Hiện thực hóa mong muốn tái sinh bãi rác lớn nhất Thủ đô

TP - Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội đề nghị cải tạo các ô chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) thành điểm vui chơi, thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bãi rác lớn nhất Thủ đô được kỳ vọng sẽ trở thành điểm check-in mới của giới trẻ, thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng...

Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Bãi rác Nam Sơn - huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là nơi thực hiện xử lý chất thải cho 17/31 quận, huyện, chiếm 77% lượng rác của toàn thành phố. Từ cuối tháng 4/2021, bãi rác đã phải thực hiện các giải pháp tạm thời, cấp bách để duy trì hoạt động do các ô chôn lấp đã đầy.

Hơn 80ha diện tích bãi rác Nam Sơn hiện nay đang là các ô chứa rác, theo tính toán dưới diện tích này có khoảng 34 triệu tấn rác đã chôn lấp, kèm theo đó là hàng triệu m3 nước rỉ rác hàng ngày ngấm sâu xuống lòng đất.

Do đó, dễ hiểu vì sao khi trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chia sẻ với cử tri về mong muốn sớm dứt điểm xử lý rác đã chôn lấp, nước rỉ rác. Ông Thanh cho biết, có một vài nhà đầu tư quan tâm đến việc "móc" toàn bộ rác cũ đã được chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn lên để đốt.

"Tôi cũng mong muốn đẩy sớm việc xây dựng một nhà máy tiêu thụ toàn bộ rác đã chôn trong quá khứ để xử lý, còn chỗ cũ sẽ biến thành công viên công cộng để người dân hưởng lợi, con cháu chúng ta được hưởng. Khó đến mấy chúng ta cũng phải làm”, ông Trần Sỹ Thanh nêu rõ.

Hiện thực hóa mong muốn tái sinh bãi rác lớn nhất Thủ đô ảnh 1

Nhà máy điện rác Sóc Sơn của Công ty CP Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội

Biến bãi rác thành nơi tham quan, nghỉ dưỡng

Mới đây, Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội (HNTY) đã có văn bản gửi Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đóng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.

Theo đó, Công ty HNTY đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhà máy đốt rác phát điện công suất 4.500- 5.000 tấn/ngày, công suất phát điện 90MW. Việc đưa nhà máy vào vận hành đã góp phần giải quyết các khó khăn trong công tác xử lý rác trên địa bàn Hà Nội, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường đến người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn và dự kiến đến năm 2028 toàn bộ CTRSH phát sinh hàng ngày tại Thủ đô sẽ thực hiện 100% xử lý bằng phương pháp đốt.

Về giải pháp đóng các ô chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn, Công ty HNTY cho biết, theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy trình đóng bãi, TP Hà Nội sẽ phải chi một khoản ngân sách lớn để đầu tư phủ đất trồng cây, trồng cây xanh, hệ thống thoát nước, hệ thống thu khí ga, hệ thống quan trắc môi trường, xử lý nước rỉ rác...

Công ty HNTY nhận thấy việc triển khai đóng bãi theo hướng dẫn chưa hiệu quả và ô nhiễm môi trường vẫn còn tiếp tục xảy ra trong thời gian dài khoảng 50 năm. Bởi nước rỉ rác theo thời gian sẽ ngấm sâu vào lòng đất và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm; Khí bãi chôn lấp (khí cháy được, mùi hôi) làm ô nhiễm môi trường xung quanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ; Kinh phí xử lý ban đầu và kinh phí duy trì 50 năm là rất lớn; Lãng phí tài nguyên đất.

Do đó đơn vị đề nghị cải tạo các ô chôn lấp thành điểm vui chơi, thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ngoài các bước triển khai về quy trình chuyên sâu về bóc tách và xử lý đốt hàng triệu tấn rác đã chôn lấp, Công ty HNTY đề xuất bổ sung 2 lò đốt rác với công suất đốt 800 tấn/lò/ngày đêm, công suất phát điện 45MW.

Cụ thể, Công ty HNTY đề nghị UBND Thành phố cho phép Công ty HNTY được điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư mở rộng, bổ sung thêm 2 lò đốt 800 tấn/lò/ngày (1.600 tấn/ngày) (tận dụng đất và đường giao thông hiện có trong nhà máy, không cần bổ sung diện tích đất) để xử lý rác thải chôn lấp (tổng cộng 7 lò đốt, nhà máy sẽ tiếp nhận và xử lý 6.000 - 7.000 tấn/ngày, bao gồm lượng rác phát sinh hàng ngày và rác đã chôn lấp, áp dụng phương thức đốt kết hợp với hiệu quả kinh tế tối ưu, vừa tiết kiệm được tiền cho Nhà nước vừa giải phóng được nguồn lực đất đai).

