54 năm đằng đẵng gian nan cùng bí ẩn?
Năm 2002, đến bãi biển nổi tiếng của Cuba của Trung Mỹ cùng là thế giới. Varadero ở tỉnh Mantanzas. Ngó nghiêng biển trời chán chê nhưng cũng kịp chạm mặt với một bức tường xây cất khá hoành tráng, chắc để trang trí với những hàng chữ dài dặc buông đứng đĩnh đạc trên đó. Nhờ người dịch, đại để nếu Mỹ thấy khó chịu vì Cuba dựng xây dựng xã hội chủ nghĩa trước mũi Mỹ thì Mỹ chuyển đi chỗ khác mà ở.
Ba năm trước cũng được ghé Varadero. Ngó quanh quất cái bức tường ấy, không biết biến đâu mất?
Varadero chỉ cách Myami của Hoa Kỳ hơn trăm cây số đường biển. Hoa Kỳ cũng ối biển. Nhưng không bói đâu là thứ cát trắng mịn nắng vàng chan hòa và những lợi thế giời ban như Varadero. Khác với cảnh vắng teo mười mấy năm trước, Varadero nghìn nghịt đùi với eo lưng du khách. Không chỉ dân bổn địa Cuba mà nhiều quốc tịch khác. Được giới thiệu có không ít dân Hoa Kỳ đến đây. Lại được nói nhỏ thêm, họ sang Cuba du lịch bằng kiểu đi chui. Chui?
Tại sao không! Cầu gần như để không bỏ ngỏ hằng bao năm trong lúc cung thì xôm tụ nóng bỏng hừng hực. Cơ chế thị trường, uyển chuyển và tài thế, dường như để ngỏ ra lắm cái ngách để lọt qua hàng rào cấm vận?
Tháng 9/2011, đi Haiti ghé Cuba một tuần. Chuyến đi gọn nhẹ thông thoáng. Không phải bấn bíu ngặt nghèo thời gian theo đội theo đoàn. Lại có Duy Truyền, thổ công có nhiều năm là dân TTX thường trú ở Cuba (mà cũng lạ, dân từng thường trú của TTX xứ Mỹ Latin bây giờ toàn anh làm to? Nguyễn Đức Lợi. phóng viên TTX tại Argentina, kiêm nhiệm mấy nước, năm 2002 tôi đụng ở Chi Lê nay là Tổng Giám đốc TTX. Còn Duy Truyền chức Phó tổng).
Havana. Tôi theo Duy Truyền vào một cái chợ. Chợ nhưng có cửa hàng lương thực, thực phẩm bán theo chế độ tem phiếu. Nhờ Duy Truyền giúp, tôi được cầm cuốn sổ mua gạo, mỏng thôi, bìa màu xanh khổ nhỏ giở trang ngang của một bà tuổi sồn sồn. Nhờ vẻ hào phóng mến khách của bà mà tôi tạm đôi hồi để đủ đầy cái cảm giác bồi hồi lẫn bâng khuâng thoắt trở về thời bao cấp khốn khó. Bìa của cuốn sổ gạo được bọc giấy bóng kính chứng tỏ chủ nhân đã phải giữ gìn cẩn trọng? Như mất sổ gạo… Thành ngữ hài hước lẫn tức tưởi từng ám một thời người Việt mình.
Thời giá ngày 3/9/2011 như thế này. Gạo sổ tiêu chuẩn 15 kg/tháng giá 28 xu/kg. Đường trắng 15 xu/kg. Đường đỏ 10 xu/kg. Sườn dính nhiều thịt 25 pê xô/kg. Mông đùi cả xương 45 pê xô/kg. Xoài 15 pexo/kg, Ổi 5 pexo/kg … Nhà nước cố gắng đảm bảo những mặt hàng thiết yếu giá cung cấp nên tiền lương bình quân vài chục USD/ người vẫn sống tàm tạm…
Ghé một gia đình quen của Duy Truyền mạn ngoại Havana. Loáng thoáng về cặp vợ chồng nhà ấy, cả hai đẹp như tượng. Hình như thuộc dạng trung lưu? Giờ không nhớ cả hai làm nghề gì? Nhưng vườn tược nhà ấy rộng lắm. Tôi theo họ ra vườn. Thấy ngay cung cách làm vườn không có kinh nghiệm. Làm cho có chứ chẳng theo một cung cách quy củ nào. Những vạt khoai lang nhú lên một cách khó khăn. Vườn chuối cứ như hoang um tùm thế mà khối buồng lúc lỉu. Chuối nhiều nhưng khách mua ít. Thỉnh thoảng mới có tay thương lái nào hứng chí ghé qua. Thứ chả phải chăm sóc nhiều là quả bơ. Giống này mình đã thấy ở Đà Lạt. Nhưng nhà này trồng cũng để ăn chơi vậy thôi.
