'Quái kiệt' lưu giữ báo giấy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là một thương nhân kinh doanh máy tính quen cập nhật những cái mới, nhưng ông Nguyễn Phi Dũng lại có sở thích sưu tầm, lưu giữ những tờ báo giấy. Đến nay, số lượng báo giấy được ông lưu giữ trong nhà đã nặng cỡ 20 tấn, trong đó có những tờ báo quý hiếm được xuất bản cách đây trên dưới trăm năm…

Đam mê sưu tầm báo giấy

Cuối tháng 2 vừa qua, tôi có dịp gặp ông Nguyễn Phi Dũng tại cuộc toạ đàm “Chia sẻ ký ức, phát huy giá trị di sản” do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức. Hôm đó, ông Dũng được mời đến để chia sẻ về ký ức, về những tờ báo giấy quý hiếm mà ông đã sưu tầm trong những năm qua. Tại buổi Toạ đàm, ông Dũng chia sẻ: “Báo chí chủ yếu cung cấp thông tin thời sự, nên tôi nghe có ý kiến cho rằng mỗi tờ báo chỉ tồn tại trong ngày, hôm sau lại có số báo mới phủ lấp những thông tin của ngày hôm qua. Điều này cũng có lý, nhất là đối với những tờ nhật báo. Nhưng tôi cũng có suy nghĩ, mỗi tờ báo như một thư ký lịch sử, ghi lại chính xác những sự kiện diễn ra tại thời điểm đó. Thế nên, nếu muốn biết một điều gì đó đã qua, việc căn cứ trên những tờ báo cũ là nguồn tin rất có giá trị, mà đôi khi những phương tiện khác không thể đáp ứng được”.

'Quái kiệt' lưu giữ báo giấy ảnh 1

Ông Nguyễn Phi Dũng giới thiệu tờ báo Độc Lập tại cuộc tọa đàm “Chia sẻ ký ức, phát huy giá trị di sản”. Ảnh: Kiên Nghĩa.

Để chứng minh điều vừa nói, ông Nguyễn Phi Dũng lấy ra tờ báo Độc Lập (Cơ quan tuyên truyền, tranh đấu, nghị luận của Việt Nam dân chủ Đảng trong Mặt trận Việt Minh) số 1 (ra ngày 4/9/1945) với nhiều bài viết nói về Lễ Tuyên ngôn Độc lập ở những khía cạnh khác nhau. Tiếp đó là tờ Độc Lập số 2 (ra ngày 7/9/1945) đăng toàn văn Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 và nhiều thông tin quan trọng khác. “Sau này, nếu muốn mô tả về Lễ Quốc khánh 2/9 đã diễn ra như thế nào, có thể dựa vào những thông tin tường thuật tại thời điểm đó của những số báo này là rất đáng tin cậy”, ông Dũng chia sẻ.

'Quái kiệt' lưu giữ báo giấy ảnh 2

Tờ báo Cờ Giải Phóng số 1 (trái). Tờ báo Độc Lập số 2, ra ngày 7/9/1945 (phải).

'Quái kiệt' lưu giữ báo giấy ảnh 3

Sau cuộc toạ đàm trên, có dịp trò chuyện với chủ nhân của những tờ báo quý hiếm, tôi được biết ông Dũng nảy ý tưởng sưu tầm những tờ báo cũ bắt nguồn từ sở thích đọc báo của cha mình. Trước đây, mỗi khi đọc xong tờ báo được mua trong ngày, cụ Nguyễn Phi Hùng, bố của ông Dũng thường xếp lại theo từng tập để lưu giữ. Khi lượng báo đã nhiều, cụ Hùng đóng bìa cho từng tập để bảo quản tốt hơn. Nhưng rồi đến lúc ông Dũng thấy lượng báo cũ trong nhà mình cứ vơi dần, để ý mới biết nguyên nhân là do bố đã bán báo cho… đồng nát. Hoá ra khi đó, do đời sống khó khăn, nên bố ông Dũng đành bán báo cũ đi để có tiền mua báo mới. “Sau này, mỗi khi nhớ lại chuyện đó, tôi lại tiếc hùi hụi”, ông Dũng nói. Rồi ông cho biết, đến năm 2016, khi ở tuổi 56, ông quyết định sưu tầm những tờ báo cũ, phần là để cha mình được sống lại ký ức của một thời lưu giữ báo, phần muốn sưu tầm những tờ báo có giá trị của đất nước qua các thời kỳ. Vốn là người chơi đồ cổ, lại quen nắm bắt thông tin qua mạng xã hội, nên ông Dũng có những lợi thế nhất định khi tiến hành sưu tầm báo. Mỗi khi có thông tin ở đâu bán những tờ báo xuất bản lâu đời là ông Dũng lại tìm đến mua. Khi thì ông mua lẻ được vài tờ, lúc thì mua hàng chục cân báo để về sắp xếp lại và lưu giữ. Công việc kinh doanh nhiều lúc bận rộn, trong khi việc sưu tầm báo cũng mất không ít thời gian, nhưng nhờ có niềm đam mê mà sau bảy năm ông Dũng đã sưu tầm được hơn 20 tấn báo với 400 ngàn tờ báo các loại của khoảng một ngàn đầu báo.

