Hà Nội: Tràn lan cơ sở, nhóm lớp mầm non 'chui'

Đoàn giám sát đi kiểm tra cơ sở giáo dục mầm non tại Hà Nội
Đoàn giám sát đi kiểm tra cơ sở giáo dục mầm non tại Hà Nội
TPO - Hà Nội phát hiện nhiều cơ sở, nhóm lớp chưa được cấp phép vẫn hoạt động, có nơi bữa ăn của trẻ chỉ từ 12-15.000 đồng/ngày không đảm bảo dinh dưỡng.

Tháng 4/2018, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã có đợt kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non tại Hà Nội. Nhiều vấn đề bị phát hiện như: nhiều cơ sở, nhóm lớp chưa được cấp phép vẫn hoạt động, nhiều phòng học chật hẹp, có nơi bữa ăn của trẻ chỉ từ 12-15.000 đồng/ngày không đảm bảo dinh dưỡng.

Bữa ăn trẻ từ 12.000-15.000 đồng

Ông Trần Thế Cương, Trưởng ban chuyên trách văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội cho biết, đoàn giám sát đã tiến hành kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn. Đoàn chọn các sơ sở không qua giới thiệu của các phòng giáo dục và đã phát hiện ra nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, có 70 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo chưa được cấp phép đã hoạt động, gần 600 nhóm trẻ có số trẻ vượt quá quy định. Ông Cương nói: “Quy định chỉ 50 trẻ/nhóm/ lớp tuy nhiên thực tế có nhóm, lớp đã lên tới 300 trẻ nhưng vẫn không đủ điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên… để lập trường. Hay có chủ tịch phường đi qua nhà nghe tiếng trẻ khóc mới biết ở đó là cơ sở trông giữ trẻ hoạt động chui. Có cơ sở người già trông trẻ, mắt mờ, chân chậm, không có kỹ năng, chuyên môn nên đều là nguy cơ mất an toàn đối với trẻ”.

Qua kiểm tra, giám sát, đoàn cũng đã ghi nhận thực tế nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập còn thiếu, yếu đủ đường. Ví dụ, nhiều cơ sở ở Quận Hai Bà Trưng phòng học chỉ gói gọn trong 15m nhưng trông giữ tới 20 cháu (trên quy định 1,5m/cháu). Nhiều phòng học ở sâu trong ngõ ngách, không có sân chơi, đồ chơi cũ kỹ, thiếu thốn, không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy. “Thậm chí, có phòng học còn không có cả nhà vệ sinh. Mọi vấn đề vệ sinh của trẻ phải bằng bô”, ông Cương nói.

Bà Lê Thu Hằng, thành viên đoàn giám sát cũng cho rằng, hiện nay các văn bản để thực hiện khá đầy đủ nhưng điều bà băn khoăn là việc cấp phép thành lập và quản lý các cơ sở lại thuộc xã, phường. Ví dụ, xã Kim Chung, huyện Đông Anh do có khu công nghiệp nên phát sinh rất nhiều nhóm, lớp trông giữ trẻ. Tuy nhiên, về chuyên môn lại giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường mầm non công lập trên địa bàn. Trong khi hiệu trưởng các trường công chịu trách nhiệm trường họ đã rất mệt rồi làm sao chịu trách nhiệm hết.

Đồng tình với quan điểm đó, bà Hoàng Thị Tú Anh, phó trưởng ban chuyên trách văn hóa xã hội (Hội đồng nhân dân TP Hà Nội) nhấn mạnh: “70 đơn vị chưa được cấp phép vẫn hoạt động tôi nghĩ đây là con số được phát hiện, trên thực tế phải hơn. Bởi có đơn vị qua giám sát thì có 8 cơ sở nhóm/ lớp nhưng mới chỉ cấp phép 2 đơn vị, còn lại chưa đủ điều kiện. Tôi tin là 6 cơ sở đó vẫn hoạt động”, bà Tú Anh nói.

Vấn đề bữa ăn của trẻ cũng khiến đoàn giám sát lo lắng. Bà Tú Anh cho rằng, theo báo cáo chế độ ăn cho trẻ mỗi ngày đảm bảo từ 25-35.000 đồng nhưng trên thực tế giám sát cho thấy có nơi mới chỉ có 12-15.000 đồng. Có cơ sở bữa ăn của trẻ chỉ là một nồi canh cải lỏng bỏng và 1 nồi thịt băm nấu chung. Truy nguồn gốc thực phẩm, các cô nuôi trả lời là rau thịt nhà mình nhưng điều này không ai kiểm chứng”, bà Tú Anh khẳng định.

Quy định lỏng lẻo, tốt nghiệp THPT là mở được nhóm trẻ

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hàng năm trẻ mầm non đến trường tăng khoảng 25-30.000 trẻ. Hiện toàn TP có 1.084 trường, tăng 81 trường so với năm 2015. Riêng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục hiện nay là gần 2.500 cơ sở, tăng 768 cơ sở so với năm 2017. Trong số này, có 97% cơ sở đã được cấp phép hoạt động, 3% còn lại đang hoàn thiện thủ tục, nhân sự…

Các khu công nghiệp, khu chế xuất tại quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh… đều chung tình trạng thiếu trường công lập lẫn tư thục. Cán bộ xã, phường kiêm nhiệm nhiều công việc nên việc quản lý nắm bắt tình hình hoạt động các cơ sở hạn chế. Cơ sở vật chất chủ yếu đi thuê nhà dân nên phòng học bé.

Ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, trên thực tế nếu có điều kiện không ai muốn con em mình gửi vào các nhóm/ lớp. “Tuy nhiên, trong điều kiện không đủ trường công, đặc biệt các khu công nghiệp, phụ huynh thu nhập thấp nên cực chẳng đã mới gửi con vào các nhóm trẻ”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng cho rằng, bất cập về các nhóm trẻ đã nói rất nhiều. Quy định hiện nay khá lỏng lẻo, chủ cơ sở chỉ cần tốt nghiệp THPT và có tiền là mở được. Quy định mỗi lớp, nhóm lớp 50 cháu nhưng trên thực tế có nhóm lên tới 300 cháu. Hà Nội phải xin văn bản quản lý nhóm trẻ đặc thù may ra mới tháo gỡ được vấn đề.

Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị TP phê duyệt quy hoạch các khu chung cư cao tầng, khu công nghiệp phải đồng bộ với việc xây dựng trường mầm non, ưu tiên trường công lập cho con em công nhân. Đề nghị TP thu hồi những ô đất thuộc dự án treo, giao UBND các quận, huyện xây dựng trường mầm non đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, đồng thời phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học toàn TP tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Trần Thế Cương khẳng định, những năm qua TP rất quan tâm tới giáo dục. Tuy nhiên, mỗi năm trẻ mầm non tăng từ 25-30.000 trẻ, tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tăng 22.000 em. Theo tính toán, đến năm 2030, Hà Nội phải xây thêm 600 trường học. Trung bình mỗi năm TP sẽ phải xây từ 40-60 trường mới đảm bảo chỗ học cho học sinh thì đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn.

MỚI - NÓNG