Đại biểu Nguyễn Thành Tiến, cho rằng thời gian qua công tác thoát nước đô thị thành phố đã tập trung đầu tư với mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, nhiều hệ thống thoát nước đã hoàn thành. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển đô thị, nhiều tuyến chưa phát huy tác dụng nhất là với điều kiện thời tiết cực đoan như đợt mưa vừa qua. Nguyên nhân, do quy hoạch tính toán thoát nước chưa dự báo hết được việc ứng phó thời tiết cực đoan, chưa dự báo sự phát triển đô thị. Quá trình phát triển đã làm giảm số lượng hồ điều tiết trên địa bàn từ 42 hồ xuống còn 30 hồ, tương ứng diện tích hồ còn 200ha, dung tích 3,5 triệu m3. Không thực hiện duy tu, nào vét hồ trong thời gian dài, chưa kiểm soát xả thải nước ngầm lẫn bùn đất ra cống của các công trình thi công gây tắc cục bộ. Chưa có biện pháp xả thải tại các dự án lớn.
Ông Tiến đề nghị: TP cần rà soát quy hoạch tổng thể thoát nước, qua đó nhận diện những khu vực yếu thế, cập nhật tình hình, tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố, đầu tư mở rộng các tuyến cống…. Đối với trung tâm TP cần đầu tư khớp nối, mở rộng hệ thống thoát nước hiện có, mở rộng tiết diện hệ thống cống chính tăng dung tích chứa và thông thoát…. Việc bố trí hệ thống thoát nước sát biển cần tính toán bởi có nhiều nguy cơ và rủi ro cao. Cần nghiên cứu bố trí hệ thống này dọc sông Hàn để dễ dàng ứng phó khi có sự cố về thoát nước…Đối với các khu đô thị mới cần có quy định về hồ điều tiết để thoát nước ở tùng khu dân cư.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết: Bãi biển Đà Nẵng được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất hành tinh nhưng tràn ngập rác. Tại các cống xả rác có rác sinh hoạt và cả vật dụng gia đình đình, từ chăn chiếu mùng mền. Việc xả rác liên quan đến ý thức ngoài dân.
Ông Hùng cho hay, bình quân mỗi ngày thành phố thải ra hơn 200m3 nước thải/ngày/đêm, trong khi đó 4 trạm chỉ xử lý được 150m3. Phía Đông có 1.245 cơ sở sản xuất kinh doanh, nhưng chỉ có 45 cơ sở được cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường , 201 cơ sở có giất phép đấu nối…. Trong khi đó, hệ thống thu gom đầu tư từ năm 2008 chỉ có đường kính từ 250 – 800 lít và 20 cửa xả ra biển .
“Với năng lực xử lý thì chắc chắn sẽ tràn ra biển.. Chỉ cần một cơn mưa thành phố đã thiệt hại rất lớn” ông Hùng nói.
Theo giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng để giải quyết vấn đề rác và ngập úng trước tiên phải bắt đầu từ nhận thức. “Với nhận thức hiện nay, vấn đề giải quyết môi trường chỉ thuộc về cơ quan chức năng mà cụ thể là sở TN&MT hoặc phòng TN&MT quận huyện là chưa đầy đủ. Mọi người dân phải coi đây là nhiệm vụ, đặc biệt hệ thống chính trị vào cuộc” ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, hiện nay, công tác quản lý, dự báo có vấn đề. Nếu có dự báo tốt sẽ sẳn sàng đối phó với những vấn đề đột xuất, cực đoạn, thậm chí thảm họa. Các điểm nóng hiện nay đều xuất phát từ quy hoạch. Do đó, ngoài quy định chung, thành phố cần thiết phải có các quyết định riêng về công tác môi trường, thoát nước.
Ông Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra, thời gian qua hầu như tất cả sự cố liên quan đến môi trường đều do người dân phát hiện báo tin cho Sở TN&MT. Trong khi đó, TP có cả hệ thống chính trị, nhưng không có một tin báo nào ngoài tin báo của người dân đến sở.
Liên quan đến việc ngập úng, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết: đây là vấn đề nóng, không chỉ TP mà cả nước rất quan tâm. Trận mưa lịch sử vừa qua với lượng mưa lớn, kéo dài không cống rãnh đô thị nào chịu nổi.
“Chúng ta đang ở trong vùng mưa lũ và đối diện biến đổi khí hậu. Chúng ta đã dự kiến và dự báo, tính toán chống ngập bằng vay vốn rất lớn để làm công, làm trạm bơm . Tuy nhiên làm chưa đồng bộ. Những chỗ ngập nặng cần máy bơm thì không có. Chỗ có máy bơm thì nước không về” ông Trung cho biết.
Ngoài ra, theo Chủ tịch HĐND TP tình trạng “muôn thủa” là mùa nắng làm thủ tục, mùa mưa đem ra thi công cũng là nguyên nhân gây ngập. Cùng với đó, là việc nạo vét cũng là một vấn đề cần xem lại. “Một năm bố trí 83 tỷ, năm nay lên 85 tỷ cho nạo vét. Cần kiểm tra xem có nạo vét không?” ông Trung đề nghị.
Ông Trung cũng đề nghị cần rà soát quy hoạch hệ thống nước thải và phân kỳ đầu tư. Liên quan đến ngân sách, nguồn vốn, ông Trung cho hay: đã trao đổi với Chủ tịch UBND TP nên chăng thảo luận đợt này để bố trí vốn làm một số điểm bất cập. Cân đối nguồn quỹ dự phòng để ưu tiên đầu tư.
“Đà Nẵng đang trong quá trình phát triển và phát triển nhanh nên còn bất cập mong bà con cử tri chia sẽ” ông Trung nói.