Hà Nội bội thực hội chợ sách

Các dãy hàng vắng khách trong buổi khai mạc 22/9.
Các dãy hàng vắng khách trong buổi khai mạc 22/9.
TP - Một Hội chợ sách Quốc tế vừa kết thúc ở công viên Thống Nhất, mọt sách chưa kịp kiểm kê số sách mua thì Hội chợ sách ở Hoàng Thành đã ùn ùn đến. Cùng thời gian cũng còn vài ba Hội chợ sách quy mô nhỏ diễn ra gần như liên tiếp. Có phải dân Hà Nội yêu sách đến độ mỗi tuần cần một Hội chợ sách?

Ngay khi thông tin về Hội chợ sách Hoàng Thành sắp diễn ra, fanpage của các mọt sách đã có không ít thông báo: “không đi nữa”, “chưa kịp hoàn hồn thì đã lại Hội chợ”, “không hiểu họ (ban tổ chức) sắp xếp kiểu gì, tuần này một hội, hai tuần sau một hội, sách mới nào ra cho kịp”?

Trong ngày khai mạc Hội chợ sách (22/9), đìu hiu là không khí chủ đạo ở mọi gian hàng. Nhãn sách Nhã Nam vốn thường xuyên gây tắc đường và xếp hàng, chen lấn ở những hội chợ trước, đến buổi chiều vẫn chỉ có lác đác khách ghé thăm. Nguyễn Hương Giang (sinh viên Đại học Văn hóa) kể: “Mấy hội chợ trước em đều đi, sách cần đều đã mua, lần này vui chân vẫn đến nhưng không thấy có sách mới”!

Không khí vắng vẻ lặp lại ở hầu hết các gian hàng. Các địa bàn của NXB Kim Đồng, NXB Phụ Nữ, Sách Đông A, Đinh Tị, Alphabook… trước kia đông vui nhộn nhịp, nay hầu như chỉ có nhân viên di chuyển. Một talk show về khởi nghiệp tổ chức ở sân khấu chính chỉ có khoảng hơn chục người tham gia.

Giải thích về thời gian tổ chức Hội chợ liên tiếp, không có khoảng giãn, đại diện của Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội (đơn vị tổ chức Hội chợ sách tại Hoàng thành) cho biết: Hai hội chợ ở Công viên Thống Nhất là do Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì, một cái nhân Ngày Sách 21/4, một cái là Hội chợ sách Quốc tế. Còn Hội sách Mùa thu này do Sở phát động, nhân ngày giải phóng Thủ đô 10/10, vốn đều “có ý nghĩa” cả.

Hà Nội bội thực hội chợ sách ảnh 1 Một talk show về sách chỉ có khoảng 10 người tham gia.

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản nói thêm: Hội sách phải tổ chức vào thời gian mát mẻ để người ta tiện đi, nếu để lâu thêm, đến mùa đông thì không có khách.

Về phía người đọc, việc các Hội chợ sách được tổ chức liên tiếp, thế nhưng lại gây tác dụng ngược. Nick Bookaholic (nghĩa là Kẻ nghiện sách) cho rằng: “Hội chợ liên tiếp và giống nhau sẽ gây nhàm chán. Lần hội chợ vào tháng tư, tôi thông báo trên trang cá nhân, có tới hơn 100 comment hỏi han về tình hình xuất bản và yêu cầu giới thiệu những cuốn mới để tìm mua. Nhưng đến lần này, ngay cả tôi khi viết status giới thiệu Hội chợ cũng thấy đuội. Số người vào hỏi sách mới chỉ chưa đầy 10 comment. Thử hỏi trong vòng một tháng, liệu có bao nhiêu đầu sách mới xuất hiện và đáng kể? Tổ chức không có gì mới, các talk show về sách thì càng ngày càng nhạt, nhà xuất bản chủ yếu bán tống tháo để dọn kho. Người mê sách mấy cũng chán”!

Đặng Thanh Sơn, một thành viên của Goodreads (mạng xã hội dành cho những người đọc sách) khẳng định: “Tôi không đi Hội chợ lần này vì nó đã không còn gì mới hấp dẫn tôi. Thực ra những người chăm đọc họ đều có nguồn mua sách tin cậy và nhanh chóng. Đến hội chợ chủ yếu là để mua đúng cuốn đó với giá một nửa cho bạn bè, người thân hoặc tủ sách mình đóng góp. Chấm hết. Và các hoạt động này thì một năm mua một hai lần là đủ, đâu cần năm đến bảy hội sách làm gì?”.