Những tờ báo quý hiếm

Trong lượng báo ngồn ngộn đó, ngoài hai số báo của tờ Độc Lập vừa đề cập ở trên, ông Dũng nhớ nhất một số tờ báo quý hiếm mà mình đã sưu tầm được. Ông kể, năm 2018, ông nhận được tin có người ở thành phố Hồ Chí Minh muốn bán tờ Gia Định báo, tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, số đầu tiên xuất bản ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Ông Dũng vào ngay TPHCM để xem tờ báo đó và hỏi mua. Đó là tờ Gia Định báo xuất bản ngày 1/12/1896, nghĩa là cách đây hơn 1 thế kỷ, được bán với giá 5 triệu đồng. Trước nay chưa từng mua tờ báo nào với giá đó nên thoạt nghe ông Dũng hơi ngần ngại, nhưng rồi đồng ý mua. “Sau khi mua xong, có người trả tôi tờ báo đó 20 triệu đồng nhưng tôi chỉ lắc đầu cười. Tôi mua báo vì niềm đam mê nên nói chi đến chuyện lời lãi”, ông Dũng chia sẻ.

Cờ Giải Phóng (Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương) cũng là tờ báo quý hiếm mà ông Dũng sưu tầm được. Ông Dũng chia sẻ, một hôm ông được tin có người muốn nhượng lại tờ báo Cờ Giải Phóng ra số đầu tiên. Qua tìm hiểu, ông được biết báo Cờ Giải Phóng xuất bản tổng cộng được 33 số, các số cách nhau không hạn định, số đầu ra ngày 10/10/1942, số cuối cùng ngày 18/11/1945. Hiện nay, hệ thống lưu trữ của ta lưu giữ được 32 số báo Cờ Giải Phóng, còn thiếu số báo phát hành đầu tiên. Thấy đây là tờ báo quý hiếm, ông Dũng đồng ý mua với giá 50 triệu đồng để lưu giữ tờ Cờ Giải Phóng số 1 này.

'Quái kiệt' lưu giữ báo giấy ảnh 4

Các cán bộ Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cùng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tham quan phòng lưu trữ báo chí của ông Nguyễn Phi Dũng. Ảnh: NVCC.

Báo Cứu Quốc (Cơ quan cổ động của Việt Minh toàn quốc) cũng là tờ báo xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám mà ông Dũng lưu giữ được hai số. Đó là tờ báo số 5 ra ngày 23/9/1942, và số báo đặc biệt (báo Xuân) xuất bản ngày 9/2/1943 (tức mùng 5/1 âm lịch năm Quý Mùi). Rồi ông Dũng giới thiệu với tôi tờ báo Cứu Quốc xuân Quý Mùi, có trang bìa in chữ màu đỏ, chính giữa là ngôi sao 5 cánh. Nội dung số báo được xuất bản cách đây 80 năm đã có những bài rất thời sự, với tiêu đề hiện đại mang tính chiến đấu cao như “Gạo Việt Nam phải để nuôi người Việt Nam”, “Sinh hoạt đắt đỏ trách nhiệm thuộc về ai?”, “Phản đối tăng thuế, chị em các chợ Hà Nội nghỉ bán hàng”…

Ông Dũng cho biết, hiện nay, những tờ báo xuất bản trước năm 1954 luôn được một số người tìm mua để lưu giữ. Cũng có người sau khi sưu tầm được một số tờ báo lâu năm đã mang ra nước ngoài. “Có người từng ngỏ ý mua những tờ báo lâu năm nhưng tôi nhất quyết không bán. Tuy là một doanh nghiệp, nhưng việc sưu tầm báo chí này mang ý nghĩa khác nên tôi không bao giờ bán. Tôi vẫn sẽ tiếp tục sưu tầm để có thể thành lập bảo tàng báo chí tư nhân, vì chỉ như vậy mới có thể lưu giữ báo lâu dài được”- ông Dũng chia sẻ.

