Hà Nội 'mở toang' dịch vụ, karaoke, massage được hoạt động chưa?

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn uống được hoạt động bình thường; vậy các ngành dịch vụ: karaoke, vũ trường, massage, spa… đã được hoạt động trở lại chưa?

Sáng 16/3, đại diện UBND quận Hà Đông cho biết, sau khi UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 735/UBND-KGVX về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trong "tình hình mới", địa phương này sẽ tiếp xây dựng các văn bản liên quan để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.

Theo đó, quận Hà Đông sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng vaccine; cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn uống được phép hoạt động bình thường...

"Riêng các loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện như karaoke, vũ trường, massage, spa... trên địa bàn thì chưa cho hoạt động trở lại" - đại diện quận Hà Đông thông tin thêm.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện một quận nội thành Hà Nội cũng khẳng định, quận này sẽ ban hành văn bản thực hiện đúng nội dung mà thành phố đã ban hành.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống sẽ được phép hoạt động bình thường (không phải đóng cửa trước 21h hàng ngày), đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.

Hà Nội 'mở toang' dịch vụ, karaoke, massage được hoạt động chưa? ảnh 1

Hình ảnh thực khách tại các hàng quán trên phố Tạ Hiện đêm qua (15/3), sau khi Hà Nội bỏ quy định hàng quán phải đóng cửa sau 21h (Ảnh: Tố Linh).

Trả lời câu hỏi về việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động bình thường có đồng nghĩa với việc cho phép các ngành nghề như karaoke, vũ trường, massage, spa… hoạt động trở lại không, thì vị này nhấn mạnh là không.

Bởi lẽ, các dịch vụ nói trên thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện thành phố vẫn chưa cho phép các dịch vụ kinh doanh có điều kiện này hoạt động trở lại.

Liên quan đến thắc mắc này, một cán bộ (đề nghị giấu tên) có trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện ban hành văn bản cho hay, thành phố nên bổ sung rõ quy định tiếp tục cấm dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa… trong văn bản số 735/UBND-KGVX. Bởi lẽ, theo vị này, việc văn bản ghi "cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động bình thường" sẽ mang hàm ý các dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa… cũng được hoạt động trở lại.

"Karaoke, vũ trường, massage, spa… cũng thuộc các loại hình kinh doanh dịch vụ, chỉ khác biệt hơn ở chỗ nhóm ngành nghề này là ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện" - vị này lý giải.

Trước đó, sau nhiều tháng dài quy định cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đóng cửa trước 21h thì vào chiều 15/3, UBND TP Hà Nội đã cho phép hàng quán được hoạt động bình thường, bỏ quy định đóng cửa trước 21h.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã mở lại và cho phép hầu hết hoạt động kinh doanh, dịch vụ; chỉ còn các dịch vụ nhạy cảm như karaoke, massage, quán bar, spa... chưa được mở cửa trở lại.

Cấm hàng quán hoạt động sau 21h có giúp chống dịch tốt hơn?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - có quan điểm cho rằng quy định cấm hàng quán hoạt động sau 21h hằng ngày thể hiện "ý chí của Hà Nội" vì chẳng có căn cứ nào về mặt dịch tễ.

"Chưa có nghiên cứu nào thể hiện đóng cửa hàng quán ăn uống sau 21h thì chống dịch sẽ tốt hơn. Thay vào đó, động thái này thể hiện ý chí của cơ quan quản lý hoặc để đảm bảo tình hình an ninh trật tự mà thôi. Thậm chí sau 21h thì lượng người đến quán ăn uống còn ít hơn" - ông Nga chia sẻ.

Trước đó, trong bối cảnh số F0 ghi nhận trong 24 giờ của thủ đô đã chính thức vượt mốc 1.000 ca, một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lý giải rằng, việc Hà Nội cấm hàng quán hoạt động sau 21h là điều cần thiết lúc này.

Bên cạnh đó, việc "buông lỏng" các hàng quán, để người dân ăn nhậu "thâu đêm suốt sáng" sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, chính quyền cũng không thể kiểm soát công tác phòng, chống dịch liên tục 24/24h.

Bày tỏ về quan điểm mà lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội từng đưa ra, ông Nga cho biết thành phố chưa bao giờ cho phép người dân được ăn uống "thâu đêm suốt sáng" vì trước kia, khi dịch bệnh chưa xuất hiện thì thành phố đã không cho phép hàng quán hoạt động sau 23h tùy theo từng khu vực.

Theo Nguyễn Trường/Dân trí
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.