương tính cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của sở GD&ĐT, cha mẹ học sinh, cách ly tạm thời F0 tại trường. Thông báo ngay cho trạm y tế địa phương để triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Sau đó, đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.

Bước tiếp theo sẽ tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Các lớp khác hoạt động bình thường.

Ở bước 4, cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, người tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 tự cách ly y tế tại nhà 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, 3, 7.

Những người tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly y tế 10 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, 5, 10. Còn người chưa tiêm vaccine thì cách ly y tế 14 ngày, xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, 7, 13.

Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu phát hiện 1 ca dương tính thì cho toàn bộ các em là F1 cách ly tại nhà theo quy định.

MỚI - NÓNG