Mong thành lập bảo tàng báo chí tư nhân

Trong ngôi nhà của mình tại thành phố Nam Định, ông Dũng dành một phòng lớn để lưu giữ những tờ báo đã sưu tầm được. Bên cạnh những tờ báo kể trên, còn có những số báo xuất bản trên dưới trăm năm trước như Tin Tức (Cơ quan Mặt trận Dân Chủ), Việt Nam Độc Lập (Cơ quan của Mặt trận Liên Việt tỉnh Cao Bằng), Xung Phong (Cơ quan Cổ động của Việt Minh tỉnh Bắc Giang)…, hoặc một số tờ báo xuất bản thời Pháp như Lục Tỉnh Tân Văn, Trung Bắc Tân Văn, Phụ Nữ Tân Văn, Tao Đàn, Phong Hóa, Ngày Nay, Nam Phong, Khai Hóa Nhật Báo… Bên cạnh đó là một lượng lớn những tờ báo của nước nhà như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong, Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng… “Báo Tiền Phong tôi sưu tầm được các số báo của năm 1959 và 1961, hiện được đóng riêng thành hai quyển theo năm để bảo quản”, ông Dũng cho biết. Rồi ông chia sẻ thêm, ngoài nội dung của các tờ báo, thì chất liệu giấy của báo chí cũng được sử dụng khá đa dạng như giấy dó, giấy rơm, giấy bản… Mỗi chất liệu giấy này lại gắn với một giai đoạn lịch sử riêng của báo chí cũng như của đất nước. Trong quá trình sưu tầm, “ngắm nghía” những tờ báo, đến nay chỉ cần nhìn qua là ông Dũng biết được tờ báo đó xuất bản ở giai đoạn nào.

“Đối với những tờ báo cũ, khi cầm và đọc, ngoài ý niệm về thời gian, người đọc hôm nay có cảm giác như được sống cùng đời sống xã hội tại thời điểm tờ báo đó được xuất bản. Vì thế có những tờ báo cũ mà không cũ”. Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng

Tất cả những tập báo sưu tầm được ông Dũng xếp trên những chiếc giá cao ngút đầu. Trong phòng lưu trữ ít dùng đồ gỗ để tránh mối mọt. Một số tờ báo chính thống được chủ nhân đóng thành quyển để bảo quản tốt hơn. Những tờ báo đặc biệt quý hiếm còn được ông Dũng bọc ny lon, cẩn thận xếp trong tủ kính. Trong phòng được lắp thiết bị hút ẩm, máy điều hòa với nhiệt độ 22 độ C để bảo quản báo. “Cuối tháng 5 vừa qua, một đoàn cán bộ của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã đến tham quan phòng sưu tầm báo chí tại nhà tôi. Mọi người ấn tượng với số lượng báo chí tôi đã sưu tầm được trong thời gian qua. Họ cũng nhận xét đối với tư nhân, chế độ bảo quản tư liệu như vậy là ổn”, ông Dũng cho biết.

Để phát huy tác dụng cũng như bảo quản số lượng báo chí đã sưu tầm được, vài năm qua ông Dũng luôn ấp ủ thành lập một bảo tàng báo chí tư nhân. “Tôi mong muốn đến năm 2025, kỷ niệm 100 năm báo chí Cách mạng Việt Nam sẽ thành lập được bảo tàng”, ông Dũng nói. Rồi ông tâm sự, việc thành lập bảo tàng sẽ giúp ông có điều kiện để chia sẻ thêm những tờ báo của mình đến với những người quan tâm tới báo giấy. Trước nay, mỗi khi có những cuộc triển lãm liên quan đến báo chí, ông Dũng thường sẵn lòng cho mượn những tờ báo mình sưu tầm được để trưng bày. Có bảo tàng cần bản sao một tờ báo “độc bản” mà ông Dũng đã sưu tầm được, chủ nhân sẵn sàng scan tờ báo đó để gửi tặng. Một số người, khi cần tìm hiểu thông tin qua báo chí đã tìm đến ông Dũng và luôn được ông nhiệt tình đáp ứng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: “Chia sẻ ký ức là cách tốt nhất để phát huy giá trị của di sản, nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong việc phát huy di sản”. Điều này đúng với những cá nhân như ông Dũng, khi những tờ báo mà ông sưu tầm được cũng là một phần của ký ức. Và việc ông muốn chia sẻ những ký ức đó cũng là để phát huy giá trị của di sản, di sản báo chí.

MỚI - NÓNG