Việc xả thải của nhà máy Bột - Giấy VNT19:

Hàng loạt câu hỏi về môi trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi không chấp thuận cho Nhà máy Bột - Giấy VNT19 ở Khu kinh tế Dung Quất đặt đường ống xả thải ra vịnh Việt Thanh (thuộc thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn). Họ cho rằng việc xả thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển và làm mất ngư trường truyền thống của dân địa phương.

Không phải đến bây giờ mà từ 6 năm trước, trong quá trình bắt đầu triển khai xây dựng Nhà máy Bột - Giấy VNT19, người dân và chính quyền địa phương của tỉnh đã bày tỏ lo ngại, phản ứng về vấn đề môi trường, đặc biệt là việc xây dựng và xử lý nước thải của dự án này.

Hàng loạt câu hỏi về môi trường ảnh 1

Nhà máy Bột - Giấy VNT19. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Cụ thể, tháng 5/2017, khi có thông tin về việc dự án nhà máy này sẽ đặt ống dẫn nước thải để xả ra vịnh biển Việt Thanh, không chỉ người dân mà chính quyền nơi đây đã phản ứng quyết liệt về việc này.

Nỗi lo sinh kế

Theo các bậc cao niên ở xã Bình Trị, vịnh Việt Thanh không chỉ là một thắng cảnh đẹp của Quảng Ngãi được thiên nhiên ban tặng với những ngọn núi bao quanh nên được gọi là vũng, vịnh cùng vô số rạn đá ngầm tạo nên vẻ đẹp quyến rũ mà còn là ngư trường mưu sinh ven bờ của khoảng 300 hộ dân với 918 nhân khẩu ở xã Bình Trị.

Thời gian qua, người dân địa phương hết sức lo lắng vẻ đẹp của vùng biển này đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Chỉ là một vịnh nhỏ với bờ biển chưa đầy 5km nhưng phải “gánh chịu” đường ống xả thải của các nhà máy có công suất lớn ở Khu kinh tế Dung Quất. Khi hay tin Nhà máy Bột - Giấy VNT19 đặt ống xả thải trực tiếp ra vịnh, người dân ở các xã Bình Trị, Bình Hải… kiên quyết không chấp thuận.

Dù chủ đầu tư khẳng định việc xả nước thải ra vịnh Việt Thanh đảm bảo an toàn, nhưng người dân vẫn lo ảnh hưởng đến môi trường và sinh kế.

“Chủ đầu tư khẳng định nguồn nước xả thải ra môi trường sẽ không gây độc hại, nhưng người dân chúng tôi không bao giờ tin, làm gì có chuyện nước thải mà không độc hại bao giờ”, bà Lê Thị Mình (trú thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị) nói.

Bà đặt câu hỏi: “Tại sao nhà máy thì đặt tại xã Bình Phước (huyện Bình Sơn) nhưng đường ống xả thải lại dự kiến xả thải ra vịnh Việt Thanh của xã Bình Trị? Chúng tôi không đồng tình, không việc gì mà người dân phải gánh chịu cả”.

Vừa đưa thúng cập bờ sau một đêm đánh bắt hải sản ở vịnh Việt Thanh, ông Tiêu Bàng (60 tuổi, trú thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị) cho rằng, cả nước từng xảy ra nhiều vụ ô nhiễm môi trường biển, nên nguy cơ vịnh Việt Thanh sẽ trở thành vùng “biển chết” là rất rõ, nếu để nhà máy giấy đặt ống xả thải ra khu vực này.

“Người dân chúng tôi rất lo lắng, bởi đây là vịnh nhỏ, bờ biển hẹp, không thích hợp cho việc xả thải của các nhà máy lớn, nước thải từ nhà máy là độc hại, do vậy không ai biết nước thải khi hòa vào biển có sạch hay không và nếu có sự cố gì thì ngư dân là người chịu tác động đầu tiên”, ông Bàng nói.

Hàng loạt câu hỏi về môi trường ảnh 2

Bà Lê Thị Mình lo lắng khi hay tin Nhà máy Bột - Giấy VNT19 đặt ống xả thải ra vịnh Việt Thanh. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị, cho biết, ngư dân ở thôn Lệ Thủy cho rằng, hiện đã có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất xả thải vào nguồn nước biển tại khu vực này, nếu có thêm đường ống xả thải của nhà máy Bột - Giấy VNT19 sẽ làm mất ngư trường của người dân, vì chưa đầy 1km đã có 2 vị trí xả thải.

“Ngày trước, nhân dân chấp thuận xả thải của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vì đây là công trình trọng điểm quốc gia, còn nếu giờ cho thêm nhà máy bột giấy này xả thải nữa thì phải di dời dân”, ông Xuân nói thêm.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng, người dân đang có nhiều lo lắng về việc đặt đường ống xả của Nhà máy Bột - Giấy VNT19, lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm nhưng do nhà máy chưa đi vào hoạt động, nếu chỉ vì sợ ảnh hưởng môi trường biển không cho làm thì vô tình gây khó khăn cho họ.

“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, nếu ảnh hưởng đến môi trường thì dứt khoát phải đóng cửa nhà máy, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm”, ông Minh nói.

Các Bộ nói gì?

Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi đã nhận văn bản tham gia ý kiến của 4 Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, TN&MT, về đề nghị giao khu vực biển tại xã Bình Trị (huyện Bình Sơn), để xây dựng tuyến ống xả thải sau khi xử lý của dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19. Bộ Quốc phòng cho biết, vị trí khu vực biển đề nghị giao không ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị quân đội, vì vậy thống nhất với hồ sơ đề nghị.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Quốc phòng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định hiện hành của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm kết hợp tốt giữa phát triển KT-XH với quốc phòng, an ninh và an toàn hàng hải; không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh…

Cùng một số nội dung liên quan khác, Bộ TN&MT cho biết, việc giao khu vực biển cho Công ty Bột - Giấy VNT19 (không có vốn đầu tư nước ngoài) thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra trên hệ thống phần mềm hỗ trợ giao khu vực biển cho thấy, diện tích đề nghị giao không khớp với sơ đồ khu vực biển đề nghị giao. Vì vậy, trước khi quyết định (giao khu vực biển cho Công ty Bột - Giấy VNT19), UBND tỉnh Quảng Ngãi cần xem xét, chỉ đạo rà soát, chỉnh lý sơ đồ khu vực biển đề nghị giao, cho phù hợp.

Bộ TN&MT cũng chỉ rõ, lượng nước thải của dự án là 73.000m3/ngày đêm, phù hợp với Quyết định số 2270/QĐ-BTNMT, ngày 7/9/2015 của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Tuy nhiên, quyết định trước đó của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (số 279/QĐ-BQL, ngày 6/9/2016) lại phê duyệt quy mô công suất là 76.000m3/ngày đêm (tăng thêm 3.000m3/ngày đêm) so với nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và chủ đầu tư, xem xét, rà soát, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời yêu cầu thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật liên quan (Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…), nhằm bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động, hệ thống công trình quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Ngoài ra, yêu cầu việc giao khu vực biển để xây dựng tuyến ống xả thải sau khi xử lý, dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 không làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản; ảnh hưởng đi lại của tàu thuyền và quyền tiếp cận của người dân với biển; không để phát sinh khiếu kiện phức tạp và chịu trách nhiệm về các quyết định được ban hành.

Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 được khởi công năm 2015 tại xã Bình Phước (huyện Bình Sơn). Qua 3 lần điều chỉnh, hiện dự án được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối quý IV năm 2024. Tuy nhiên hiện nhà máy bí đường xả thải vì người dân không chấp nhận.

MỚI - NÓNG