Hàng chục hồ, đập thủy lợi ở Lâm Đồng bị xâm hại giữa cao điểm mùa khô

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tình trạng xây dựng công trình nhà cửa, quán cà phê và sản xuất nông nghiệp trong hành lang bảo vệ hồ thủy lợi; xâm phạm công trình đập và kênh dẫn nước... vẫn diễn biến phức tạp ở Lâm Đồng.
Hàng chục hồ, đập thủy lợi ở Lâm Đồng bị xâm hại giữa cao điểm mùa khô ảnh 1

Giải tỏa công trình lấn chiếm hồ thủy lợi

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 24 hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi bị người dân và tổ chức lấn chiếm với nhiều hình thức nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Tình trạng vi phạm nổi cộm nhất tại huyện Đức Trọng với 8 hồ, kế đến là huyện Lâm Hà 4 hồ, huyện Bảo Lâm 3 hồ, huyện Di Linh và TP Bảo Lộc cùng có 2 hồ.

Phổ biến nhất là nạn xây dựng công trình nhà cửa, mở quán cà phê, sản xuất nông nghiệp trong hành lang bảo vệ hồ. Một số trường hợp khác xâm phạm công trình mặt đập chứa nước hoặc kênh dẫn nước. Diện tích đất hoặc mặt nước bị xâm chiếm từ vài chục đến hàng ngàn mét vuông mỗi vụ.

Các vụ việc nổi cộm với diện tích vi phạm lớn nhất xảy ra tại hồ thủy lợi Próh (huyện Đơn Dương), hồ chứa nước Ka La (Di Linh), hồ Nam Phương 1 (TP Bảo Lộc)…

Được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1986, Próh là hồ chứa nước lớn, dung tích hơn 3,2 triệu mét khối, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 515ha lúa và rau màu, kết hợp nuôi cá, cải tạo môi trường và tạo điểm sinh hoạt văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương. Nhiều năm qua, hồ thủy lợi này lại bị nhiều người lấn chiếm khiến lòng hồ ngày càng hẹp lại.

Hàng chục hồ, đập thủy lợi ở Lâm Đồng bị xâm hại giữa cao điểm mùa khô ảnh 2

Hành lang an toàn hồ thủy lợi Próh bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp

Vào năm 2017, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng đã cắm 69 mốc (gồm 11 mốc bảo vệ đập và 58 mốc phạm vi lòng hồ), đồng thời bàn giao bản đồ ranh giới vị trí cắm mốc cho Phòng NN&PTNT, Phòng TN&MT huyện Đơn Dương cùng UBND xã Próh quản lý. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 1/3 số mốc tồn tại ngoài thực địa.

Cơ quan chức năng còn phát hiện hàng chục tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính liên quan đến hành lang bảo vệ lòng hồ thủy lợi Próh.

Đáng lưu ý, hầu hết những vụ xâm chiếm các hồ thủy lợi nói trên đều được cơ quan chức năng địa phương phát hiện nhưng chưa xử lý dứt điểm, làm ảnh hưởng lớn đến công năng của hồ. Việc giảm diện tích công trình thủy lợi khiến nhiều cánh đồng, vườn tược khô khát nước, đặc biệt vào cao điểm mùa khô hạn.

Trước tình trạng các vụ lấn chiếm hồ thủy lợi diễn biến ngày càng phức tạp, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương tổ chức xử lý các vi phạm, đồng thời chủ động triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ công trình thủy lợi đối với những khu vực chưa thực hiện.

Cũng theo cơ quan chức năng, mùa khô năm nay, Lâm Đồng cần hơn 172 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán cho cây trồng; trong đó, 51,7 tỷ đồng nhằm nạo vét, khơi thông cửa cống, dòng chảy công trình thủy lợi; số còn lại dùng để phòng chống, khắc phục hậu quả của hạn hán, thiếu nước,…

MỚI - NÓNG