Theo các chuyên gia Mỹ, dù hải quân Nga có thể không nhất thiết phải gây ra mối đe dọa "nước sâu" hoặc "nước xanh" (tức là hải quân có khả năng chiến đấu viễn chinh) đối với Hải quân Mỹ về hỏa lực mặt nước, các khu vực ven biển có thể dễ bị tổn thương hơn do hải quân Nga vận hành một số lượng lớn các tàu tuần tra và các tàu hộ tống tương tự như các tàu tác chiến ven biển của Mỹ. Những loại tàu này có thể đe dọa các cảng, tiến hành các cuộc tấn công bằng thuyền nhỏ và khai hỏa các loại vũ khí ở tầm gần. Chúng cũng có thể dễ dàng làm gián đoạn hoặc đe dọa vận tải biển thương mại hơn các loại tàu lớn của Mỹ.
Theo National Interest, Hải quân Nga đơn giản là không thể cạnh tranh với Mỹ khi nói đến các tàu khu trục, tàu sân bay hoặc các loại tàu chiến vũ trang hạng nặng khác. Nga được biết là chỉ vận hành một tàu sân bay và có số tàu khu trục chỉ bằng một phần nhỏ so với Hải quân Mỹ. Theo đánh giá của Globalfirepower, năm 2021, Mỹ vận hành 92 tàu khu trục, so với 15 tàu khu trục của Nga. Ngược lại, Nga vận hành 85 tàu hộ tống và Mỹ được liệt kê là chỉ có 21 tàu. Đây là một sự khác biệt lớn, và đây có thể là một phần lý do Hải quân Mỹ hướng tới xây dựng một hạm đội tàu tác chiến ven bờ lớn.
Có vẻ như Nga không có ý đồ hiện đại hóa quy mô lớn hạm đội tàu chiến hạng nặng. Ví dụ, không giống như tàu khu trục tàng hình mới của Trung Quốc, Nga dường như không có tàng khu trục tàng hình kiểu Zumwalt, hoặc thậm chí các tàu khu trục tương đương lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ, vì nước này có thể đơn giản là không muốn theo đuổi tham vọng vận hành một lực lượng hải quân hùng hậu đủ để thể hiện sức mạnh quốc tế lớn trên đại dương.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nga không muốn cạnh tranh và gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho các đối thủ trên biển, vì nước này sở hữu một số tàu chiến được trang bị vũ khí mạnh, và tầm hoạt động hay tầm bắn của các cảm biến và vũ khí hiện đại, ít nhất trong một số trường hợp, có thể bù đắp cho số lượng tàu chiến ở một mức độ nào đó. Hơn nữa, sức mạnh tấn công của hải quân Nga, trong khi chủ yếu dường như ở phạm vi khu vực, có thể dựa vào các tàu chiến nhỏ hơn, nhanh nhẹn, có thể đe dọa các khu vực ven biển hoặc kiểm soát các nước Đông Âu trong khu vực.
Tuy nhiên, các tàu ngầm của Nga lại vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác, vì chúng được coi là cực kỳ nguy hiểm và số lượng đông đảo. Globalfirepower nói Nga đang vận hành tới 64 tàu ngầm, gần tương đương với 68 tàu ngầm của Mỹ. Hạm đội tàu ngầm Nga có khả năng hoạt động toàn cầu, nhờ vào các tàu ngầm trang bị động cơ hạt nhân. Một hạm đội tàu ngầm số lượng lớn, được trang bị tốt và có khả năng thực sự là mối đe dọa nước sâu đối với Mỹ, trái ngược với lực lượng mặt nước nhỏ hơn và ít đe dọa hơn của Nga.