Hãy để dân tin

TP - Quyết định 12 của UBND TP Hà Nội quy định về việc tiếp công dân, trong đó có nêu “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân", đang gây những phản ứng trái chiều trong dư luận.

Một luồng ý kiến cho rằng, quy định này đã hạn chế quyền giám sát của người dân, thậm chí cần xem xét lại tính hợp hiến, hợp pháp của quy định này bởi đây là một loại quy phạm pháp luật xác định quyền của người dân có điều kiện. Luồng ý kiến khác lại cho rằng, quy định hoàn toàn phù hợp pháp luật, nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm, môi trường làm việc chuyên nghiệp, sự tôn trọng lẫn nhau giữa người dân và đại diện cơ quan công quyền.

Còn theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, quy định nói trên nhằm “chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác”. Trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp dân.

“Sau khi ghi âm, ghi hình xong, hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch”, ông Chung nói. Được biết, tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của T.Ư trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. “Người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận”, ông Chung cho biết.

Tuy nhiên, Luật Tiếp công dân năm 2013 không có bất kỳ quy định nào cấm công dân không được ghi âm, ghi hình hoạt động này. Trong khi đó, Điều 12 của Luật này lại có quy định “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh”.
Trên thực tế, khi cán bộ tiếp dân hoặc người thực thi pháp luật đang làm việc mà người dân cứ dí điện thoại vào sát mặt để vừa quay vừa hỏi, rồi cắt xén hoặc phát trực tiếp trên mạng thì quả là không ổn. Đó là một hành vi rất phản cảm, thiếu tôn trọng người đối diện, nhất là ở chốn công quyền. Có lẽ trên thế giới, nhất là các nước phát triển, không có nơi nào lại chấp nhận điều tương tự ở chốn công quyền. Thậm chí, hành vi quay phim, chụp ảnh ở nơi công cộng, chỗ đông người cũng rất dễ bị người dân phản ứng vì xâm phạm quyền riêng tư của họ.

Thế nhưng, ở chiều ngược lại, cán bộ tiếp dân từ cấp xã phường trở lên cũng rất cần sự tôn trọng và trách nhiệm với người dân ở mức độ cao nhất có thể. Đáng tiếc, không phải bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ cấp chính quyền nào từ địa phương cho tới trung ương, đều đạt được những chuẩn mực nêu trên. Một bộ phận không nhỏ cán bộ chính quyền, nhất là cấp cơ sở, thiếu tôn trọng dân, nhũng nhiễu, hách dịch, thậm chí tham nhũng, lãng phí… khiến người dân mất lòng tin, khiếu kiện nhiều nơi, nhiều cấp không có kết quả là chuyện xảy ra ở không ít nơi.

Để có một môi trường tiếp dân văn minh, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau tại cơ quan công quyền, đòi hỏi thái độ từ cả hai phía chính quyền và người dân. Song, trước hết phải từ mỗi cán bộ tiếp dân các cấp nói riêng và cả đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy nói chung, hãy tiếp dân với tâm thế là công bộc đích thực của dân, với thái độ phục vụ tậm tâm, trách nhiệm và chu đáo nhất có thể.

Cán bộ mà nêu gương sống giản dị, trong sáng, làm việc tận tình vì dân, không vụ lợi, ắt sẽ được dân tin yêu. Khi đó, chuyện người dân muốn quay phim, chụp hình cán bộ khi đang làm nhiệm vụ, đang tiếp dân ắt cũng không còn.

MỚI - NÓNG