Hoan nghênh!

Hoan nghênh!
TP - Sau cuộc đối thoại tại Hà Nội, cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lại chủ trì cuộc đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp TPHCM.

> Ngân hàng lại lách trần lãi suất

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Theo website của NNNN, tại Hội nghị, ông Bình đánh giá cao sự liên kết - kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cơ hội kinh doanh hợp tác cùng phát triển. Ông hoan nghênh các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; từng bước giảm lãi suất cho vay.

Ông Bình nhận định, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay giảm xuống dưới 7%, lãi suất huy động có điều kiện để tiếp tục giảm xuống dưới 8%, vào năm tới một số khoản cho vay ưu đãi có thể giảm xuống dưới 10%.

Theo ông Bình, số liệu thống kê đến ngày 27-7 cho thấy toàn hệ thống chỉ còn 35% khoản vay cũ có LS trên 15%/năm, trước thời điểm NHNN chỉ đạo thì con số này là 60%.

Chỉ bấy nhiêu thôi, thì những việc mà ông Bình và ngân hàng đã và đang làm, cũng đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, những gì mà doanh nghiệp đòi hỏi ở Thống đốc còn hơn thế. Nói như ông Văn Đức Mười - Chủ tịch Hội DN thực phẩm, Tổng giám đốc Công ty Vissan, việc trì hoãn giảm lãi suất cho vay của ngân hàng dần dà làm niềm tin của DN phai lạt.

Còn trên thị trường, tiếp tục chứng kiến nhiều ngân hàng tìm cách lách trần lãi suất huy động, bằng cách biến kỳ hạn ngắn thành kỳ hạn dài (hiện NHNN chỉ khống chế trần lãi suất huy động dưới 12 tháng, 9%/năm) nhằm lôi kéo khách gửi tiền.

Một số ngân hàng tiếp tục huy động vàng, dù đã có lệnh cấm của NHNN... Nếu việc các NHTM chưa chấp hành đưa tất cả các khoản vay về lãi suất 15%/năm có thể lý giải, vì đây chỉ là "hoan nghênh, đề nghị" của Thống đốc, chứ không phải yêu cầu bắt buộc.

Nhưng với việc vượt rào lãi suất huy động, việc ngân hàng lại huy động vàng, là yêu cầu bắt buộc của NHNN thì sao?

Có thể, NHNN nói không bắt được quả tang, không có chứng cứ nên khó xử lý. Nhưng một phóng viên còn có thể thâm nhập, lấy thông tin, thì cơ quan quản lý còn có thể làm hơn thế.

Vấn đề là ở chỗ, cơ quan quản lý có muốn "xử" mạnh tay với các ngân hàng vi phạm không, hay tiếp tục nuông chiều họ.

Nếu cơ quan quản lý lâu nay thực hiện đúng chức trách của mình, kiểm soát được hoạt động của các tổ chức tín dụng, thì chưa chắc đã cần phải tổ chức những hội nghị để "hoan nghênh".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG