Hàng xóm màu gì?

Một tấm biển vận động bầu cử cho đảng Open VLD dựng bên hàng rào hàng xóm. ảnh: KBH
Một tấm biển vận động bầu cử cho đảng Open VLD dựng bên hàng rào hàng xóm. ảnh: KBH
TP - Tôi không mấy quan tâm chuyện bầu cử bên này cho đến khi những tấm ảnh chân dung trên nền màu sắc đảng phái, khẩu hiệu hô hào bắt đầu giăng lên bên bờ giậu nhà hàng xóm.

Chỉ riêng Flanders- vùng nói tiếng Hà Lan (khoảng 6-7 triệu dân) thuộc Bỉ đã có đến 8 đảng. Sống ở đây phải học cách không nhòm ngó hàng xóm, nhưng khi lác đác vài nhà cho cắm biển vận động bầu cử, chồng tôi hài hước “Nhìn xem quan điểm của họ thế nào, có ưa mình hay không?”.

Phân biệt đảng phái theo sắc màu là cách khiến tôi cảm thấy dễ vào đầu nhất. Thế này, màu cam nhạt là đảng N-VA (đảng lớn nhất, thuộc cánh hữu) chủ trương Liên minh mới của người Flanders do Bart De Wever đứng đầu. Màu xanh dương - đảng Open VLD do anh chàng đẹp trai Alexander De Croo ngồi ghế nóng, quan điểm Dân chủ và Độc lập cho Flanders, tư tưởng thông thoáng kiểu “American style” - ủng hộ người nhập cư vì có lợi cho phát triển kinh tế. Ba năm trước, nhìn mặt anh này lấp ló ở bờ rào và ruộng ngô (hình tranh cử đặt khắp nơi), tôi chọn ngay, lúc đó chưa biết anh thuộc đảng nào, rõ thoáng.

Hàng xóm màu gì? ảnh 1

Một tấm biển vận động bầu cử cho đảng Open VLD dựng bên hàng rào hàng xóm. ảnh: KBH

Nhưng đảng của Croo chỉ xếp thứ năm về tầm mức lớn lao chính trị trong xã hội Flanders. Màu cam đậm, dấu hiệu cực hữu đây rồi, tên đảng là Vlaams Belang (người Vlaams- cách gọi khác của Flanders, là quan trọng nhất!) do Bruno Valkenies đứng mũi chịu sào, thẳng thắn “no immigration”, dịch đỡ căng đi một chút “hạn chế hội nhập, không ưa dân nhập cư”. Kim chỉ nam hành động của Vlaams Belang “chính là vì, và chỉ vì quyền lợi của người Flanders”. Cẩn thận, đảng này đứng vị trí thứ ba! Chuẩn bị cho mùa bầu cử cấp trung ương tháng 5 tới đây, đảng này vừa gây tranh cãi bởi khẩu hiệu “Nhập cư bất hợp pháp? Về nước hoặc vào tù. Nếu muốn quay về, hãy gọi số...”. Sắc độ cam nhạt khác, lại cánh hữu, do đảng mạnh thứ nhì chiếm lĩnh- CD&V, thuộc phe Dân chủ Cơ đốc giáo.

Có đảng nào màu đỏ không? Có chứ, lớn thứ tư hẳn hoi - SP.A. Cương lĩnh của SP.A - Con đường vì tiến bộ xã hội, cánh tả, ôn hòa.

Đến đây bạn đọc đã hiểu tại sao chồng tôi bảo hãy quan sát hàng xóm màu gì. Dọc phố nhà tôi, không có hàng xóm màu cam đậm, màu của cực hữu Vlaams Belang. Ông hàng xóm chếch phía trái, gốc Mỹ, cũng nhập cư như tôi, cho đảng Open VLD cắm biển trên đất nhà mình. Đời nào ông ủng hộ Vlaams Belang. Hàng xóm xa xa chếch bên phải treo biển màu cam, may quá nhạt hơn, ông là thành viên của đảng CD&V.

Khi tôi kể với bạn bè ở Việt Nam về màu sắc đảng phái bên này, họ hỏi ngay “Có màn khác màu thì ném gạch không? Nếu không thì hơi chán, thiếu tính ganh đua khoe sắc tỏa hương”. Không ném gạch mới kém... văn minh chứ. Nhưng cách tranh cử cũng lung linh cầu vồng lắm, ví dụ Bart De Wever- chủ tịch đảng N-VA hai năm trước khiến cử tri bất ngờ vì sự thay đổi ngoại hình chóng mặt: phẫu thuật thu hẹp dạ dày, ăn kiêng, tập thể dục... Kết quả trọng lượng khoảng 130kg xuống còn khoảng 70kg. Chắc Bart muốn nhắn nhủ- Hãy nhìn tôi nỗ lực thay đổi để bầu cho tôi! Có phải ai cũng làm được thế đâu. Cuộc bầu cử năm ấy đảng của Bart thắng áp đảo.

Nhìn ra những người Việt ở Bỉ mà tôi quen biết, chuyện chọn ai, đảng nào cũng vui ngấm vui ngầm. Con lợn có béo thì lòng mới ngon. Mỹ miều hơn thì trông mặt mà bắt hình dong. Thấy vợ Việt lóng ngóng ở mùa bầu cử đầu tiên được quyền đi bỏ phiếu, chồng bạn tôi khuyên “Cứ tay nào mặt mũi tử tế thì bầu”. Thuý kinh nghiệm hơn vì đã sống ở Bỉ 10 năm “Mình nhớ mặt mũi bà đó, ông đó tử tế, nhưng phải học thuộc tên, vào phòng bỏ phiếu kín như phòng thay đồ thì chỉ còn danh sách ứng viên, không có ảnh minh họa đâu mà nhìn mặt”.

Tôi từng mạnh dạn hỏi vợ chồng Thành định cư ở đây đã hơn 30 năm “Các bạn bầu cho ai?”. “Ông Tobback” “Ông ấy theo đảng nào?” “Cần gì phải biết ông ấy theo đảng nào, thấy hiền lành, tử tế và thân thiện nên bầu thôi”. Tôi về nhà tra tên ông này, đã ra, ông Louis Tobback là người của SP.A, đảng Xã hội, màu đỏ. “Ông ấy là thị trưởng thành phố Leuven, hay ngồi uống cà phê ở quán đó, rất dễ gặp, dễ bắt chuyện”, “Ông ấy còn đứng giữ cửa cho bọn trẻ nhà em vào hẳn trong quán rồi mới bước ra”... Người Việt thường kháo nhau thế.

Nhưng đừng thấy người Việt ở đây tương đối cởi mở về chuyện bầu cho ai mà lân la hỏi người bản xứ. Tôi từng hỏi mẹ chồng, bà đưa ngón tay lên miệng “Suỵt. Đây là quan điểm cá nhân”. Còn thầy giáo của tôi ở khoá học về hoà nhập xã hội Bỉ thì dặn “Khi đi khám bác sĩ, gặp luật sư phải để ý hóa đơn của họ màu gì nhé”.

MỚI - NÓNG