Cửa hàng rau quả ở Havana
Thoáng nhớ đến dịp may năm 2002 được ghé qua tư gia một nhân vật khác, trong câu chuyện thân thiết giữa chủ và khách, ông chủ ấy dám gọi Fidel bằng… thằng. Người ấy là anh ruột Fidel, Ramon Castro. Là kỹ sư nông học, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba, năm xa ấy từng dẫn đàn bò sữa từ Havana sang tận nông trường Mộc Châu. Người đã nhận từ tay Thủ tướng Phạm Văn Đồng hai cây bưởi chiết ở vườn quả Bác Hồ rồi nhân thành công đại trà giống bưởi Hồ Chí Minh ở Cuba. Tôi để ý trong khoảng tạm gọi là thênh thang tư gia của nhà ông anh ruột Fidel, ông nuôi gà, trồng rau, cây ăn trái. Mùa nào thức nấy. Sản vật trong Vườn- chuồng (không có ao thì phải) toát lên hơi hướng chuyên nghiệp của người làm vườn, một kỹ sư nông học và gì nữa, như một thứ chơi chơi của thứ tự túc tự cấp?
Trên tường phòng khách đôi vợ chồng trẻ, những tấm ảnh đen trắng giăng giăng. Thứ ảnh chụp vài chục năm trước đẹp và bền bởi kỹ thuật vỗ ngâm theo một quy trình ngặt nghèo chứ không dối ẩu. Khuôn hình đầy đặn của những bà những cô quý phái. Những ông với bộ râu xén tỉa kiểu cách… Như đang tố một thời đủ đầy sung mãn của một dòng tộc, một gia cảnh khác? Thì ra các quý ông quý bà tươi tắn trên tường kia bây giờ ngoài số đã mất, họ đang định cư ở nước ngoài, ở Hoa Kỳ. Thi thoảng hay đều đặn cũng chưa kịp hỏi, hai vợ chồng nhà này nhận được ngoại tệ gửi về. Thấy khách loay hoay với cái computer đời cũ, nghe khoe mới sắm mà tôi toát mồ hôi vẫn không sao nối mạng được, anh chồng cười hê hê cho biết mạng miếc ở đây phập phù lắm chỉ để gõ văn bản thôi! Ngó 2 vợ chồng ôm nhau ngẫu hứng một điệu nhảy lúc tiễn khách, thấy kiểu làm chơi ăn thật nhà này sao nhang nhác gia cảnh của không ít người xứ mình sống bằng tiền gửi của thân nhân ở xứ người thời nọ lúc kia? Dường như những tất tả khốn khó thời bao cấp bị chặn và chỉ lảng vảng tít xa ngoài đường kia?
Trên đường về lại rẽ qua một trại bò. Không phải quốc doanh mà tư nhân. Cũng có nghe chính sách mới thông thoáng của nhà nước khuyến khích tư nhân làm ăn. Đầu tư cỡ một trại bò gần 2 chục con bò sữa thế này phải là cỡ cũng có máu mặt? Thiên thời, chính sách mới cởi mở giải phóng sức sản xuất đã có. Địa lợi như cánh đồng cỏ tít tắp kế bên trang trại kia. Giống bò nghe nói cũng thứ thuần chủng. Có lẽ nhân hòa còn chi đó trục trặc bởi trong câu chuyện loáng thoáng đầu ra là sữa hẵng còn đang phập phù lúc bán được lúc phải lưu trong bồn. Mà điều hãi nhất là tình trạng điện phập phù. Mà mất điện thì sản phẩm chính của trang trại coi như đứt!
