Vì những người cùng cảnh ngộ
Lê Viết Thuận (SN 1991), ở thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) sinh ra khỏe mạnh, nhưng tai nạn đổ đèn dầu khiến đôi chân Thuận bị bỏng nặng, rồi nhiễm khuẩn vì chữa bằng phương pháp dân gian. Năm 1998, gia đình đưa Thuận đến bệnh viện để phẫu thuật với phương án cắt những phần xương bị biến dạng để lắp ghép lại.
Lê Viết Thuận (ngoài cùng bên trái) tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ người cùng cảnh ngộ |
Sau phẫu thuật, Thuận kiên trì tập đi bằng cách vịn vào giàn tre ngoài sân và các bài tập nâng cao sức khỏe. “Đôi chân nhỏ bé của tôi đã phải khuỵu xuống đất không biết bao nhiêu lần. Từ một đôi chân rất yếu ớt, sau một thời gian tập luyện gian khổ đã dần cứng cáp hơn, nhanh nhạy hơn và có thể đi lại mà không cần bám”, Thuận chia sẻ. Từ đó, Thuận hăng hái đến trường đi học và kiên trì tập viết hơn chúng bạn vì “tay cứ cứng đờ, không thể cầm nổi cây bút”.
Nỗ lực đèn sách của cậu đã được đền đáp. Thuận thi đỗ cùng lúc hai trường ở Hà Nội là Học viện Quản lý giáo dục và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội.
Thuận chọn theo học ngành Công tác xã hội (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), với mong muốn có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình vượt lên số phận. Khi còn là sinh viên, Thuận đã tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ các bạn sinh viên khuyết tật.
Năm 2018, Thuận kết nối, đề xuất thành lập câu lạc bộ thanh niên khuyết tật trực thuộc Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bắc Giang và anh được tín nhiệm giao làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Anh cho biết, hội viên câu lạc bộ chia làm ba nhóm theo mức độ thể trạng, khuyết tật; trong đó, nhóm không đi lại được, không làm gì được là lo lắng nhất, vì không có nguồn thu nhập nào ngoài tiền trợ cấp xã hội hàng tháng. Vì vậy, Thuận tích cực vận động các cá nhân, tổ chức để tài trợ mua xe lăn, tiền hỗ trợ sinh hoạt cho hội viên khó khăn.
Thuận cũng tìm đến các trường mầm non chuyên biệt, giáo dục đặc biệt như: Trung tâm Hoa Hướng Dương, Ngôi nhà Bình Minh để tìm cơ hội việc làm và xin sự giúp đỡ cho những trường hợp trẻ em khuyết tật nặng trên địa bàn tỉnh. “Tất bật với công việc, đi lại trong khi bản thân là người khuyết tật, nhưng tôi hạnh phúc với những gì mình đã và đang làm. Dù rằng, bản thân tìm công việc đúng với chuyên ngành đã học chưa thực hiện được để có thu nhập để trang trải cuộc sống vừa hỗ trợ những người cùng cảnh “, Thuận tâm sự.
Nên duyên vợ chồng vì đồng cảm
Anh Lường Văn Hiếu (SN 1987, dân tộc Tày) sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện miền núi Đà Bắc, Hòa Bình, cha mẹ mất sớm vì tai nạn. Năm 2011, anh phát hiện mắc bệnh lao xương, không có điều kiện chữa trị. Từ một thanh niên khỏe mạnh bình thường, anh trở thành người khuyết tật ở chân, vận động khó khăn, không thể đi xe đạp, xe máy.
Sau khi bị bệnh, anh đã đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp người khuyết tật Long Thành (TP Hòa Bình) học nghề may công nghiệp.Trong quá trình học nghề, anh đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, từ việc làm quen kiến thức, kỹ thuật cắt, may... đến chuyện đạp máy may. Phải mất hơn ba năm, anh mới có thể sử dụng thành thạo máy may.
“Trong thời gian ở trung tâm, rất nhiều lần tôi bị đau chân buốt tận xương. May mắn có sự quan tâm, động viên của thầy cô, tôi đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại và những cơn đau để tự lập cho bản thân, ổn định hơn cho cuộc sống”, anh Hiếu chia sẻ.
Đến nay, anh Hiếu đã vững tay nghề, có việc làm ổn định. Trong vai trò một kỹ thuật viên của xưởng, anh hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức đến các bạn thanh niên khuyết tật, kém may mắn khác. “Mình là người khuyết tật nên hiểu rõ nhất những vất vả, khó khăn của người cùng cảnh. Tôi luôn nhắc nhở các bạn thanh niên khuyết tật học may luôn cẩn thận với máy may và trang thiết bị điện trong xưởng may, nhờ đó trong suốt quá trình học và làm việc tại trung tâm không xảy ra tai nạn nào, các bạn khuyết tật yên tâm học và làm việc”, anh Hiếu nói.
Từ sự đồng cảm về hoàn cảnh người khuyết tật, anh Hiếu đã kết duyên vợ chồng với một bạn nữ ở cùng trung tâm. Vợ anh là một người bị thiểu năng trí tuệ, gia đình bên nhà vợ thuộc diện khó khăn, bố mẹ vợ cũng bị khuyết tật. Bằng sự nỗ lực vươn lên của hai vợ chồng anh, cùng sự giúp sức của thầy cô trong trung tâm, cuộc sống gia đình anh dần ổn định, có thêm điều kiện chăm sóc, hỗ trợ hai bên nội ngoại.