Ho kéo dài không khỏi, bé gái suýt chết vì khối bướu hiếm gặp

Ho kéo dài không khỏi, bé gái suýt chết vì khối bướu hiếm gặp
TPO - Vì bé gái xuất hiện dấu hiệu sốt ngay thời điểm giao mùa nên gia đình chỉ nghĩ bé bị cảm thông thường và cho dùng thuốc. Tuy nhiên, tình trạng bé ngày càng có dấu hiệu nặng, thân nhiệt tăng cao kèm đau ngực, người nhà vội đưa đến BV Nhi đồng 1 thì “tá hỏa” vì biết con mắc bệnh cực hiếm.

Ngày 20/7, thông tin từ BV Nhi đồng 1 cho biết BV vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi N.T.Q.N (3 tuổi, ngụ Bình Chánh) có khối bướu hiếm gặp nằm bên trong lòng phế quản gốc.

Theo ThS.BS Đào Trung Hiếu (Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1), bệnh nhi được nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, có dấu hiệu tắt nghẽn phế quản dẫn đến xẹp vùng trên phổi trái. Qua kết quả chụp X-Quang, CT Scan, các BS nghi ngờ có dị vật đường thở và chỉ định nội soi. Tuy nhiên khi nội soi không phát hiện dị vật mà là một khối u trong lòng phế quản. “Kết quả sinh thiết khối u  xác định đây là bướu nguyên bào sợi tơ viêm, là bướu nằm giữa ranh giới giữa bướu lành tính và ác tính, rất hiếm gặp, chỉ chiếm 0.2% trong số những khối u ở trẻ em”, BS Hiếu thông tin.

Ho kéo dài không khỏi, bé gái suýt chết vì khối bướu hiếm gặp ảnh 1 Khối bướu có kích thước 2,5 cm, nằm chèn trong lòng phế quản gốc

Nhận thấy tình trạng bệnh nhi quá nguy kịch,các BS BV Nhi đồng 1 đã tiến hành hội chẩn khẩn với ê-kip với BV Phạm Ngọc Thạch. Nhiều phương án được đưa ra như xạ trị, hóa trị,…nhưng cuối cùng các BS đã thống nhất sẽ phẫu thuật cho bé. “Nếu không phẫu thuật thì bướu sẽ phát triển lớn lên gây tắt nghẽn hẳn phổi trái, bướu có thể lan ra phổi kia, gây hại 2 phổi gây ảnh hưởng tính mạng bé”,ThS BS Đinh Việt Hưng (phụ trách Ung bướu Khoa Ngoại BV Nhi đồng 1) cho biết.

Kết quả phẫu thuật cho thấy khối bướu thuộc dạng u tăng sinh,  nằm ở phế quản gốc bên trái dài 2,5 cm có dấu hiệu lan và chèn ép gây tắt nghẽn phế quản thùy trên, một phần phế quản thùy dưới. Các BS cho biết  ca mổ đã thành công trong việc cắt lồng phế quản, lấy khối bướu ra ngoài, giữ được thùy dưới phổi trái bằng cách cắm lại thùy dưới phổi trái vào phế quản gốc.

Nhận định về trường hợp của bệnh nhi N, theo các BS, vì đây là một khối bướu cực kì hiếm gặp, lại xảy ra ở trẻ nhỏ, nên gây mê chính là yếu tố quan trọng giúp ca phẫu thuật thành công. “Các BS phải kiểm soát hô hấp tốt đối với phổi phải, làm sao để phổi trái xẹp hoàn toàn cho phẫu thuật viên đánh giá thương tổn và bóc tách khối bướu.  Chúng tôi phải đặt ống nội khí quản số 5 cho bé, chuẩn bị dự phòng ống nội soi mềm, kiểm soát thời gian thích hợp để gây mê, hạn chế thương tổn ít nhất có thể”, BS Hiếu thông tin thêm.

Ho kéo dài không khỏi, bé gái suýt chết vì khối bướu hiếm gặp ảnh 2 Hiện sức khỏe bé gái đã ổn định
Sau phẫu thuật, hiện bé N đã hồi phục sức khỏe, tuy nhiên các BS cho biết bệnh nhi vẫn cần phải theo dõi nội soi phế quản định kỳ để kiểm soát được tình trạng bệnh, đề phòng khả năng tái phát về sau.
MỚI - NÓNG