4 giờ sáng đã bừng tỉnh bởi một lịch trình bán âm bán dương là đi coi cái chợ đồng tính lớn nhất Havana. Chợ ấy gần đây mới có. Bởi Fidel đã cấm tiệt, cấm riết nhiều năm. Đùng cái, dưới trào ông em Raul, khởi đầu cho sự cởi mở của việc nhạy cảm ấy là cho phép một đám cưới đồng tính. Rồi nối theo nhiều đám cưới khác nữa. Và cái chợ đồng tính cũng khôi phục hay hình thành chả biết? Đứng ê chân vẫy đủ kiểu mà chả có cái xe nào dừng. Taxi Havana vốn là của hiếm. Một cái xe nửa tải nửa xe con phanh đánh két. Mừng quá. Anh tài lại mặn chuyện với Duy Truyền. Thì ra anh tranh thủ rinh cái xe nhà những là cải tiến cùng chắp vá này để kiếm thêm. Và ngạc nhiên chưa, sau câu hỏi hai chúng tôi có phải là người Việt không anh tài thôi miên chúng tôi bằng câu chuyện cảm động. Bố anh những năm xa là công nhân xây dựng đường Sơn Tây và Bệnh viện Cuba - Đồng Hới, Quảng Bình. Anh dừng xe lật ví trưng ra cái ảnh ông già chụp năm 1974 ở Đồng Hới. Bố anh mất bệnh hai năm nay. Nhà còn mỗi mẹ già ở với vợ anh và 2 đứa con nhỏ nên cũng túng…
Chợ đồng tính họp bên một gờ bê tông chắn sóng trông ra Thái Bình Dương. Hàng trăm các anh độ tuổi 20 đến 50 đến đây để có cơ hội chỉnh lại vài ba cái lệch lạc của Tạo Hóa. Phần đông là khách du lịch nước ngoài. Ăn đời ở kiếp thì chả dám, nhưng rất nhiều người sau khi ưng thuận cặp đôi đã bỏ cái chợ này mà tìm nơi náu.
Họ đi về đâu? Chả biết. Một anh cháu là lưu học sinh bên này sau chầu rum đã cởi mở thế này. Có cô bạn gái thân. Lần ấy tâm sự lại có rượu vào cô gái bốc lửa này chủ động kéo anh cháu đi. Khách sạn? anh cháu băn khoăn, dùng dằng. Không nhà thuê. Cô dứt khoát. Loanh quanh một hồi, quá nửa đêm, họ gõ cửa một căn hộ chung cư hai phòng. Lũ trẻ ba đứa, mắt nhắm mắt mở theo lệnh của ông bố lục tục sơ tán sang phòng bố mẹ chúng ngủ tạm để nhường chỗ khách. Chứng kiến cảnh đó anh cháu mất hứng đùng đùng kéo người yêu biến thẳng không quên dúi mấy trăm peso cho ông chủ khốn khổ nọ. Các cặp tình nhân mỏng tiền kiếm được chỗ nương thân ở Havana không dễ…
Truyền thông nước ngoài rộ lên những thông tin đại loại, khi bỏ cấm vận mỗi năm Cuba nhận được khoảng 17 tỷ USD FDI của nước ngoài. Mà trong đó Hoa Kỳ đã hơn 2 tỷ. Điều đó phải thôi cho một vận nước của một quốc gia qua cơn bĩ đến hồi thái lai. Ba năm trước, nếu như công cuộc đổi mới mới chỉ là vỡ vạc khơi mào thậm chí chập chờn thì việc bỏ cấm vận và khai thông dòng đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ là cú hích quyết định để những điều mắt thấy tai nghe, như một thứ nội lực và tiềm năng của Cuba khởi sắc?
Ngày hôm qua sẽ chỉ còn là bâng khuâng của kỷ niệm? Cuba đang đổi thay. Nói với dân Mỹ cùng sự kiện bỏ cấm vận với Cuba, Tổng thống Obama như nhắn nhủ một thông điệp mới.
Thay đổi thì khó khăn - đặc biệt là khi chúng ta phải mang gánh nặng lịch sử trên vai. Đất nước đang trút gánh nặng này để đạt được một tương lai tốt đẹp hơn.
Tôi nối vào dòng du khách không phải đợi mua xì gà, thứ đặc sản của Cuba mà có lẽ nhiều người Hoa Kỳ vẫn hút. Nhưng bữa ấy ở một ngách Havana, tôi cũng như dân Châu Âu, sau một hồi xếp hàng được thỏa sức ngắm ngó các công đoạn made in xì gà Cuba danh tiếng. Có 2 công đoạn máy và thủ công. Từng nghe thứ xì gà ngon nhứt là được vê được lăn trên cặp giò non của các cô gái đồng trinh, nhưng tận thấy nơi đây có lẽ đó chỉ là huyền thoại để xì gà Cuba thêm vẻ bí ẩn? Chính sách cấm vận chỉ tăng thêm độ tò mò về sản phẩm về thương hiệu xì gà bởi người dân Hoa Kỳ đâu có được thỏa sức được tự do đến Cuba mặc dù chỉ cách đây vài chục phút đường không?