Chủ tịch Quốc hội:

Sẽ có cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX. Ảnh: Nguyễn Thành
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX. Ảnh: Nguyễn Thành
TPO - Sáng ngày 17/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch Quốc hội cho biết: Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn ủng hộ Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết mới sắp ban hành của Bộ Chính trị, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đạt được những mục tiêu trong Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị vừa làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị khóa 9 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thống nhất ban hành Nghị quyết mới về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cho phù hợp điều kiện và tình hình thực tiễn của thành phố.

Qua tổng kết, Bộ Chính trị khẳng định, thời gian qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thành phố Đà Nẵng đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân, khai thác các tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo, tranh thủ các nguồn lực, nỗ lực, quyết tâm trong xây dựng thành phố và đã có những bước phát triển mạnh mẽ....

Sẽ có cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng ảnh 1 Quang cảnh kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX. 

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và biểu dương những nỗ lực cố gắng, những đóng góp quan trọng của các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân thành phố Đà Nẵng...

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 33 đặt ra vẫn chưa thực hiện xong hoặc kết quả thực hiện không như mong đợi, như: xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung, một đô thị có bản sắc riêng, mang tầm vóc quốc tế; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020; vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng... vẫn chưa thực sự nổi bật, còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu.

Để Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới tương xứng với vị thế địa chính trị của mình, với tầm nhìn Đà Nẵng phải trở thành một “thành phố thông minh”, Chủ tịch Quôc hội đề nghị cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành và HĐND thành phố Đà Nẵng cần tập trung vào một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại và thông minh mang tầm quốc tế và có bản sắc, lấy người dân làm trung tâm, trong đó chất lượng cuộc sống của người dân phải đạt ở mức cao; thực hiện rà soát lại quy hoạch và quy hoạch phát triển không gian đô thị theo nguyên tắc phát triển thông minh, bao trùm và bền vững; xây dựng chính quyền đô thị phát triển. Xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng; chú trọng công tác quản lý đô thị, tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi; bảo đảm các tiêu chuẩn đô thị hiện đại. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội.

Đẩy mạnh thực thi các chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là các chính sách xã hội giàu tính nhân văn, như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”,“4 an”, xây dựng thành phố “đáng sống”, hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa của người Đà Nẵng. Phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội; quyết liệt thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với tình hình thực tế thành phố. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường thực hiện cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân vào việc giám sát hoạt động quản lý của các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước, vào việc xây dựng chính sách, củng cố tổ chức bộ máy nhà nước. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, cũng như tạo được sự đồng thuận trong nhân dân...

Nhằm khẩn trương triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, HĐND Đà Nẵng cần bàn sâu và quyết liệt hơn trong đó tập trung vào việc triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Giải quyết có hiệu quả hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo và chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... HĐND thành phố Đà Nẵng cần thường xuyên nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động, phát huy vai trò lãnh đạo, điều hòa hoạt động của Thường trực HĐND thành phố, tăng cường trách nhiệm của mỗi thành viên trong Thường trực; chỉ đạo tăng cường hiệu quả hoạt động của các Ban, các Tổ đại biểu và của mỗi đại biểu HĐND thành phố.

Về một số kiến nghị, đề xuất cụ thể của thành phố Đà Nẵng đối với Trung ương, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn ủng hộ Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết mới sắp ban hành của Bộ Chính trị, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đạt được những mục tiêu trong Nghị quyết.

Đối với những kiến nghị của HĐND thành phố Đà Nẵng, Quốc hội ghi nhận, chia sẻ và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận để có những chính sách phù hợp, cùng với Chính phủ quyết định kịp thời những chính sách hợp lý, đúng đắn, tạo điều kiện để Đà Nẵng phát triển bền vững; thực sự trở thành Thành phố động lực của miền Trung- Tây Nguyên, là Trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, giữ vai trò là đầu tàu, là cực phát triển của đất nước.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.