“Tôi rời Bỉ đến Anh vào tuần trước, chỉ một ngày trước khi container chứa 39 thi thể được phát hiện”, một người đàn ông châu Á giấu tên tiết lộ với phóng viên BBC trong cuộc trò chuyện qua Facebook. “Trên xe của tôi có 7 người. Nhưng thùng xe không đông lạnh nên chúng tôi có thể thở bình thường.”
Trước đó, người này rời châu Á đến Nga, sống trong một nhà kho ở đây suốt một tháng, rồi tiếp tục băng rừng đến Đức, và đến Pháp.
“Tôi đến Anh tìm việc”, người này nói. “Nhưng giờ tôi quá sốc và không thể làm gì cả.”
Theo BBC, Pháp vốn được coi là “nút cổ chai” trong mạng lưới của những kẻ buôn lậu người, đồng thời là “bàn đạp” để nhập cư bất hợp pháp đến London.
Cung đường từ Đức, Bỉ, Hà Lan đến Pháp được cho là ít tốn kém hơn nhiều so với cung đường từ Pháp đến Anh.
“Các địa điểm “quá cảnh” được thay đổi liên tục”, bà Nguyen Thi Hiep - một trong những chuyên gia hàng đầu của Pháp về nạn buôn từ người châu Á cho biết. “Đường đi sẽ ngắn hơn nếu họ tìm được một chiếc xe tải đi trực tiếp từ Bỉ hoặc Đức. Như vậy họ sẽ tránh việc phải qua Paris. Tuy nhiên, chỉ có những người cực giàu mới có thể đi theo đường này.”
Thông tin này được bà Hiep đưa ra dựa trên lời khai của một kẻ buôn lậu người châu Á bị bắt ở Pháp hồi năm 2012, rằng tiền “đổ vào túi một ông chủ lớn ở Paris”.
“Họ không chỉ có ở Paris. Họ có ở khắp mọi nơi”, bà Hiep noi. “Nước châu Âu nào cũng có những ông chủ, cả ở Anh. Có rất nhiều người trong số họ ở Paris. Họ thay đổi nơi ở liên tục, nhưng chủ yếu tập trung ở vùng ngoại ô phía Nam.”
Nói về vụ phát hiện thi thể 39 người nhập cư trong container ở hạt Essex (Anh) hôm 23/10, bà Hiep cho biết: “Họ không có đủ tiền để đi theo cung đường đắt nhất. Thay vào đó, họ đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.”
31 người đàn ông và 8 phụ nữ được phát hiện đã chết trong container đông lạnh tại khu công nghiệp Waterglade, hạt Essex, hôm 23/10.
Cảnh sát đã bắt tài xế Mo Robinson cùng 4 người khác với cáo buộc ngộ sát và buôn người. Ngoài ra, hai nghi phạm người Ireland được cho là liên quan đến vụ việc cũng đang bị truy nã.