Chị Hường bán báo và tờ lịch thi đấu Euro 2024 cho khách. Ảnh: Trường Phong |
Gặp phóng viên, chị Hường khoe: “Sạp báo của mình lớn nhất phố Lý Nam Đế đấy”. Lớn nhất, bởi dọc phố Lý Nam Đế dường như không có thêm sạp báo nào khác.
Chị Hường nói, đã bán báo ở ngã ba Lý Nam Đế - Phan Đình Phùng từ những năm 1986 - khi World Cup tổ chức tại Mexico. “Hồi đó mình mới 10 tuổi”, chị Hường nói. Dịp này, đang có kỳ Euro 2024, chị Hường kết hợp bán thêm lịch thi đấu, mỗi tấm từ 10 - 15 nghìn đồng. “Người mua báo giấy chủ yếu là người già, đều tầm ngoài 50 tuổi. Còn thanh niên thì hay mua báo bóng đá, mua thêm cả tờ lịch thi đấu Euro nữa”, chị Hường nói.
Sạp báo của chị Hường bán nhiều loại, từ báo chính trị - xã hội như Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Hà Nội mới, Quân đội Nhân dân… đến các loại tạp chí chuyên ngành. Sạp cũng tồn nhiều báo cũ, đã nhạt màu. Chị bảo, cũng có những tờ báo nếu không bán được thì được trả lại, nhưng cũng có những tờ không cho trả lại. Trước đây, báo giấy bán tốt, chị không phải suy nghĩ nhiều, nhưng giờ thì phải cân đối.
“Ví dụ bán được 10 tờ loại này mà vướng khoảng chục tờ loại không được trả lại thì coi như công cốc”, chị nói. Hiện nay, ngày nào nhiều nhất, chị bán được khoảng 100 tờ báo. “Nói chung có ngày này ngày khác. Có những hôm có vụ việc nóng, hấp dẫn, cũng nhiều người ghé đến mua báo”, chị kể.
Theo chị Hường, thời kỳ huy hoàng của báo giấy đã lùi vào dĩ vãng. Trước đây, khi còn nhỏ tuổi, chị thường phải xếp hàng lúc sáng sớm ở khu vực trước cửa Thông tấn xã Việt Nam và một số cơ quan báo chí khác để chờ được mua báo về bán, và cứ bán là hết. Ngày đó, bán báo mang lại thu nhập chính cho chị và gia đình, còn giờ chỉ là thu nhập phụ.
Để trang trải thêm cuộc sống, chị Hường bán thêm trà đá, bánh mì, chả cá… Lúc phóng viên đến, chị vừa rán 2kg chả cá để kịp giao cho khách. Nghỉ tay, chị lại bán thêm một tờ lịch thi đấu Euro 2024.
“Có những bác năm nay 100 tuổi vẫn đọc báo giấy. Con cháu bác ấy thường ra mua xong mang vào viện đọc cho bác ấy nghe”, chị Hường nói, đồng thời cho biết, sạp báo của chị có khách quen nhiều năm.
Hằng ngày, họ đều đến mua báo về đọc, duy trì hàng chục năm nay. “Mẹ mình trước đây làm ở xưởng in, chị gái mình làm truyền hình, mình thì gắn bó từ bé với việc bán báo, nên cứ theo mãi”, chị Hường nói.
“Bây giờ càng ít người mua báo giấy, người trẻ họ đọc trên điện thoại hết rồi. Nhưng cũng có những người thích đọc báo giấy thì ngày nào cũng ra mua, thậm chí mua nhiều tờ”.
Bà Thèn bán báo trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội
“Vì đam mê”
Nếu như sạp báo của chị Hường được coi là “lớn nhất phố Lý Nam Đế”, thì sạp báo của bà Thèn - cách đó khoảng vài chục mét được coi là “lớn nhất phố Phan Đình Phùng”. Nói là sạp báo cho oai, chứ chỗ bà Thèn bán báo chỉ có chưa đầy mét vuông. Trên sạp báo của bà Thèn chỉ có vài loại báo. Bà Thèn bảo, chỉ bán chơi chơi cho có công việc, đỡ buồn.
“Tôi nghỉ hưu rồi, bán báo như thế này đã 30 năm nay. Mỗi ngày chỉ đủ kiếm tiền mua mớ rau thôi”, bà nói. Để khách hàng có thêm lựa chọn, bà bán thêm cả thuốc lá, lịch thi đấu Euro - dù không nhiều.
“Gia đình nhà bà Thèn có điều kiện, giàu có. Con cái trưởng thành cả rồi, nhưng bà vẫn thích ngồi bán báo cho đỡ buồn”, chị Hường nói về đồng nghiệp.
Bà Thèn chia sẻ, cứ buổi sáng bà có mặt ở địa chỉ số 31 Phan Đình Phùng ngồi bán báo. Bà bảo, có nhiều khách quen mua báo, thậm chí mua hằng ngày, không bỏ buổi nào. “Cũng có những tờ bán chậm, không bán được. Cũng có những tờ bán được khoảng chục tờ/ngày”, bà nói.
“Buổi sáng sẽ có người giao báo đến đây. Tôi gửi sạp ở trong ngõ này. Sáng ra xếp báo rồi bán”, bà nói. Đã gắn bó với nghề này hàng chục năm, nên bà không nỡ bỏ.
Trên phố Phan Huy Chú - nơi gần trụ sở Thông tấn xã Việt Nam - sạp báo của chị Hà vẫn duy trì hoạt động - và là một sạp khá lớn. Trên một khoảng vỉa hè nhỏ hẹp, nhiều dãy báo xếp chồng lên nhau chờ khách đến mua. Chị Hà nói, vẫn có những tờ báo bán được chục tờ/ngày, nhưng “không là gì so với trước đây”.
Lúc phóng viên đến, chị đang sắp báo cho những khách quen, chờ họ đến lấy. Một người đàn ông trung tuổi đang ngồi đọc mấy tờ An ninh thế giới, Văn nghệ. Chị Hà bảo, có những người đến mua báo hằng ngày, nếu không kịp, họ sẽ đến lấy vào cuối tuần, đủ bộ.
“Vẫn có những người thích đọc báo giấy, nhưng chủ yếu là người có tuổi”, chị nói. Theo chị Hà, cách đây vài chục năm, bán báo cho thu nhập khá tốt, nhưng giờ chỉ còn lay lắt. “Một số nhật báo hằng ngày vẫn bán được. Tạp chí cũng có người mua, nhưng số lượng không nhiều”, chị nói và than thở “bao giờ cho đến ngày xưa”.
Gần 11h30, chị Hà bắt đầu thu dọn sạp báo. Chị chỉ bán từ 5h30 đến 11h30 hằng ngày, bởi không còn người mua báo nữa. “Đã 30 năm rồi, dù không còn được như ngày xưa, nhưng tôi vẫn duy trì sạp báo vỉa hè, bởi đây là đam mê”, chị Hà chia sẻ.