Sinh con thuận tự nhiên - rủi ro cho cả mẹ lẫn con

Hiểm họa đẻ tại gia

Một sản phụ “mẹ tròn con vuông” sau ca vượt cạn tại cơ sở y tế ở TPHCM.
Một sản phụ “mẹ tròn con vuông” sau ca vượt cạn tại cơ sở y tế ở TPHCM.
TP - “Sốc quá!”, các bác sỹ sản khoa thốt lên khi trông thấy hình ảnh trẻ sơ sinh còn nguyên dây rốn đặt cạnh chiếc thau đựng nhau thai của một sản phụ ở Hưng Yên. Trong khi đó, dư luận đang rúng động trước thông tin hai mẹ con tại TPHCM tử vong do sinh đẻ theo phương pháp “thuận tự nhiên”.

TS.BS Bùi Chí Thương (chuyên gia sản phụ khoa Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM và Bệnh viện Từ Dũ) nói ông giật mình khi chứng kiến hình ảnh trẻ sơ sinh còn nguyên dây rốn và nhau thai lúc nhập viện. “Hơn 20 năm làm trong lĩnh vực y khoa, cứu chữa nhiều trường hợp tai biến sản khoa, tôi cảm thấy buồn vì có những người đang xem thường tính mạng của bản thân”, BS Thương nói.

“Đâu phải thời đồ đá”

Vị BS cho rằng ông không hiểu lí do tại sao y học hiện đại đã rất phát triển, thế nhưng nhiều người lại chọn giải pháp quay lại thời đồ đá, giai đoạn con người xuất hiện và sinh đẻ theo tự nhiên, nghĩa là sinh tại nhà. “Những trường hợp sinh khó, mẹ và con đều tử vong, lúc đó lại cho là số mệnh. Nhưng ngày xưa khoa học chưa phát triển, nhận thức chỉ tới đó nên việc sinh đẻ thuận theo tự nhiên là phù hợp”- BS Thương nói.

BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chỉ ra những tai biến sản phụ có thể gặp phải nếu sinh con tại nhà: “Cuộc sinh nở nào cũng có thể xuất hiện tai biến như vỡ tử cung, dẫn dến suy thai khiến thai tử vong, mẹ bị vỡ tử cung khiến băng huyết sau sinh. Kể cả sinh xong, người mẹ cũng có thể gặp băng huyết nếu không được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, nếu không có nhân viên y tế hỗ trợ, phụ nữ mang thai lần đầu rất dễ gặp phải chấn thương tầng sinh môn, gây rách trực tràng, bọng đái khiến nhiễm trùng. Di chứng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này”.

BS Mỹ Nhi nhấn mạnh, nếu như theo trào lưu sinh con tự nhiên, các bà mẹ chậm cắt rốn cho con, thì tại bệnh viện, các nhân viên y tế vẫn thực hiện theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam. Đó là áp dụng “chậm kẹp” cắt dây rốn trong vòng một phút đầu và cho bé da kề da để cho bé quen với chủng vi trùng thường trú có lợi trên cơ thể mẹ, đồng thời cho bé bú những dòng sữa non đầu tiên. “Thông thường, máu từ bánh nhau qua dây rốn vào cơ thể em bé có thể tiếp tục trong vòng 5 phút sau sinh, nhưng phần lớn lượng máu từ bánh nhau truyền sang, trong đó có lượng lớn tế bào gốc và sắt, là trong vòng một phút đầu. Các lợi ích của “chậm kẹp” cắt dây rốn đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học. Điều này không đồng nghĩa với việc không cắt dây rốn, để dây rốn và bánh nhau gắn liền với đứa bé trong khi đang phân hủy tự nhiên có thể khiến nhiễm trùng, gây tử vong cho trẻ”, BS Nhi giải thích việc các bà mẹ hiểu sai về việc “chậm kẹp” cắt dây rốn nên không cắt dây rốn cho con, để bánh nhau ngày này qua ngày khác.

Theo BS Nhi, ở vài quốc gia, sinh con ở nhà có thể thực hiện được nhưng có sự giám sát của hệ thống y tế, nếu cần can thiệp y khoa, sản phụ sẽ được chuyển đến bệnh viện ngay lập tức. “Tuy nhiên, việc này cũng hạn hữu chứ không phải là trào lưu như chúng ta nghĩ như hiện nay”, BS Nhi nói.

BS Nguyễn Hương Lan - Phó trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Quận 2 (TPHCM) nhìn nhận mặc dù y học phát triển nhưng có số ít sản phụ vẫn quá chủ quan với việc sinh nở của mình. Tuy không phổ biến nhưng tại Bệnh viện này đã có những tình huống dở khóc dở cười, sản phụ có số điện thoại sẵn của bệnh viện, đề phòng sinh đẻ tại nhà có trục trặc là gọi ngay cho bác sĩ. “Hóa ra BS sản lại là sự lựa chọn sau cùng của sản phụ khi sinh”, BS Lan nhận xét.

Coi chừng bị xử lí hình sự!

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế cho rằng theo quy định của pháp luật thì sinh con phải là phương pháp y tế được pháp luật công nhận. Trào lưu sinh con bằng phương pháp thuận tự nhiên là phản khoa học, pháp luật không công nhận.

Ông Quang cho biết việc sinh con phải được bảo đảm an toàn ở tại các cơ sở có giấy phép họat động, do những nhà chuyên môn được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện. “Bên cạnh đó, cần hiểu một phương pháp kỹ thuật mới trong y tế muốn được áp dụng cần có sự công nhận của Bộ Y tế hoặc sở y tế. Trong khi đây không phải là phương pháp khoa học an toàn được công nhận”,  ông Quang nói.

Ông Quang nói thêm, việc tuyên truyền những hủ tục, phương pháp phản khoa học trên các phương tiện thông tin đại chúng đều là vi phạm pháp luật, và đều phải bị xử lí theo quy định của pháp luật. “Hết sức lưu ý, kể cả trong trường hợp mẹ tự ý sinh con bằng phương pháp tự nhiên, chúng ta cứ nghĩ đó là quyền của họ, nhưng không phải. Quyền của họ nhưng phải bảo đảm được sức khỏe cho đứa con của mình. Hành vi sinh con bằng phương pháp thuận tự nhiên để con chết có thể bị xử phạt với tội danh vô ý làm chết người do tự tin thái quá hoặc do cẩu thả và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Sáng 15/3, tại cuộc họp báo do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức, ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Chăm sóc bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho biết vẫn chưa xác nhận thông tin hai mẹ con sản phụ tại TPHCM tử vong do sinh con tại nhà. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh phương pháp sinh con này là phản khoa học và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cả con lẫn mẹ.

MỚI - NÓNG