Trẻ 3 tháng tuổi học mầm non: Làm vội dễ gây hậu quả lớn

TS.NGƯT Đặng Lộc Thọ
TS.NGƯT Đặng Lộc Thọ
TPO - “Nhận trẻ dưới 2 tuổi là việc cần thiết, phù hợp với nhu cầu thực tế, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với người lao động. Nhưng nếu làm vội vàng theo kiểu “thành tích” sẽ dẫn đến hậu quả lớn", TS. NGƯT Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết.

Trước thông tin các cơ sở mầm non phải nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi theo dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục, TS Đặng Lộc Thọ- Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho rằng, thực ra đây là vấn đề đã được thực hiện trước đây, chứ không phải mới.

Có rất nhiều ý kiến tranh luận và đặt ra xoay quanh dự thảo này như: Liệu các cô giáo có đủ kỹ năng chăm trẻ, vấn đề bạo hành hay tính khả thi của dự luật này ra sao?

Vấn đề không mới

TS Đặng Lộc Thọ cho rằng, trước đây thời bao cấp, chiến tranh theo trao đổi của một số các bà đã từng làm cô nuôi dạy trẻ thì có nhận trẻ từ 6 tháng tuổi, cá biệt có nhận trẻ dưới 6 tháng tuổi. Số trẻ/cô khoảng 5-6 trẻ.

“Như vậy việc nhận trẻ dưới 2 tuổi không là vấn đề mới. Theo tôi, nhận trẻ từ 3 tháng tuổi hay từ 6 tháng tuổi liên quan đến chế độ nghỉ thai sản mà Nhà nước quy định”- TS Lộc nói.

Cũng theo TS Lộc, một thời gian dài các trường mầm non không nhận trẻ dưới 2 tuổi nên đội ngũ giáo viên mầm non hiện tại kiến thức về chăm nuôi trẻ dưới 2 tuổi còn hạn chế, cơ sở vật chất phục vụ trẻ dưới 2 tuổi chưa phù hợp.

Là cơ sở đào tạo các cô giáo mầm non lớn nhất cả nước, TS Thọ cho rằng nếu Dự thảo luật được thông qua thì sẽ có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đội ngũ giáo viên mầm non hiện nay khi được đào tạo đã có nội dung về Nhà trẻ, tuy nhiên chưa nhiều.

Vì thế, theo TS Thọ, khi triển khai thực hiện, các trường cần phân công giáo viên mầm non làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ. Số này cần phải được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Song song với đó là việc tăng cường đào tạo mới.

Không làm ồ ạt

Nhận định, việc nhận trẻ dưới 2 tuổi là cần thiết và phù hợp với nhu cầu thực tế, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với người lao động, TS Đặng Lộc Thọ cho rằng, nếu Dự thảo luật thực hiện thì cần có lộ trình để các trường mầm non có sự chuẩn bị. Nếu thấy phù hợp với chế độ thai sản và nhu cầu xã hội thì triển khai thực hiện có lộ trình, vừa làm vừa bổ sung và tăng cường đội ngũ và cơ sở vật chất, không làm ồ ạt. Mặt khác phải có các chế độ chính sách phù hợp đối với giáo viên mầm non làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ và đối với các trường mầm non để có thể thực hiện được

“Quan điểm cá nhân tôi là điều gì thấy cần thì khó cũng phải làm. Nhưng việc triển khai cần có lộ trình, vừa làm vừa điều chỉnh, vừa củng cố, vừa rút kinh nghiệm. Nếu làm vội vàng theo kiểu “thành tích” sẽ dẫn đến hậu quả nguy hại đến trẻ do giáo viên thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu điều kiện cơ sở vật chất”- TS Thọ khẳng định.

Theo TS Thọ, phải làm tốt công tác tư tưởng, xác định trách nhiệm của các nhà trường; chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất theo hướng bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm cho những giáo viên mầm non được giao trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng trẻ dưới 2 tuổi. Các trường sẽ nâng dần số trẻ nhận theo đội ngũ được bồi dưỡng bổ sung và cơ sở vật đã được chuẩn bị.

Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến dư luận xã hội về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, trong Điều 25, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục có điều khoản quy định: Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Hiện có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra xung quanh quy định cho trẻ 3 tháng tuổi đến lớp. Trong khi nhiều phụ huynh khấp khởi vui mừng thì các nhà trường, giáo viên lại tỏ ra lo lắng với quy định này bởi thiếu tính thực tế, tăng áp lực cho giáo viên.

MỚI - NÓNG