Hai ngày liên tiếp phá kỉ lục, Ấn Độ rơi vào 'vực thẳm COVID-19'

0:00 / 0:00
0:00
Thân nhân mặc đồ bảo hộ khi một bệnh nhân COVID-19 được hỏa thiêu ở New Delhi ngày 21/4. Ảnh: Reuters
Thân nhân mặc đồ bảo hộ khi một bệnh nhân COVID-19 được hỏa thiêu ở New Delhi ngày 21/4. Ảnh: Reuters
TPO - Là một trong những “công xưởng” sản xuất vắc-xin COVID-19 lớn trên thế giới, ít ai ngờ rằng Ấn Độ lại có thể rơi vào thảm cảnh chưa từng có.

Ấn Độ “thất thủ”

Nhìn xuống biển người tại một sự kiện vận động chính trị ở Tây Bengal hôm thứ Bảy (17/4), Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, tự hào tuyên bố rằng ông “chưa bao giờ thấy đám đông lớn như vậy”.

Cũng trong ngày hôm đó, Ấn Độ ghi nhận 234.000 ca mắc COVID-19 mới, và 1.341 ca tử vong. Con số tiếp tục tăng kể từ đó.

Hơn một triệu ca bệnh mới đã được ghi nhận chỉ trong một tuần. Riêng ngày 22/4, Ấn Độ ghi nhận thêm 314.835 ca mắc COVID-19 sau 24 giờ, mức cao kỷ lục toàn cầu kể từ đầu dịch.

Sang ngày 23/4, kỉ lục này tiếp tục bị xô đổ, khi Ấn Độ báo cáo có thêm 332.730 ca bệnh mới, nâng tổng số ca bệnh lên hơn 16 triệu ca. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng 2.263 ca, lên tổng số 186.920 ca.

Các bệnh viện trên cả nước hoạt động hết công suất. Số ca bệnh nặng là người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng. Ở Delhi, có tới 65% số ca bệnh dưới 40 tuổi.

Các bác sĩ ở tuyến đầu suy sụp khi nói về những bệnh nhân COVID-19 đang chết dần mà không được điều trị do thiếu giường, thiếu oxy.

Hai ngày liên tiếp phá kỉ lục, Ấn Độ rơi vào 'vực thẳm COVID-19' ảnh 1

Bệnh nhân COVID-19 nằm trong xe hơi chờ được nhập viện ở Ahmedabad (Ấn Độ). Ảnh: Reuters

Tiếng còi xe cấp cứu chói tai vang lên không ngừng nghỉ. Trong bệnh viện Lok Nayak – cơ sở điều trị COVID-19 lớn nhất ở thủ đô New Delhi, các bệnh nhân phải nằm chung giường. Bên ngoài, bệnh nhân chờ giường thở hổn hển trên cáng và xe cứu thương, người thân đứng bên cạnh khóc nức nở. Một số người ngồi gục xuống bên chiếc bình oxy tự mua vì tuyệt vọng. Có người thậm chí đã qua đời khi chờ trong bãi đậu xe của bệnh viện.

Hai ngày liên tiếp phá kỉ lục, Ấn Độ rơi vào 'vực thẳm COVID-19' ảnh 2

Giàn hỏa thiêu bệnh nhân COVID-19 hoạt động hết công suất ở New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: Reuters

Hai ngày liên tiếp phá kỉ lục, Ấn Độ rơi vào 'vực thẳm COVID-19' ảnh 3

Ảnh: Reuters

Tại Mumbai, bác sĩ Jalil Parkar của bệnh viện Lilavati cho biết “toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe đã sụp đổ và các bác sĩ đang kiệt sức”.

Parkar nói: “Thiếu giường, thiếu oxy, thiếu thuốc, thiếu vắc xin, thiếu bộ xét nghiệm. Dù đã dành thêm khu bệnh xá khác cho bệnh nhân COVID-19, nhưng chúng tôi vẫn không đủ giường. Bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, thậm chí là cả dưới tầng hầm. Chúng tôi còn có thể làm gì khác?”

Hai ngày liên tiếp phá kỉ lục, Ấn Độ rơi vào 'vực thẳm COVID-19' ảnh 4

Một phụ nữ mắc COVID-19 qua đời bên ngoài bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash Narayan ở New Delhi ngày 22/4. Ảnh: Reuters

Ngay cả những người có chức quyền cũng phải vật lộn để tìm giường cho người thân. Vijay Singh Kumar, quan chức Bộ Giao thông đã đăng đàn Twitter với lời cầu xin: “Xin hãy giúp chúng tôi, anh trai tôi cần một chiếc giường để điều trị COVID-19. Ở Ghaziabad không còn giường.”

