Hóa vàng

Hóa vàng
TP - 1. Hôm 23 tháng chạp, tiễn ông Công ông Táo về trời. Khi hóa mã, nhìn làn khói bay lên tôi cảm thán viết mấy dòng: “Hóa vàng là đốt mã/Đưa tiễn các cụ thôi/Tiền mua là tiền thật/ Hoá xong thành khói trời”.

Một bạn thấy thế phụ họa: “Biết vậy mà vẫn đốt/ Thật buồn cười quá ha/ Không đốt thì lại sợ/ Bất hiếu với ông bà.”

Hóa vàng ảnh 1

Vì câu thơ nhại đó mà tôi đâm vẩn vơ suy nghĩ. Tôi thử làm một bài tính về sự tiết kiệm. Nhà tôi là loại chi tiêu có tính toán, mua bộ áo mũ Công Táo, thần linh hết bốn mươi ngàn, một bộ xiêm y cho nhà tôi đã khuất ba chục nữa, cộng thêm hương nến và hai chục lễ mất một trăm linh năm ngàn. Đó là những thứ cúng xong đốt, còn hoa quả xôi thịt không tính vì còn ăn được. Từ đó suy ra nếu dân số nước ta một hộ năm người thì số tiền mã sẽ ngót nghét hai tỉ đồng ra mây ra khói.

Lãng phí quá nhỉ! Sao cha ông ta xưa nghèo khó mà lại bày ra thú tiêu khiển với thần linh tốn kém làm vậy?

2- Con tôi nhìn bàn thờ bày đặt hoa quả thì không nói gì nhưng khi nhìn sang chỗ thờ mẹ nó có hoa có quả và vàng mã, nó bảo: Sao bố không mua thêm nữa cho mẹ. Nói vậy rồi mắt nó hoe hoe... Nếu ban sáng bảo sắp đồ lễ nó cau có bao nhiêu thì sau khi nhìn góc thờ mẹ nó, thấy gương mặt nó giãn ra không còn càu nhàu này nọ.

Tôi đã ngộ ra.

Thì ra đây là bài học luân lí đạo đức uống nước nhớ nguồn mà tiền nhân đã tạo ra. Sau một năm trời, khi vòng quay trở lại khởi nguồn là mùa xuân, cái tết là lúc lắng đọng nhất- đó là thời điểm người ta nhớ đến ông bà cha mẹ người còn người khuất, nhớ đến tổ tiên họ mạc, biết ơn mảnh đất căn nhà đất nơi ta đang ở để một lần cảm tạ.

Chi phí cho lớp học luân lí một năm có bây nhiêu thôi, không tốn bằng học phí cho con trẻ mẫu giáo một lần thăm cô. Để các con lớn lên hiểu công cha nghĩa mẹ, hiểu được trên đầu mình có ai mà biết sống cho ra con người thì một năm tốn chừng ấy, đó là thứ học phí chẳng đắt chút nào.

3- Tôi lại nhớ đến người miền núi: Ngày người mẹ ở cữ, người ta gài bông lúa ở góc thờ, mong bà mụ đỡ cho mẹ lắm sữa, con bụ bẫm. Cây cối trước nhà buộc dải vải đỏ chúc mừng. Với người Mông thì rổ thóc là nơi cắm hương, đĩa dầu thắp sáng, cuốc xẻng được rửa sạch để bên bàn thờ có dán giấy cắt hoa, cùng được ăn tết với chủ nhà. Người Thái còn có tục rút chỉ khỏi trôn kim để nó còn đi chơi tìm bạn.

Ôi, một lớp học đạo lí ẩn sau những tục lệ, nghi lễ mà con cháu có thời không biết, lại coi đó là mê tín, là cái gì đó hoang đường. Nếu không có lí sao nó có sức sống lâu bền mà có thời người ta muốn vùi dập cấm đoán.

Ngày xuân ta nhớ ơn cha ông đã biết làm ra cái bàn thờ, biết dùng hương khói lễ vật để dạy con cháu bài học uống nước nhớ nguồn, một bài học làm người đầu tiên cho mỗi con người trước khi học chữ và vươn tới tri thức nhân loại.

Đỗ Đức

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG