Sáng 8/2, báo cáo chuyên đề về công tác đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp tại cuộc họp Giao ban báo chí đầu xuân Nhâm Dần 2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và thực tiễn tình hình trong nước, khi tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 đã rất cao, việc mở cửa trường học đang là ưu tiên số 1 của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh. Ảnh: Ngọc Thắng |
Theo bà Minh, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã rất cố gắng phối hợp với các đơn vị có liên quan giữ vững được chất lượng đào tạo dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19, phải dạy học trực tuyến. "Qua tham vấn các ý kiến chuyên gia, phụ huynh, nếu để trẻ em ở nhà quá lâu sẽ có những tác động rất mạnh tới tâm lý, sức khoẻ, hình thành nhiều thói quen xấu cho trẻ. Nhiều trẻ rơi vào trạng thái cô đơn, sa đà vào mạng xã hội...", bà Minh nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT dẫn các thông tin liên quan đến tỷ lệ tiêm vắc xin ở Việt Nam, đánh giá về sự hiểu biết về dịch COVID-19 của người dân đã tốt hơn, vì thế, việc đưa trẻ tới trường hiện nay là "cần thiết, càng sớm càng tốt".
Theo bà Minh, hiện các địa phương đã triển khai các kế hoạch tổng thể về các điều kiện cơ sở vật chất, về kế hoạch phòng, chống dịch, chuẩn bị các tình huống, kịch bản khi trẻ trở lại trường.
"Với cấp mầm non và tiểu học, 63/63 tỉnh, thành có kế hoạch đón các cháu trở lại trường trong tháng 2 này. Từ ngày 7/2 - 14/2 có 53/63 tỉnh quyết định cho học sinh mầm non và tiểu học đi học trở lại", bà Minh thông tin.
Với cấp THCS, theo bà Minh, đã có 57/63 tỉnh, thành cho học sinh đi học trực tiếp từ 8/2. Các địa phương còn lại có kế hoạch triển khai trong tháng 2. Văn bản của Bộ cũng nêu mốc thời gian chậm nhất là 14/2.
Về cấp THPT, hiện 63 tỉnh, thành đã cho 100% học sinh đi học lại từ 7/2. Cấp Đại học sẽ trở lại 100% từ 14/2.
Tại hội nghị, một số cơ quan báo chí đặt vấn đề tại sao cấp đại học, các sinh viên đều được tiêm vắc xin từ rất sớm mà việc mở cửa trở lại rất chậm. Theo bà Minh, hiện cũng đã có trường cho sinh viên đi học trở lại, nhưng sẽ triển khai đồng loạt từ 14/2.
"Có một số trường được huy động làm nơi cách ly phòng, chống dịch, sẽ cần thời gian để sửa chữa, bố trí cơ sở vật chất... Hơn nữa, việc học trực tuyến ở độ tuổi sinh viên được tổ chức khá tốt, mang lại hiệu quả rõ rệt. Nguyên nhân nữa là do các sinh viên ở nhiều địa phương khác nhau, việc trở lại trường phải phối hợp với địa phương đặt trụ sở trường. Mà việc đánh giá cấp độ dịch ở các địa phương là khác nhau. Vừa qua đã có tiêu chí mới về đánh giá cấp độ dịch. Các trường cũng đã có giải pháp. Ngày 14/2 tới sẽ mở cửa trở lại", bà Minh thông tin.
Về việc có lo ngại trường học nay mở cửa, mai đóng cửa vì dịch COVID-19, bà Minh cho biết, theo tiêu chí đánh giá cấp độ dịch mới chi tiết đến từng xã, phường, vấn đề này không quá lo ngại. "Hiện nay chủ yếu các địa phương ở cấp độ 1 - 2, đáp ứng đủ điều kiện mở cửa trường học, nên sẽ khó xảy ra việc nay mở, mai đóng", Thứ trưởng Minh nói.
Bà Minh cũng thông tin về việc "đánh giá, so sánh thiệt hơn trong việc mở cửa, đóng cửa trường học". Theo bà Minh, thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Y tế tính toán nhiều đến lợi ích, tác hại của việc trẻ đến trường học trực tiếp và trẻ phải ở nhà.
Quanh vấn đề cho trẻ trở lại trường nhưng không ăn bán trú, bà Minh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với thành phố Hà Nội để giải quyết.
"Khi đưa các em trở lại trường cũng phải đánh giá đến phụ huynh học sinh, đặc biệt là các em nhỏ cần phải ăn bán trú như mầm non và tiểu học. Nếu chỉ cho các em học nửa ngày còn nửa ngày đón về sẽ ảnh hưởng đến giờ làm của phụ huynh", bà Minh nói, đồng thời cho biết, nhiều địa phương đã thích ứng rất tốt trong việc mở cửa lại trường học như TP HCM và Bắc Giang.