Khánh Hòa:

Hồ thủy lợi Am Chúa bị xâm hại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khu vực hành lang bảo vệ hồ thủy lợi Am Chúa (xã Diên Ðiền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đang bị người dân tự ý xâm lấn, xây nhiều khu nghỉ dưỡng trái phép.
Hồ thủy lợi Am Chúa bị xâm hại ảnh 1
Nhiều chòi nghỉ dưỡng được xây dựng trái phép trên đất của ông Trần Văn Phương. Ảnh: LỮ HỒ

Điều đáng nói, Sở TN&MT Khánh Hoà đã cấp “sổ đỏ” cho người dân với diện tích 46ha chồng lấn khu vực bảo vệ hồ thủy lợi Am Chúa.

Thời gian qua, có một số hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đưa các phương tiện cơ giới vào vùng lõi của lòng hồ thủy lợi Am Chúa để san ủi đất, xây dựng các công trình trái phép trong phạm vi hành lang an toàn bảo vệ lòng hồ. Toàn bộ khu vực này là đất rừng sản xuất, nhưng đã bị người dân san ủi và xây dựng các công trình kiên cố.

Đi sâu vào bên trong khu vực hồ Am Chúa là các thửa đất của ông Nguyễn Phúc Cang (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) với tổng diện tích hơn 44.000m2. Hiện trạng đang là đất rừng sản xuất nhưng ông Cang đã thuê các phương tiện rầm rộ thi công từ năm 2021 đến nay với các hạng mục như: 1 nhà tiền chế, dựng kè đá núi tảng lớn, hồ nuôi cá… Tiếp đó là thửa đất của bà Nguyễn Thị Thanh Phương cũng đã xây dựng 2 nhà tiền chế, hệ thống ròng rọc bằng sắt. Công trình không chỉ “mọc” trên đất rừng sản xuất, các khu vực đất chúng tôi tiếp cận bị máy múc, máy ủi đào bới nham nhở, làm biến dạng địa hình để mở đường và thi công các hạng mục trái phép.

Theo hồ sơ, vào năm 2020, Sở TN&MT Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho 4 cá nhân tại xã Diên Điền, huyện Diên Khánh với tổng diện tích khoảng 46ha đất chồng lấn vào phạm vi bảo vệ công trình hồ thủy lợi Am Chúa. Trường hợp ông Trần Văn Phương được Sở TN&MT Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với thửa đất số 280, tờ bản đồ số 17 loại đất rừng sản xuất diện tích 18.000 m2. Còn trường hợp ông Nguyễn Phúc Cang được Sở TN&MT Khánh Hòa cấp 4 sổ đỏ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tổng diện tích khoảng 53.000m2 tại thửa đất số 281, 282, 283, 284 thuộc tờ bản đồ số 17, loại đất rừng sản xuất.

Tương tự, ông Lê Đức Anh (ở phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang) có thửa đất số 669, tờ bản đồ số 17 loại đất rừng sản xuất diện tích đất 10.543m2. Hiện, ông Anh đã đổ đá núi, đào rãnh thoát nước tại khu vực phụ cận hạ lưu đập hồ Am Chúa. Trường hợp ông Trương Phú Lâm được cấp “sổ đỏ” tại thửa đất 1055 thuộc tờ bản đồ số 17 loại đất rừng sản xuất với diện tích hơn 4.100 m2 cũng xây dựng vi phạm quy định. Toàn bộ những cá nhân nói trên sau khi được Sở TN&MT Khánh Hòa cấp sổ đỏ đối với diện tích đất rừng sản xuất đã tự ý cải tạo, xây dựng nhiều hạng mục không phép theo hướng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái.

Chần chừ khắc phục hậu quả

Tất cả các trường hợp nêu trên đã bị xử phạt về hành vi chuyển đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp, nhưng việc khắc phục hậu quả chưa được thực hiện triệt để. Ngày 10/3, Sở NN&PTNT Khánh Hòa đã chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra thực địa khu vực có hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Am Chúa. Tại buổi làm việc, đại diện Sở NN&PTNT Khánh Hoà ghi nhận việc xử lý khôi phục hiện trạng phạm vi hồ chứa chưa được thực hiện xong. Vì vậy, sở này yêu cầu các đơn vị liên quan xác định diện tích, phạm vi, các hoạt động vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình hồ thủy lợi Am Chúa trên thực địa.

Ông Phan Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Diên Điền, cho biết: Các công trình lấn chiếm nằm trong phạm vi bảo vệ lòng hồ Am Chúa vẫn chưa thể trả lại hiện trạng ban đầu. Theo ông Thuần, trước mắt chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân tự khắc phục, tháo dỡ. Nếu người dân không tự tháo dỡ, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch cưỡng chế sau này.

Liên quan đến nội dung cấp chồng lấn hơn 46ha đất trong phạm vi bảo vệ lòng hồ Am Chúa, ông Thuần nói rằng, đất của người dân vốn đã được cấp sổ đỏ từ trước khi tỉnh Khánh Hòa cắm mốc bảo vệ lòng hồ.

MỚI - NÓNG