Trịnh Hải Yến (du học sinh tại Pháp) nhận xét: Ở Pháp tôi đã đi nhiều hội chợ sách, họ chủ yếu dành không gian cho các hoạt động mua bán, trao đổi bản quyền và ra mắt, giới thiệu sách cũng như tác giả mới. Trong khi ở Việt Nam, hội chợ sách chủ yếu là để bán sách. Cả năm ngày Hội chợ quốc tế vừa rồi tôi không thấy có một cái talk nào đáng chú ý. Người tham dự thậm chí còn chả buồn đặt câu hỏi, toàn do MC tự hỏi tự trả lời. Thế nên kỳ này Hội chợ tôi cũng không định đi!

Về phía các nhà xuất bản, không ít ý kiến đã phản ánh lên cơ quan chủ quản là Cục xuất bản về tần suất các hội chợ quá dày. Đại diện một nhà xuất bản cho biết: Một năm năm bảy hội chợ, nhân viên nghe thấy đã sợ. Chưa kể hầu như tham gia hội chợ là lỗ. Rẻ nhất thuê một gian hàng mất gần hai chục triệu, chỗ tốt thì năm sáu chục triệu, nhà nào bán tốt lắm mới hòa vốn. Nhưng nhiệm vụ chính trị thì phải tham gia, chứ cái nào trốn được là chúng tôi trốn”.

Anh Lê Văn Hợp (chủ thương thiệu Sách cũ Hà thành) cho rằng: “Hà Nội tổ chức quá nhiều hội sách (cả mới, cũ) làm cho các tín đồ sách cũng ngán ngẩm! Ít thì còn chất, nhiều sẽ nhàm! Từ giờ chắc tôi sẽ cân nhắc khi tham gia các hội sách”!

Hà Nội bội thực hội chợ sách ảnh 2 Hộ chiếu đọc sách của Công ty sách Đinh Tị.

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục xuất bản cho biết: “Đúng là nhiều người có ý kiến về các Hội chợ, tôi đã nghe từ lâu nhưng tôi cũng khẳng định, việc các Hội chợ này tồn tại hay không đều do thị trường điều tiết. Cục không ép ai cả. Tất cả đều làm việc trên tinh thần tự nguyện. Có những nhà nhỏ hoặc đầu sách quá chuyên ngành xin thôi, chúng tôi vẫn duyệt.

Nhưng nói lại, chính các nhà xuất bản cũng phải xem các Hội chợ sách như là quyền lợi của người làm sách. Hội chợ là cơ hội để giới thiệu thương hiệu, bán sách và thăm dò phản ứng của khách hàng về sản phẩm của mình. Đây là một hoạt động văn hóa, càng nhiều thì càng tốt cho xã hội chứ sao? Miễn là nó không làm hại đến kinh phí Nhà nước.

Để thu hút khách mua, nhiều nhà sách đã làm thêm các quà tặng kèm như bookmark, móc khóa, túi vải, ly, cốc v.v… và treo biển giảm giá hết cỡ (có gian hàng giảm đến 70% giá bìa) nhằm kích cầu thị trường sách. Sách đồng giá 5.000đồng, 10.000đồng, thậm chí 2.000đồng… xuất hiện ở hầu hết các gian hàng. Công ty sách Đinh Tị còn đánh vào nhu cầu sống ảo của khách hàng trẻ bằng việc phát hành Hộ chiếu đọc sách.

Ý kiến của người đọc tựu trung lại là: “Chừng chưa đủ để kéo dài sự mặn mà của người đọc với sách. Nếu quanh đi quẩn lại chỉ có chừng ấy chiêu, vậy thì đừng nên lặp lại sớm quá”. “Tổ chức theo quý thì vừa”! “Đừng hy vọng cứ mở nhiều hội chợ sách thì sẽ có thêm người đọc. Việc người ta có tìm đến sách hay không nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố, và trong khi chưa kéo thêm được thị phần thì cũng đừng làm cho người ta thấy phiền vì các hội chợ đáng lẽ là rất đáng yêu này”!

Các hội chợ sách tính từ đầu năm:

1.Hội sách lớn nhất Hà Nội với chủ đề “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng” diễn ra ở Công viên Thống Nhất từ ngày 6/4 đến 10/4.

2. Từ ngày 11-13/8, tại phố sách 19 tháng 12 có Hội Sách Thu 2017 do Thái Hà Books kết hợp cùng Đinh Tị Books tổ chức.

3. Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam lần thứ 6 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội diễn ra từ 23 đến 27/8.

4. Hội sách Hà Nội 2017 từ ngày 22- 26/9/2017.

MỚI - NÓNG