Hiện thực hóa mong muốn tái sinh bãi rác lớn nhất Thủ đô ảnh 2

Khu vực bãi rác Nam Sơn được kỳ vọng trở thành một công viên sinh thái

Ý tưởng lãng mạn và đẹp, rất đáng được ủng hộ

Cùng với sự phổ cập của công nghệ điện rác, các nước phát triển và nhiều thành phố lớn trên thế giới đã tiến hành cải tạo bãi chôn lấp. Như bãi chôn lấp Freshkills ở New York, Mỹ là bãi chôn lấp rác lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 890 ha, năm 1948 bắt đầu vận hành và năm 2001 đóng bãi, hiện đã cải tạo thành công viên Freshkills Park. Một số quốc gia châu Âu cũng đã cải tạo bãi chôn lấp thành công viên, sân golf và đất công nghiệp.

Theo TS Nguyễn Minh Hòa, hiện nay diện tích cây xanh tính trên đầu người của các đô thị Việt Nam rất thấp, chẳng hạn Hà Nội 2,06 m2/người, TPHCM 0,55 m2/người,... So với thế giới có thể thấy tỷ lệ cây xanh/người có khoảng cách rất lớn như: Seoul (Hàn Quốc) là 41 m2/người, Berlin (Đức) 50 m2/người, Moscow (Nga) 44 m2/người...

Tại các thành phố lớn, do quỹ đất nội thành gần như cạn kiệt, cộng thêm khó khăn về kinh tế nên hầu như mảng xanh không được tăng lên... vì vậy kế hoạch biến bãi rác thành công viên là một ý tưởng rất lãng mạn và đẹp, rất đáng được ủng hộ.

Theo chuyên gia môi trường Chu Thanh Toàn, ý tưởng biến bãi rác Nam Sơn thành công viên công cộng hoàn toàn có thể thực hiện được, kết quả của nó không những mang lại giá trị cho cộng đồng, kinh tế mà còn giúp Hà Nội xây dựng được nhiều bãi rác hơn khi người dân không còn tâm lý “kỳ thị bãi rác”.

Mô hình này đã thực hiện rất thành công tại bãi rác - công viên Sodokwon tại Hàn Quốc. Đây là bãi chôn lấp lớn nhất tại Hàn Quốc khởi công xây dựng từ năm 1989 và hoàn thành vào năm 1992, nơi đây thu nhận mỗi ngày hơn 20.000 tấn rác từ thủ đô Seoul, thành phố Incheon và các tỉnh lân cận. Ở đây có quy trình xử lý rác khép kín, liên hoàn từ loại bỏ nước ngầm, thu gom khí CH4 để phát điện.

Nhờ xử lý tốt, quy hoạch bài bản, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng công viên chủ đề “Dream Park” ngay tại bãi rác rộng lớn đem lại không gian vui chơi cho cộng đồng, không hề phát sinh mùi rác.

“Tuy vậy, để làm được công viên trên bãi rác Nam Sơn, cần sự quyết tâm lớn, quy hoạch rõ ràng và triển khai quyết liệt, đồng bộ”, ông Toàn nhận định.

Tháng 4/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Ông Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố quan tâm tới việc xử lý rác, lắng nghe ý kiến cử tri để có quyết sách phù hợp, Chủ tịch Hà Nội đề nghị Sở TN&MT sớm lên phương án “móc rác” ở khu vực này để tiến hành đấu thầu theo Luật Đấu thầu, mục tiêu rác cũ phải được xử lý hết trong vòng 5-7 năm tới.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam khẳng định: Với việc xử lý ô nhiễm môi trường, giải pháp căn cơ là sớm đưa các nhà máy đốt rác vào hoạt động. Sau khi xử lý phần chôn lấp bằng cách đốt, khu vực này sẽ trở thành công viên. “Thành phố kỳ vọng trong tương lai, sau khi kế hoạch này thành hiện thực, khu vực sẽ là điểm check-in mới của giới trẻ, cũng như quảng bá công nghệ xử lý môi trường”, lãnh đạo Sở nói.

MỚI - NÓNG
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
TPO - Nguyễn Ngọc Mai An, học sinh lớp 9A2, trường THCS Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là một trong những đại biểu đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, với 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; tích cực tham gia các hoạt động Đội, đồng thời là MC học đường và đạt nhiều thành tích các cuộc thi về Tin học, sáng tạo.