Hoa Tết chưa nở đã được thương lái mua sạch tại vườn
TPO - Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tuy nhiên tại nhiều nhà vườn ở “thủ phủ” hoa cúc Tết xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đã được thương lái mua sạch.
Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, hoa cúc hay nhiều loại hoa khác vẫn chưa nở. Tuy nhiên các thương lái ở khắp nơi đã đổ về “thủ phủ” hoa Tết ở xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa) để đặt hàng, mua gần hết các vườn nơi đây. Hoa cúc được bán sớm khiến người trồng hoa rất phấn khởi. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo các nông dân, thời tiết năm nay thuận lợi hơn so với năm ngoái, không có lũ lụt, ít sâu bệnh nên hoa cúc phát triển rất tốt. Chỉ có chút khó khăn là năm nay vật giá như phân bón, điện, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Hiện nông dân nơi đây đang bước vào giai đoạn cuối của quá trình chăm sóc hoa trước khi xuất bán ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ông Lê Văn Nông (trú thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp) cho biết, năm nay gia đình ông trồng hơn 1.500 nghìn chậu hoa các loại, trong đó hoa cúc là 1.000 chậu, còn lại là dạ yến thảo, hoa hồng, dâu tây Đà Lạt… Ảnh: Nguyễn Ngọc
“Cũng như năm ngoái, mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên 1.000 hoa cúc của gia đình đã được thương lái đến đặt mua hết rồi. So với năm ngoái giá hoa năm nay cũng không cao hơn là mấy”, ông Nông nói. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Được biết, hoa cúc càng đẹp, giá càng cao. Theo các nhà vườn, hoa cúc đường kính 60cm có giá 240 nghìn đồng/chậu, loại 80cm có giá 500 nghìn đồng/chậu, 1m có giá 1,5 triệu đồng/chậu.
Những chậu hoa được thương lái chọn mua giá cao lá phải xanh tốt, dáng đẹp, không bị bệnh và nụ hoa phải to, cây phải cao… Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ông Bùi Phát (trú thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp) cho hay, năm nay gia đình trồng 1.000 chậu hoa cúc, những ngày qua thương lái từ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định… vào đặt mua hết cả rồi. Không riêng gì vườn nhà ông, nhiều vườn khác cũng đã có người đến mua sạch.
Thương lái đến hỏi mua hoa của người dân xã Nghĩa Hiệp. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Với 600 – 1.000 chậu hoa cúc size nhỏ và vừa, trừ chi phí, nhà vườn có thể thu lãi cả trăm triệu đồng. Những hộ trồng số lượng lớn hoa cỡ 1m có thể thu lãi cả trăm đến vài trăm triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ngoài hoa cúc, nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Hiệp và Nghĩa Mỹ đã mạnh dạn trồng thêm một số hoa khác như vạn thọ, hồng, mào gà, dạ yến thảo… để đa dạng hóa các loại hoa, phục vụ nhu cầu của thị trường. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Bà Võ Hồng Thịnh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết, toàn xã có hơn 500 hộ trồng hoa, trong đợt tết 2023 số lượng hoa ở địa phương không đủ cung ứng ra thị trường. Năm nay số lượng hoa tăng khoảng 7-10% so với năm trước, dự tính cung cấp cho thị trường Tết hơn 300 trăm nghìn chậu hoa các loại, trong đó hoa cúc là chủ yếu.
Theo bà Thịnh, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu “Hoa Nghĩa Hiệp” và trở thành sản phẩm đạt OCOP 3 sao, thương hiệu hoa Nghĩa Hiệp từ đó được biết đến rộng rãi hơn. Ảnh: Nguyễn Ngọc
“Để nâng tầm sản phẩm đặc trưng của địa phương, chính quyền xã Nghĩa Hiệp đang tập trung đưa hoa lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ. Bên cạnh đó, triển khai thử nghiệm các loại hoa để làm trà. Hiện trà hoa cúc đã có sản phẩm và dự kiến sẽ triển khai rộng, cung cấp cho thị trường”, bà Thịnh nói. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Làng hoa xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ là “thủ phủ” hoa cúc Tết của Quảng Ngãi, mà đây còn là làng hoa Tết lớn nhất của miền Trung, hàng năm, cung cấp hàng trăm nghìn chậu hoa cho thị trường Tết khắp các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên, mang lại nguồn thu nhập cao dịp cuối năm. Ảnh: Nguyễn Ngọc