"Bất lực", cựu Ngoại trưởng Nirupama Menon Rao viết trên Twitter. "Ấn Độ đã rơi nước mắt."

Phớt lờ cảnh báo

Sự xuất hiện của một biến thể virus dễ lây lan hơn, cũng như sự lạc quan quá sớm của chính phủ đã khiến Ấn Độ “thất thủ”, dù trước đó nhiều người cho rằng Ấn Độ đã đánh bại COVID-19.

Các chuyên gia y tế cho biết Ấn Độ đã mất cảnh giác trong mùa đông, khi số ca bệnh mới mỗi ngày là khoảng 10.000 trường hợp. Họ cho rằng dường như tình hình đã được kiểm soát, đồng thời dỡ bỏ các hạn chế, cho phép các cuộc tụ tập đông người.

Hai ngày liên tiếp phá kỉ lục, Ấn Độ rơi vào 'vực thẳm COVID-19' ảnh 5

Lễ hội Kumbh Mela ở sông Hằng (Haridwar, Ấn Độ) ngày 12/4. Ảnh: Reuters

K Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế công của Ấn Độ cho biết: “Các lãnh đạo trên toàn quốc đã không truyền đạt một cách đầy đủ rằng dịch bệnh chưa biến mất.”

“Họ tuyên bố chiến thắng quá sớm. Nhiều người cố tìm cách lan truyền sự phấn khởi, đặc biệt là các chính trị gia – những người muốn thúc đẩy nền kinh tế và nối lại chiến dịch tranh cử. Điều đó tạo cơ hội cho dịch bệnh bùng phát trở lại.”

Kiran Mazumdar Shaw, Chủ tịch điều hành công ty chăm sóc sức khỏe Biocon, viết trên tờ Economic Times: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một làn sóng thứ hai sẽ ập tới với mức độ kinh hoàng đến vậy.”

Ở Tây Bengal, các sự kiện vận động tranh cử vẫn diễn ra trong khi xe cứu thương xếp hàng dài bên ngoài các bệnh viện trên khắp Ấn Độ. Ba ứng viên đang tranh cử đã qua đời vì COVID-19.

Amit Thadhani, Giám đốc bệnh viện Niramaya ở Mumbai, nơi chỉ điều trị bệnh nhân COVID-19, cho biết ông đã đưa ra cảnh báo về đợt bùng phát mới hồi tháng Hai, nhưng đã bị phớt lờ.

Cũng theo ông Thadhani, trong đợt dịch lần này, virus “mạnh hơn và lây lan nhanh hơn nhiều”, tác động chủ yếu đến những người trẻ tuổi. “Bệnh viện phải tiếp nhận những bệnh nhân 20, 30 tuổi các triệu chứng rất nghiêm trọng.”

Để ngăn chặn sự sụp đổ toàn diện của hệ thống y tế, chính quyền New Delhi và Mumbai đang cố gắng dựng lại các bệnh viện dã chiến mà họ cho tháo dỡ nhiều tháng trước đó.

Tất cả số oxy dùng trong công nghiệp giờ đây sẽ được chuyển đến các bệnh viện để đáp ứng nhu cầu chưa từng có. Đường sắt Ấn Độ cho biết họ đã sẵn sàng vận hành các chuyến tàu đặc biệt được thiết kế để chở oxy lỏng và bình oxy. Hàng nghìn giường bệnh cũng đã được lắp đặt trên các toa tàu.

Chính phủ thông báo đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, và tất cả những người từ 18 tuổi trở lên đều sẽ đủ điều kiện tiêm vắc xin từ ngày 1/5, dù tình trạng thiếu nguồn cung vắc xin vẫn còn là vấn đề nan giải.

Chính phủ quyết định trì hoãn xuất khẩu vắc xin để tập trung cho nhu cầu trong nước. Tổng sản lượng của hai nhà sản xuất vắc xin Ấn Độ là 70-80 triệu liều/tháng. Trong khi số người đủ điều kiện tiêm vắc xin sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 800 triệu người từ ngày 1/5.

Thế nhưng nhiều người lại cho rằng chừng đó là không đủ, khi mọi việc đã quá muộn. “Mức độ nghiêm trọng của tình hình đáng ra phải được nhận thức từ nhiều tháng trước. Thế nhưng các cấp chính quyền lại phủ nhận điều đó, đưa ra thông điệp rằng virus không còn nguy hiểm nữa. Tôi e rằng chúng ta vẫn chưa chứng kiến điều tồi tệ nhất”, ông Thadhani nói.

Theo Reuters, The Guardian
MỚI - NÓNG