Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Thầy cô có quyền tự hào về nghề của mình

0:00 / 0:00
0:00
TPO - GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng không cắt nghĩa rành mạch được trong ông đã lớn dần một tình yêu thương với học trò hay đó là tình yêu với nghề nghiệp. Rồi tình yêu thương đó, lớn dần, lớn dần, choán lấy ông. Tình yêu thương ấy đã trở thành lẽ sống đời người.

Hôm nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trong diễn văn kỉ niệm, GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ tốt nghiệp ĐH năm 1985, ông dạy học ở Tây nguyên. Vốn chỉ biết Tây Nguyên qua những trang sách, nên khi "trở thành người trong cuộc", ông và những người bạn cùng thời mới thấy Tây Nguyên không như những gì hình dung. Đó là những năm tháng thử thách cuộc đời, gian khổ nhưng cũng đáng nhớ vô cùng.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Thầy cô có quyền tự hào về nghề của mình ảnh 1

GS. TS Nguyễn Văn Minh trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các giảng viên tiêu biểu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Những học sinh của thầy giáo Minh luôn lạ lẫm với những điều trong sách vở, nhưng các em đều hiền lành và tình nghĩa như đất ba-zan,mộc mạc và chân chất như cây rừng hoang dại, đáng yêu.

"Tôi không cắt nghĩa rành mạch được trong tôi đã lớn dần một tình yêu thương với học trò hay đó là tình yêu với nghề nghiệp. Rồi tình yêu thương đó, lớn dần, lớn dần, choán lấy trong tôi. Tình yêu thương ấy đã trở thành lẽ sống đời người", thầy Minh nói.

Là một người thầy, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng có chút ái ngại khi nói về nghề, những người đang làm thầy và sẽ làm thầy trong một bối cảnh có quá nhiều điều suy ngẫm.

Các thầy cô giáo đang ở giữa những bộn bề khó khăn trước đòi hỏi đổi mới, trước những kỳ vọng, những lo toan cuộc sống hằng ngày, và cả trước những điều chưa hài lòng với chính mỗi nhà giáo, nghĩa là còn quá nhiều bất cập.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, ông Minh muốn đề cập đến những giá trị, đến thái độ; cái mà có khi ai đó coi như là điều xa xỉ và cũng có người ái ngại khi nói đến điều này. Theo ông Minh, đó là hiện thân của quan niệm và ứng xử giữa con người với con người, giữa thầy trò, giữa người lớn và trẻ em và một nội hàm của nó là cảm thông từ đáy lòng của mỗi chúng ta, những nhà giáo, là yêu thương, bao dung.

Những giá trị chân chính, những chuẩn mực tốt đẹp, đâu đó đang bị xô lệch bởi những lai căng, lệch lạc vẫn diễn ra. Trang bị một “bộ lọc” để gạn đục, khơi trong cho mỗi con người để hấp thu những gì tốt đẹp và loại bỏ những gì cặn bã như là một trọng trách của mỗi nhà trường, bổn phận thiêng liêng của mỗi thầy cô và cả những sinh viên cùng với mỗi gia đình.

Trọng trách tối thượng của mỗi người thầy là giáo dục cho mỗi trẻ được hình thành về giá trị gia đình, chuẩn mực xã hội và ứng xử trong thế giới hội nhập để khát khao làm chủ tri thức và hành động chân chính.

Giáo dục để mỗi đứa trẻ yêu cha, yêu mẹ, yêu thương anh em, bà con lối xóm và rộng hơn là đồng loại và đó là gốc rễ của tình yêu quê hương, đất nước.

Giáo dục để mỗi đứa trẻ hiểu dần nỗi đau của nghèo khó mà cố gắng vươn lên, để mỗi đứa trẻ nhìn ra bên ngoài rồi khát khao tri thức để chinh phục những thành tựu văn minh, để góp phần làm cho quê hương, đất nước giàu lên.

Giá như, giá như... mỗi thầy cô không quá lo lắng về cái ăn, cái mặc

Chia sẻ về nghề giáo, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng trong thẳm sâu của mỗi người đi dạy học đều muốn làm tốt nhất bổn phận của mình, muốn dồn hết tâm sức và trí tuệ cho học sinh.

Nhưng những khó khăn, vất vả, những ràng buộc có khi đã lỗi thời, ảnh hưởng không ít đến mỗi nhà giáo. Giá như mỗi thầy cô không quá lo lắng về cái ăn, cái mặc thì họ sẽ thanh thản hơn trong tâm hồn và dành hết thời gian cho con trẻ thì tốt đẹp biết nhường nào.

"Cảm thông, sẻ chia với đồng nghiệp của mình đang dạy học những nơi xa xôi cách trở, nơi trùng điệp của núi non, trăm bề thiếu thốn. Điều đáng tiếc, chúng ta là những người cùng cảnh ngộ nên cũng chẳng làm được gì hơn ngoài sự đồng cảm. Nhưng chính họ cũng cho chúng ta niềm tin về những giá trị cao đẹp", ông Minh nói.

Đồng thời cho rằng thấu hiểu điều kiện của quê hương, đất nước, nhưng giá như, những chủ trương, chính sách đến kịp thời với thực tiễn thì phần nào nhà giáo ấm lòng hơn để có nhiều hơn động lực cho công việc. Và giá như lao động chính đáng của nhà giáo được nhìn nhận một cách đúng mức, kịp thời, đó là lao động giáo dục chứ không phải là lao động giản đơn chỉ thuần túy tính bằng giờ, thì mọi chuyện đã tốt hơn nhiều.

Thông điệp mà GS Minh muốn gửi đến qua bài diễn văn rằng mỗi người đến với nghề giáo một cách khác nhau, nhưng điều quý giá hơn cả là trong sâu thẳm đều nặng tình yêu thương con người và mong muốn làm cho thế hệ tương lai tử tế hơn, khôn lớn hơn, trưởng thành hơn để chung tay làm cho xã hội văn minh hơn, đất nước giàu đẹp hơn.

"Chúng ta có quyền tự hào về nghề cao quý của mình", GS Nguyễn Văn Minh nói.


MỚI - NÓNG