Học sinh phải trả phí tác quyền khi phô tô?

Học sinh, sinh viên có thể sao chép tài liệu hợp pháp nếu trả một mức phí hợp lí. Ảnh: Hồng Vĩnh
Học sinh, sinh viên có thể sao chép tài liệu hợp pháp nếu trả một mức phí hợp lí. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam cho biết, tổ chức này đang đàm phán với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thu phí sắp tới. Thông tin đưa ra tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả của quản lý tập thể quyền tác giả trong kỷ nguyên số hóa” ở Hà Nội.

“Chúng tôi làm việc với Bộ GD&ĐT, sơ bộ đặt vấn đề hai bên cùng xem xét việc sao chép tài liệu của học sinh. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã có kết luận ngày 28/2 rằng hai bên sẽ ngồi với nhau: Một bên là Bộ GD&ĐT đại diện cho các đối tượng sử dụng cá nhân, bên VIETRRO đại diện cho những người có quyền. Trong năm 2014 hai bên sẽ có chương trình làm việc cụ thể, từng bước đi đến hiệu quả tốt nhất”, bà Đoàn Thị Lam Luyến nói.

Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ, chỉ miễn trừ chi trả tác quyền sao chép đối với cá nhân có mục đích giảng dạy, nghiên cứu. Như vậy, gần 20 triệu học sinh, sinh viên Việt Nam bị đẩy vào tình trạng vi phạm luật, vì mục đích phô tô tài liệu học tập.

“Các tổ chức về bản quyền sao chép giúp quản lý tài sản trí tuệ từng cá nhân theo phương pháp mới. Chúng không hề cạnh tranh với các NXB, tác giả. Ở Anh có hệ thống tự nguyện CLA, sẽ tiếp cận các NXB, tác giả đề nghị trao cho họ quyền quản lý quyền tác phẩm đó, cung cấp giấy phép cho các bản photocopy, số hóa. Pháp cũng có nghị định, yêu cầu các cơ sở phải thực hiện”.

Ông Olav Stokkmo, Giám đốc điều hành IFRRO (Liên đoàn quốc tế các tổ chức tập thể quyền sao chép)

Tuân thủ việc trả tác quyền sao chép có vẻ phức tạp, không có lợi cho người sử dụng?

Bà Luyến khẳng định, VIETRRO dự kiến đưa mức 8 ngàn đồng/năm đối với học sinh phổ thông, mức 1 USD đối với sinh viên để phô tô tài liệu thoải mái. Mức phí này dựa theo biểu phí của Nghị định 61 về nhuận bút, và lượng trung bình phô tô tài liệu hằng năm của học sinh, sinh viên.

Có sinh viên băn khoăn, muốn không vi phạm luật cũng khó, chả nhẽ mỗi lần sao chụp phải liên hệ với tác giả, mà có tác giả ở nước ngoài. Đại diện VIETRRO cho biết, tổ chức này không làm việc với cá nhân, mà thu theo đầu mối các trường, Sở GD-ĐT sau khi các tác giả trao quyền cho VIETRRO.

“Nếu ngừng không cho phô tô thì không đáp ứng nhu cầu học tập, và chắc chắn tài liệu gốc nguồn cung không đủ cầu. Việc thu tác quyền này tạo điều kiện cho các cháu tiếp cận tài liệu một cách hợp pháp”, bà Lam Luyến nói.

Đại diện của VIETRRO nói thêm sắp tới sẽ đề nghị dẹp các trang web không mất chi phí đầu tư mà thu lợi khủng từ bán quảng cáo. “Báo chí mất hàng nghìn tỷ đồng vì nạn sao chép vô tội vạ, nhưng Hội Nhà báo chưa liên kết với chúng tôi. Xã hội không có chế tài, không ngăn cấm. Cơ quan tôi không phải đi bắt tận tay day tận trán để xử lý được, vì chỉ là cơ quan bảo vệ quyền thôi”, bà Luyến nói thêm.

Một số chuyên gia sở hữu trí tuệ thế giới phát biểu đại ý, nếu quản lý quyền sao chụp như bắt cá gần bờ, thì quản lý quyền này trong không gian ảo như bắt cá xa bờ. Đương nhiên nói thế không phải quản lí số hóa sẽ được “cá lớn” mà ý nói đến phương tiện kỹ thuật, khung pháp lý. Nhà nước phải có khung pháp lý, để những tác giả không ủy quyền cũng được hưởng lợi, để người sử dụng có giấy phép an toàn khi sao chụp tài liệu.

“Hiện nay hệ thống pháp lý của Việt Nam chưa tạo điều kiện cho người sử dụng, đẩy họ đi đến vi phạm quyền tác giả hoặc không kinh doanh, hoặc không hiệu quả, ảnh hưởng đến kinh tế” một đại biểu nêu ý kiến.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.