Hàng tồn kho tăng mạnh, doanh nghiệp bất động sản 'ngồi trên lửa'

Hàng tồn kho tăng mạnh, doanh nghiệp bất động sản 'ngồi trên lửa'
TPO - Hàng tồn kho bất động sản đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế, khiến các công ty gặp áp lực trong việc trả nợ và lãi vay.

Ngày 29/3, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thống kê về thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay cho thấy, doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, hàng tồn rất lớn.

Cụ thể, TPHCM đang có gần 15.000 doanh nghiệp bất động sản. Qua khảo sát các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, hầu hết đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Đáng lo là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng. Trong đó, có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng, 4 Tập đoàn bất động sản có giá trị hàng tồn kho từ 4.200-7.397 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng có hàng tồn kho rất lớn. 

Hàng tồn kho tăng mạnh, doanh nghiệp bất động sản 'ngồi trên lửa' ảnh 1 Doanh nghiệp bất động sản đang chịu gánh nặng chi phí lãi vay ngân hàng vì hàng tồn kho tăng mạnh.

“Hàng tồn kho bất động sản tăng đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Với hàng tồn kho do vướng mắc pháp lý, dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm thì doanh nghiệp chỉ chịu gánh nặng chi phí lãi vay ngân hàng. Còn với hàng tồn kho thành phẩm, hàng không bán được doanh nghiệp có thể phá sản”, ông Châu nói.

Tương tự, báo cáo về thị thường bất động sản của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng chỉ ra, tính đến cuối năm 2019, tổng lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng 38% so với cùng kỳ. Trong đó có tới 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho của 2 doanh nghiệp có hàng tồn kho cao nhất là Tập đoàn Vingroup (VIC) và Tập đoàn Novaland (NVL) đã chiếm tới 63% giá trị tồn kho của ngành. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác có giá trị tồn kho lớn như Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR-7.397 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH-7.022 tỷ đồng), Tập đoàn Đất Xanh (DXG-6.791 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG-4.205 tỷ đồng).

Báo cáo của KBSV cũng cảnh báo, với đặc thù của việc đầu tư và kinh doanh bất động sản đòi hỏi lượng vốn lớn, các doanh nghiệp cần sử dụng đòn bẩy để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng dự án. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản là 0,55 lần.

Tính đến cuối năm 2019, nhóm có hệ số nợ vay cao nhất là Tập đoàn Hà Đô (HDG) với hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu cao nhất là 1,8 lần, tiếp theo là Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (VPI-1,6 lần) và Tập đoàn Novaland (1,4 lần). Đáng lưu ý, Văn Phú Invest và Novaland có tỷ trọng hàng tồn kho/tổng tài sản khá cao, tỷ lệ người mua đặt cọc thấp khiến các doanh nghiệp gặp áp lực trong việc trả nợ và lãi vay.

“Để giúp doanh nghiệp bất động sản, HoREA kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất vay vốn… giúp doanh nghiệp bất động sản sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại”, ông Châu nói.
MỚI - NÓNG