Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết

TPO - Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này người trồng hoa ở Quảng Ngãi lại tất bật bên những mảnh vườn, khẩn trương xuống giống hoa để kịp phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán sắp đến.

“Thủ phủ” hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết. Video: Nguyễn Ngọc.

Những ngày này, tại làng hoa Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” hoa cúc miền Trung, người dân đang hối hả xuống giống vụ hoa Tết.

Theo người dân, khoảng giữa tháng 7 âm lịch bắt đầu xuống giống hoa cúc. Nhờ thời tiết thuận lợi, mưa nhẹ nên việc chăm sóc khá thuận lợi. Đến nay tại hầu hết nhà vườn, hoa đã phát triển đều.

Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 1Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 2Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 3Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 4

Người dân hối hả xuống giống vụ cúc Tết. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

Thời gian sinh trưởng của hoa cúc từ 5-6 tháng, sau khi trồng được một tuần thì các chủ vườn đã kéo đèn điện cho hoa cúc, sau khi cúc đạt chiều cao từ 20-30 cm tiến hành cắm cọc, làm giàn giữ cho cây.

Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, gia đình chị Lê Thị Thanh Thúy (trú thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp) đã xuống giống 1.500 chậu cúc, tăng hơn 500 chậu so với năm trước.

Theo chị Thúy, năm 2022, cúc rất được ưa chuộng, bán nhanh, được giá và được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng công nhận nhãn hiệu “Hoa Nghĩa Hiệp”, nên năm nay gia đình mạnh dạn trồng nhiều thêm. Nhìn chung đến thời điểm này, chúng tôi chưa thấy bất thường gì, hoa phát triển như mong muốn.

Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 5Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 6Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 7Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 8

Đến nay tại hầu hết các nhà vườn, hoa đã phát triển đều. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

“Tuy nhiên, từ nay đến Tết vẫn còn khá lâu nên người dân sẽ không chủ quan, theo sát thời tiết, mong mọi điều suôn sẻ đến cuối vụ để bà con cùng vui”, chị Thúy chia sẻ.

Dù thời tiết đến hiện tại khá thuận lợi. Tuy nhiên giá vật tư, phân bón, điện tăng cao đang là nỗi e ngại đối với nhiều hộ trồng hoa cúc. Nhiều người dân đã chủ động chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, ủ phân chuồng để hạn chế chi phí sản xuất hoa cúc.

Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 9Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 10

Người dân tưới nước cho hoa. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

Đang khẩn trương làm đất, giăng dây, sẵn sàng đưa cúc vào chậu. Anh Phan Thanh Đôn (trú thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp) cho biết giá cây giống năm nay không tăng so với năm trước, bình quân từ 200-300 đồng/cây cúc giống. Tuy nhiên, để giảm chi phí đầu tư anh đã nhập giống cúc pha lê từ Đà Lạt về, bên cạnh đó tự ươm ra cây giống để đỡ tốn kém.

“Hiện tại, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như rơm, phân, thuốc bảo vệ thực vật… nên anh đã chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, ủ phân chuồng để hạn chế chi phí đầu tư, còn công chăm sóc chủ yếu là người trong gia đình”, anh Đôn nói.

Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 11Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 12Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 13Thủ phủ hoa cúc lớn nhất miền Trung vào vụ Tết ảnh 14

Người dân bắt đầu kéo đèn điện thắp sáng cho hoa cúc. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

Ngoài trồng hoa cúc, nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Hiệp và Nghĩa Mỹ đã mạnh dạn trồng thêm một số hoa khác như vạn thọ, hồng, mào gà, dạ yến thảo, dâu tây, chuông tình yêu… phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.

Làng hoa xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) được xem là “thủ phủ” hoa cúc Tết của miền Trung, từ bao đời nay với hàng nghìn hộ dân gắn bó với nghề trồng hoa. Hàng năm, cung ứng hàng trăm nghìn chậu hoa cho thị trường Tết khắp các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên.

Tin liên quan